Khó tin… nhưng có thật
Mới đây, mạng xã hội chia sẻ chóng mặt đoạn clip ghi lại hình ảnh một cụ bà bị người phụ nữ mắng chửi, đánh đập dã man khi ngồi trên giường. Hành vi bạo hành nhẫn tâm, độc ác của người phụ nữ đối với cụ bà già yếu khiến cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ, đồng loạt bày tỏ nhiều ý kiến chỉ trích.
Theo nội dung đoạn clip, cụ bà tóc bạc trắng, dáng vẻ gầy yếu ngồi trên giường và được cho là đi vệ sinh không thể kiểm soát. Phải thu dọn cho cụ bà, người phụ nữ áo xanh (được cho là con gái) đã tỏ ra hết sức bực tức. Người này liên tục mắng chửi mẹ mình bằng nhiều lời lẽ thậm tệ, quát mắng lớn tiếng, xưng “mày - tao” và thậm chí còn dọa dẫm mẹ mình “tao cho mày liệt luôn”, “tao cho mày chấn thương sọ não”...
Đặc biệt, người phụ nữ đánh đập mẹ già rất dã man, dùng cán chổi vụt nhiều nhát vào người, lấy chăn và gối đánh tát rất mạnh vào mặt mẹ khiến cụ bà ngã nhào ra giường không thể chống đỡ.
Đỉnh điểm, người con gái đã trút giận lên mẹ mình bằng cách hốt cát dính phân dưới đất lên rồi... đổ thẳng vào mặt và người mẹ mình. Vừa hất, người phụ nữ này vừa hét lớn: “Mày ăn vô cho tao, mày ăn vô cho tao”.
Sau khi tra tấn mẹ cả về thể chất và tinh thần, người phụ nữ tiếp tục quát nạt bắt mẹ cởi đồ để thay rửa. Khi cụ bà tỏ ý không muốn cởi đồ thì lập tức bị người phụ nữ xông vào đánh tát tới tấp, giằng xé quần áo. Cụ bà la lên “trời ơi” và sau đó phải tự cởi đồ do không thể chịu đựng thêm những cú đánh tàn nhẫn của con mình.
Theo điều tra ban đầu, đoạn clip trên mạng xã hội là do con của bà H. ghi lại từ tháng 11/2019, được lưu giữ trên điện thoại. Sau đó, khi bà Đ. qua đời vào ngày 02/9 thì con của bà H. gửi đoạn clip cho người thân trong gia đình và sau đó xuất hiện trên mạng xã hội.
Nhân vật trong các clip cũng được làm rõ. Ngôi nhà nơi xảy ra chuyện kinh hoàng đó ở xã Long Hòa, huyện Cần Đước, Long An. Bà cụ tội nghiệp là Nguyễn Thị Đ. (82 tuổi). Còn bà áo xanh là Nguyễn Thị Hoa. Hoa, chính là con gái của cụ Đ., nổi tiếng về độ chửi bới và hành hạ mẹ ruột. Bà Hoa cho biết do một mình bà phải nuôi mẹ già, mẹ không để lại tài sản gì nên không kiềm chế được bản thân…
Nhiều ý kiến phẫn nộ cho rằng, mặc dù những đứa con trời đánh, những nghịch tử không xa lạ trong đời sống của người Việt những năm qua. Nhưng, kẻ hành hạ lại là phụ nữ và đến mức tàn ác như Hoa, thì thật khó tin.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, trên trang Facebook cá nhân, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội bày tỏ: Hành động của chị ta là không thể chấp nhận và đáng lên án, rất đáng lên án.
Nhưng mình cứ bị ám ảnh mãi về câu hỏi vì sao chị ta lại có thể hành động tàn bạo như vậy với mẹ đẻ của mình? Hẳn chị ta phải bức xúc lắm, tức giận lắm, uất ức lắm, hận lắm... mới bùng nổ một cách dữ dội như vậy. Nhưng vì sao mà bùng nổ ghê gớm đến vậy? Hẳn đó phải là kết quả của một quá trình đủ lâu để tất cả những mệt mỏi, giận hờn, khó chịu, tức tối... bị dồn nén đến mức bùng nổ không thể kiểm soát.
