Khi trong nhà có một.... "Chí Phèo"

(PLO) - "Thời gian đầu khi về sống với nhau, tôi không hiểu sao chồng tôi luôn thích nằm co người, mặt quay vào góc tường, nửa đêm thường bật dậy la hét…". Đây là một trong những chia sẻ của người vợ có chồng bị rối loạn tâm lý nặng do có cha nghiện rượu. Rượu đang thực sự là bóng ma phá nát nhiều gia đình.
Không nghiện vẫn kinh hoàng
Chị Hồng Hạnh, một người có chồng bị sang chấn tâm lý bởi những ám ảnh trong tuổi thơ từ một người cha nghiện rượu, và những cơn say bất tận, chia sẻ câu chuyện của chính gia đình mình... “Chồng tôi là một người không biết uống rượu, bia và thậm chí cực kỳ ghét những ai uống rượu, bia. Nhưng hỡi ơi, anh lại là nạn nhân của thói uống rượu, bia và dù đã thoát khỏi nó. Gần như cả đời anh vẫn sống với những ám ảnh quá khứ không thể nào nguôi.
Ba chồng tôi là một “con sâu rượu”. Kể từ khi mẹ chồng tôi mất vì lâm trọng bệnh, ông càng sa đà vào rượu chè và không thể làm gì để có tiền nuôi nấng đàn con 4 đứa còn nhỏ. Vì thế, ông chỉ giữ lại đứa con nhỏ nhất là chồng tôi ở nhà, còn ba người con lớn gửi cho họ hàng nuôi hộ.
Hầu như ông đi nhậu suốt ngày, mặc cho đứa con nhỏ là chồng tôi bị đói khát ở nhà một mình. Có những ngày ông trở về với một con cá khô hay một trái chuối còn sót lại trên bàn nhậu, nhưng cũng có khi chả có gì. Chồng tôi thường phải đi ngủ với cái bụng trống rỗng, nếu không tìm được thứ gì để ăn (chẳng hạn như mít non, đu đủ xanh hay rau lá mọc dại chung quanh nhà). Điều đáng nói là khi say xỉn, ông trở nên hung hãn khác thường và chỉ cần “ngứa mắt”, ông lại lôi chồng tôi ra đánh đập.
Minh họa nguồn internet. 
Thời gian đầu khi về sống với nhau, tôi không hiểu sao chồng tôi luôn thích nằm co người, mặt quay vào góc tường, nửa đêm thường bật dậy la hét… Hóa ra, những trận đòn của người cha nát rượu ngày ấy vẫn còn trở đi trở lại trong giấc mơ và anh ấy luôn thủ thế trong sự sợ hãi. 
Hơn thế, những năm tháng tuổi thơ của anh còn bị ám ảnh nhiều chuyện đau lòng khác nữa từ người cha. Khi nào không ra ngoài thì ông lại đưa các “chiến hữu” về nhà để chè chén. Mỗi lần như vậy, ông lại lôi thằng con ra khoe “của quý” rồi cùng nhau cười ha hả. Họ cũng không kiêng dè đứa bé khi thản nhiên đưa phụ nữ về căn nhà tuềnh toàng trống trước hở sau để “vui vẻ” sau mỗi chầu nhậu…
Trước khi gặp tôi, chồng tôi đã trải qua hai năm trị liệu tâm lý để chữa những ám ảnh quá khứ do thường xuyên bị mất ngủ. Cho đến nay, thỉnh thoảng anh vẫn phải đi gặp bác sĩ tâm lý”. 
Chị Minh Hà, một phụ nữ đã đứng tuổi kể rằng, suốt 20 năm chị phải sống với một người chồng “họ Chí”. Từ trẻ, sau mỗi cuộc nhậu là chồng chị có thể bỏ hết mọi việc, nằm li bì, cáu gắt cả tuần. Công việc bỏ bê, kể cả sếp tới tận nhà gọi cũng không được. Cùng với đó là câu chuyện “đàn ông” cũng lưng chừng. Nhưng hễ uống rượu vào là chồng chị có thể kiếm cớ chửi mắng bởi bất cứ lý do gì. Và liền sau đó là có thể “xô” chị ở bất cứ đâu thể thỏa mãn dục tính trong men rượu nồng nặc. 
Theo thời gian, càng ngày người đàn ông của chị càng xa lạ bởi ngập tràn trong men rượu. Mỗi lần chồng chị xỉn là cả nhà như địa ngục, con cái không ái muốn về nhà. Hàng đêm, chị căng cứng người bởi sợ chồng... “gần gũi”. 
Trong gia đình có người nghiện rượu là cả một bi kịch theo thời gian, mà mỗi con người sống dưới mái nhà ấy đều mang theo những nỗi đau, những ám ảnh và sự mất niềm tin vào một người đàn ông vững chãi trong cuộc đời...
“Rượu có thể trở thành bóng ma của hạnh phúc”
Tiến sỹ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, ĐH Sư phạm TP HCM cho biết: Việc lạm dụng rượu, bia có thể gây ra hàng loạt hậu quả như tốn tiền, giảm sức khỏe, thay đổi hành vi theo hướng tiêu cực... Rượu có thể trở thành bóng ma của hạnh phúc gia đình. 
Theo đó, nghiện rượu bia rất dễ đẩy cá nhân đến những hành vi lệch chuẩn: Ở mức độ nghiện nhẹ, đó có thể chỉ là nói dối để được uống, cáu gắt khi bị ngăn cấm. Ở mức độ nặng hơn là mượn hoặc lấy tiền của người khác để thỏa mãn ý thích. Nếu nghiện rượu, bia ở mức độ nặng có thể dẫn tới các hành vi nghiêm trọng như xô xát với người khác, gây bạo hành gia đình... 
Ông Huỳnh Văn Sơn cho rằng, thực tế nhiều phụ nữ cảm thấy bất lực khi tìm cách để chồng hạn chế bia rượu. Thế nên, ngay từ khi mới chung sống, vợ chồng cần có sự thống nhất về quan điểm sống và việc tuân thủ các quy định chung trong gia đình để mỗi thành viên có ý thức tự nguyện thực hiện. 
Người vợ thay vì chủ động kiểm soát tới mức mệt mỏi thì nên kích thích để bản thân chồng cố gắng thay đổi. Ngoài ra, bạn đừng quá quan trọng chuyện chồng có uống rượu hay không mà hãy khuyến khích anh ấy thực hiện trách nhiệm và tình thương với gia đình. 
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Điều trị nghiện Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khi nói về bia, rượu đã thốt lên rằng: Lạm dụng bia, rượu là một vấn nạn của xã hội song hành với chất ma túy trong những chất gây nghiện, nó làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người, xã hội. Lạm dụng rượu, bia khiến con người ta bị tổn hại sức khỏe, bệnh tật, mất kiểm soát hành vi, tâm thần, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. 
Cũng theo bác sĩ Tuấn, những người uống rượu nhiều rất dễ bị nghiện rượu mạn tính, thường thì 8 năm đối với nam và 5 năm đối với nữ. Ở giai đoạn này, người nghiện rượu mạn tính rất dễ bị tâm thần dẫn đến mất kiểm soát hành vi và thường gây rối, mất khả năng lao động, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Khi đến giai đoạn sảng rượu, người bệnh thường bị rối loạn tâm lý, hoang tưởng và thường gặp ảo giác như thấy rắn rết, ma quỷ, thấy người truy đuổi mình... 
Và từ nghiện rượu tới đánh mất gia đình, hoặc dẫn tới giết người là những hệ lụy đã và đang tồn tại trong cuộc sống, bác sỹ Tuấn cảnh báo.

Đọc thêm