Xu hướng đẩy trả vụ việc bạo lực gia đình về thành chuyện riêng của gia đình
Anh Nguyễn Văn N. ở Hà Nam tìm đến Văn phòng Luật sư M.G để hỏi về trường hợp của em gái mình. Theo lời kể của anh N, em gái anh lấy chồng năm 2007 đã có hai con một trai, một gái. Nhưng trong cuộc sống hai vợ chồng không hạnh phúc vì em gái anh N. thường xuyên bị người chồng chửi bới đánh đập. Thậm chí đang mang bầu tháng thứ 8 em gái anh N. vẫn bị người chồng đánh ngã sấp mặt xuống sân. Không chịu nổi bạo lực gia đình, em gái anh N. đã nhiều lần muốn gửi đơn ly hôn nhưng người chồng đe dọa giết. Anh N. nhờ luật sư tư vấn để giúp em gái thoát khỏi cảnh sống địa ngục trần gian với người chồng vũ phu.
Trả lời anh N., luật sư của Văn phòng Luật sư M.G khẳng định hành vi của người chồng thường xuyên chửi bới, đánh đập, đe dọa đến tính mạng của vợ cả khi vợ đang mang thai và cản trở quyền yêu cầu ly hôn là hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ). Và theo tinh thần Điều 5 Luật Phòng chống BLGĐ 2007 khi người chồng có hành vi bạo lực như vậy thì chính người vợ hoặc người phát hiện hành vi đều có quyền báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất hoặc ủy ban nhân dân xã hoặc trưởng thôn hay tổ trưởng tổ dân phố để có thể kịp thời được can thiệp, để từ đó dựa trên tình hình thực tế, yêu cầu của nạn nhân, cơ quan có thẩm quyền sẽ có hướng xử lý kịp thời cần thiết để bảo vệ nạn nhân.
Ở góc độ luật pháp, nội dung tư vấn của luật sư là hoàn toàn chính xác. Nhưng trên thực tế, trong nhiều vụ BLGĐ, chính quyền địa phương không phải là chỗ dựa cho nạn nhân. Thậm chí ở nhiều vụ việc sự thờ ơ của chính quyền đã dồn nạn nhân vào thảm cảnh như câu chuyện của chị Nguyễn Thị Sơn (SN 1975, quê Quảng Ngãi) cư ngụ ở TP HCM.
Không chỉ đánh đập, hành hạ vợ bất kỳ lúc nào dù đêm hay ngày, người chồng của chị Sơn còn tàn bạo đến mức đã thọc mạnh cả bàn tay vào “vùng kín” của vợ để lôi chiếc vòng kế hoạch hóa gia đình ra và bắt chị phải đẻ thêm thằng cu. Đứa con gái 2 tuổi thì bị bố bắt đi ăn xin. Tiền xin được, người bố dùng để mua dâm ngay trước sự chứng kiến của con gái. Mẹ con chị Sơn đã phải chịu đựng một thời gian rất dài thảm cảnh gia đình như vậy.
Chị cho biết: “Tôi báo công an, bảo vệ khu phố, đoàn thể địa phương rất nhiều lần, song những gì nhận được chỉ là sự thờ ơ, vô cảm. Đa phần đều hòa giải, khuyên nhịn chồng. Anh ta hứa sẽ sửa chữa nhưng rồi đâu lại vào đó. Thậm chí, người ta vừa về thì anh ta lại tiếp tục... đánh vợ con”.
Sự thờ ơ của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn BLGĐ, hỗ trợ nạn nhân một lần nữa được đề cập tới tại Diễn đàn Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) hướng tới bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ Việt Nam trong 10 năm qua do Bộ LĐ-TB&XH và Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức.
Qua thực tế điều tra về tiếp cận công lý cho phụ nữ, đại diện Viện Xã hội học Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần tăng cường nhận thức của những người tham gia giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình như tổ trưởng dân phố, đại diện tổ chức đoàn thể địa phương. Vì nhận thức chưa đầy đủ nên ở địa phương chu trình giải quyết các vụ việc BLGĐ còn câu nệ vào hình thức hòa giải nên việc xử lý không tận gốc rễ vấn đề. Chủ thể tham gia giải quyết bạo lực gia đình thường có tâm lý thoái thác, ngại khó, có xu hướng đẩy trả vụ việc BLGĐ về thành chuyện riêng của gia đình…
Nhiều nam giới đã cảm thấy xấu hổ khi lỡ tay đánh vợ
Để khắc phục tình trạng này, trong khuôn khổ Chương trình Đối tác phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái khu vực châu Á-Thái Bình Dương, UN Women và Tổ chức Tình nguyện viên Liên Hợp quốc đã tổ chức thí điểm 4 câu lạc bộ nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại phường Hòa Cường Bắc quận Hải Châu và xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) trong thời gian từ tháng 8/2015 đến tháng 11/2016. Một trong những mục tiêu của dự án là trao quyền cho nam giới nói chung và cho những ông trưởng thôn hay tổ trưởng tổ dân phố nói riêng để họ trở thành những tình nguyện viên tiên phong, tích cực dẫn dắt và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Tham gia dự án, ông Trương Văn Khang, 62 tuổi, Tổ trưởng tổ dân phố tại phường Hòa Cường Bắc cho biết: “Với vai trò là một tổ trưởng tổ dân phố, tôi nghĩ rằng mình cần phải tiên phong và giác ngộ đầu tiên, sau đó lan tỏa ra những người khác trong cộng đồng. Gần đây nhất, có một cặp vợ chồng trẻ ở gần nhà tôi, thường hay cãi cọ nhau.
Tôi đã sang khuyên nhủ họ không nên nặng lời xúc phạm nhau khi có mâu thuẫn, cần trao đổi với nhau một cách bình tĩnh, tôn trọng và cởi mở - là những điều mà tôi đã học hỏi được trong quá trình tham gia dự án. Bây giờ, gia đình đó đã hòa thuận hơn, cả chồng lẫn vợ đều quan tâm đến nhau và chia sẻ công việc cho nhau một cách hợp lý. Sau khi dự án kết thúc, tôi sẽ tiếp tục ủng hộ và tham gia vào các hoạt động phòng chống bạo lực với phụ nữ tại cộng đồng bởi vì vẫn còn nhiều người phụ nữ chịu thiệt thòi và chưa được đối xử bình đẳng”.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Quang, 64 tuổi - Chi hội trưởng Nông dân xã Hòa Phong thì: “Trước đây, nam giới trong làng tôi xem đánh vợ là việc bình thường, và mọi người cũng không can thiệp hay hỗ trợ giải quyết vì quan niệm “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Tuy nhiên, bây giờ nhiều nam giới đã cảm thấy xấu hổ khi lỡ tay đánh vợ trong lúc nóng giận, và nhiều người ý thức được việc đánh vợ không còn được xem là điều bình thường nữa. Mặc dù vậy, tôi sẽ vẫn tiếp tục ủng hộ và tham gia vào các hoạt động phòng chống bạo lực với phụ nữ tại cộng đồng vì vẫn còn nhiều nam giới chưa có hiểu biết và nhận thức đầy đủ để phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”…