Cứ như những gì phổ biến trong gia đình Việt Nam như mình biết qua mấy chục năm nghiên cứu về gia đình thì gánh nặng chăm sóc thường dồn lên vài người phụ nữ: Chăm chồng, chăm con, chăm cha mẹ già, chăm sóc người bệnh, nếu sống với anh em, họ hàng... thì có khi phải chăm sóc luôn cả mấy người này.
Ngoài ra, phần lớn phụ nữ còn đi làm kiếm tiền không kém đàn ông... Việc người phụ nữ không gánh nổi mấy gánh nặng đó đã bị chê trách rồi. Nên việc họ bị tất cả mọi người rủa xả khi bùng nổ như trường hợp này mà không cần biết điều gì làm họ đi đến khúc quanh nghiệt ngã đó, là không có gì đáng ngạc nhiên.
Việt Nam đang ở giai đoạn già hoá dân số, tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, mức sinh ngày càng giảm, lại thêm vấn nạn mất cân bằng giới tính khi sinh, nhiều trai hơn gái. Nếu gánh nặng chăm sóc không được chia sẻ bình đẳng, hợp lý giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình và xã hội thì những câu chuyện đau lòng như thế này e rằng sẽ không là hiếm.
Tại sao xã hội cứ muốn hưởng sự chăm sóc miễn phí của phụ nữ? Tại sao chúng ta sẵn sàng trả phí cho nhiều dịch vụ đơn giản nhưng lại đòi hỏi phụ nữ làm việc không công cho xã hội! Mình coi việc chăm sóc người già là vấn đề xã hội chứ không chỉ là vấn đề của gia đình. Đã đến lúc nhà nước và xã hội phải cung cấp dịch vụ chăm sóc người già để giải phóng phụ nữ khỏi ít nhất một gánh nặng và trả ơn người già vì sự cống hiến của họ.
Cuối cùng thì sau một đời lao động vất vả không ai muốn bị đối xử như thế này. Xã hội cũng thôi ca ngợi lòng hiếu thảo theo cách mà người già không dám vào nhà dưỡng lão còn con cháu dù bận dù khổ cũng không dám đưa cha mẹ đến đó. Tư duy hợp lý, công bằng và có trách nhiệm mới giải quyết được vấn đề, chứ không phải lên giọng đạo đức vào lúc này! - TS Khuất Thu Hồng bày tỏ.
Đến hổ dữ cũng… “không ăn thịt con”
Ngày 4/9, Công an huyện Xuyên Mộc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Đào Văn Bé để điều tra làm rõ về hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và hành vi ngược đãi hoặc hành hạ cháu.
Bị can Đào Thị Gái (38 tuổi) cũng bị Công an huyện Xuyên Mộc bắt tạm giam 2 tháng để điều tra làm rõ về hành vi ngược đãi hoặc hành hạ con ruột của mình.
Đối với cháu Đ.T.H, do đang mang thai nên Công an huyện Xuyên Mộc phối hợp cùng Phòng LĐ-TB&XH huyện này đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chăm sóc sức khỏe, đợi ngày sinh con. Người đàn bà ấy tên là Gái. Thị Gái lấy chồng trước đẻ 2 đứa con. Lấy chồng sau đẻ 5 đứa con rồi chồng chết.
Lũ trẻ và địa ngục trần gian – do chính cậu và mẹ ruột đày đọa. (Ảnh minh họa). |
Hàng ngày mẹ Gái và cậu Bé bắt con bắt cháu đi ăn xin. Giao khoán 900.000đ một ngày. Thiếu là đánh đập, dùng vợt điện muỗi chích, vả vào miệng gẫy răng. Trong khi con và cháu phơi mặt đi ăn xin thì mẹ và cậu ngồi ở quán nước điện thoại có tiền là đến thu.
