Chủ nhật, đúng vào ngày 20 tháng 8 âm lịch - ngày giỗ Đức thánh Trần Hưng Đạo, anh chị làm một chuyến hành hương về Kiếp Bạc. Trên xe, ngoài gia đình còn có một tiến sĩ sử học, chuyên ngành Hán Nôm đi cùng. Nhíu vô cùng thích thú, con bé hát huyên thuyên nhảy cóc từ bài này sang bài khác. Bất chợt nó đổi giọng ru à ơi: “Những khi chắp cánh liền cành/ Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên”.
Cả xe bật cười vì cái giọng ngọng nghịu của cô bé chưa đầy 3 tuổi diễn đạt câu Kiều rất nghiêm túc. Hẳn là lời bà ru cháu đã ngấm vào nó từ bao giờ nên cho dù chẳng hiểu gì mà nó vẫn thuộc, vẫn nhớ. Ông Hán Nôm không cười mà trang trọng rút ra từ cái cặp da sờn cũ vài tờ giấy đã ố vàng: “Lời con trẻ, anh chị ạ, dẫu hồn nhiên, vô tình nhưng nó vẫn linh ứng một điều gì đó, câu Kiều nó vừa đọc gợi cho tôi nhớ đến cái này, tôi thu thập được trong một chuyến điền dã từ lâu. Nay nhân về thắp hương chốn thái ấp xưa của Đại vương Trần Hưng Đạo mà cầm theo. Đây là bản dịch “Chính kinh” của Ngài sau khi hiển thánh, giáng bút mà viết ra đã được tạc thành bia”. Ông chậm rãi đọc nguyên bản Hán Nôm rồi dịch nghĩa.
Ông nhấn mạnh cái phần về đối nhân, xử thế của Đức thánh Trần: “Làm con, gắng sao trọn chữ Hiếu/Làm tôi, gắng sao trọn chữ Trung/Anh em, gắng sao trọn chữ Hòa/Vợ chồng, gắng sao trọn chữ Kính/ Bè bạn, gắng sao trọn chữ Tín”.
Chị thắc mắc: “Tại sao vợ chồng lại phải trọn chữ Kính hả ông, cháu lần đầu nghe thấy Thánh phán như vậy?”. Ông Hán Nôm cười rung râu: “Hẳn là chị cũng chưa biết câu này: “Phu phụ tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng đối xử với nhau phải kính trọng như khách. Lễ giáo là thế, nghe có vẻ lạ nhưng vẫn là sự phù hợp với cuộc sống đương đại, cái mà chúng ta gọi là sự tôn trọng lẫn nhau. Chị thử nghĩ xem, nếu giữa hai vợ chồng mà không có sự tôn trọng lẫn nhau nữa, hoặc biểu hiện rõ nhất là thiếu sự giữ gìn, cái gì cũng phơi bày trần trụi, thô thiển thì làm sao giữ được gia phong, có thể là môi trường giáo dục con trẻ?”.
Ảnh minh họa nguồn Internet |
Rồi, như đọc được ý nghĩ của chị, ông dẫn ra ví dụ: “Chồng mời vợ chén nước, vợ đưa cho chồng cái điện thoại cũng nên thận trọng, nhìn vào nhau, đưa tận tay, đừng hờ hững, trễ nải từ những việc nhỏ nhất, đó biểu hiện kính”.
Chị nghi ngờ liếc nhìn chồng, chẳng lẽ anh lại đem kể chuyện nhà cho ông bạn già này? Có lần, điện thoại di động của anh báo chuông, chị với tay lấy điện thoại cho anh, cố tình ngoảnh mặt đi để ra vẻ không thèm biết người gọi là ai, anh chưa kịp đón lấy điện thoại thì chị đã buông tay, cái điện thoại rơi xuống giữa hai người, anh để một lúc mới cúi xuống nhặt lên, chị mặc kệ. Thế thôi mà anh giận chị đến mấy ngày. Hoặc, anh thường tỏ vẻ khó chịu khi chị cứ vào toa lét thản nhiên như không có anh đang ở trong đó. Miên man, chị liên tưởng sang các việc “nhỏ nhặt” khác “trần trụi” hơn, thoáng có cái thảng thốt giật mình.
Nhíu chán không muốn nghe chuyện người lớn, thiu thiu ngủ. Ông Hán Nôm ôm Nhíu vào lòng cất giọng ngâm rất ấm: “Những khi chắp cánh liền cành/ Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên”. Như thế, tan vỡ là cái chắc, cho dù một mối tình đẹp như Tây sương ký.
Trước lúc thiếp vào giấc ngủ, Nhíu còn thấy mặt chị đỏ hồng lên. Chắc là có điều gì xấu hổ. Thế thì tốt, người lớn chẳng bảo còn biết xấu hổ thì vẫn còn là người tốt còn gì!
Nhiu Nhíu