Kinh hoàng hơn, Gái thỏa hiệp cho Bé loạn luân với 2 đứa con gái của mình. Khi bé 14 tuổi đã mang thai, sinh được 1 năm thì bắt bế đứa con đỏ hỏn đi ăn xin. Nắng gió phơi mặt ở ngã ba ngã tư, đứa bé 1 tuổi phải lìa đời vì bà và ông cậu bất nhân. Hiện nay, đứa cháu đã 16 tuổi đang mang thai từ dòng giống cậu ruột được 4 tháng.
Đứa cháu gái lớn 19 tuổi về thăm mẹ, thì ông cậu cũng không tha đời trinh trắng của cháu mình. Hổ dữ không ăn thịt con. Nhưng Gái là người vẫn “ăn” thịt con, lại còn dâng con mình cho quỷ dữ. Nếu con bé 10 tuổi không dắt em chạy trốn được, thì số phận một bầy trẻ thơ dại sẽ ra sao? Và cho dù những kẻ ác là cậu, là mẹ sẽ phải chịu những hình phạt đích đáng, nhưng những vết thương với bọn trẻ đến bao giờ cho lành?
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam thì nhiều gia đình biện minh do khó khăn, túng quẫn, nhưng điều này không thể chối bỏ trách nhiệm chăm sóc, giáo dục nuôi dưỡng con cái. Nhiều cha mẹ đã đưa con em mình đi ăn xin, xem đó là công cụ kiếm tiền. Đó là lòng tham, sự thiếu hiểu biết và nhẫn tâm của các bậc cha mẹ. Cho dù nghèo thì cũng không thể biện minh cái nghèo để nhẫn tâm với con em mình.
Ở trường hợp này, hành vi chăn dắt trẻ em đi ăn xin cần lên mức xử lý hình sự, không thể nào để kẻ bóc lột sức lao động trẻ em, không thể nào xử lý hành chính các trường hợp chăn dắt trẻ em, kể cả những người đó là bố hay mẹ. Khung hình phạt cần phải tăng nặng những trường hợp bắt trẻ em, đánh đập, ngược đãi bắt trẻ em lao động, kiếm sống khi tuổi của các em còn quá nhỏ.
Có thể nói, trong cuộc sống hôm nay, hình hài cái ác đã hiện hữu rõ ràng, chi tiết. Nó phơi bày thứ tội ác tấn công thành công thành trì thiêng liêng nhất: tình máu mủ. Kẻ ác có thể bất chấp quan hệ huyết thống để tiêu diệt nốt tính người còn sót lại của bản thân để tác ác với người thân: với mẹ cha, với con ruột, cháu ruột, với những đứa trẻ - chúng đều vô cảm, nhẫn tâm…
Phải chăng, khi lòng tốt không còn được để tâm trong hệ giá trị của cuộc sống? Thực tế, người ta chỉ sẵn sàng xả thân vì người khác khi có tình yêu đối với con người, tình yêu đối với lý tưởng sống của mình - khi tự đáy lòng, là nhu cầu của bản thân mà thôi. Nhưng, nhu cầu ấy không còn là đòi hỏi bức thiết đối với nhiều người nữa, bởi có quá nhiều điều khác khiến họ phải mê mải chạy theo.
Cái xấu, cái ác sẽ tiếp tục mạnh lên nếu như thức ăn của nó là lòng tham và sự im lặng ngày càng nhiều. Tại sao tất cả đều im lặng khi người con tra tấn mẹ? Đứa con quay lại clip sao không ra giúp mẹ dọn dẹp một tay? Chỉ khi nào, con người nhận ra - lòng tham, sự ích kỷ sẽ là vô nghĩa khi hằng ngày chúng ta phải đối mặt với cái ác, với sự vô cảm giữa người với người, thì mới có thể thay đổi. Bởi lòng tốt, những yêu thương trắc ẩn - sẽ là những giá trị cứu rỗi cuộc đời mỗi con người, sau tất cả…