Lợn hay chú sư tử dũng mãnh?
Không thể phủ nhận, không ít người đàn ông khi lấy vợ là lấy một người giống mẹ để chăm sóc mình và gia đình. Ngay từ bé, trong phần đa gia đình, con trai đã hẳn nhiên không phải quan tâm tới việc nhà, tới những sẻ chia với người phụ nữ. Sự lãng mạn của tình yêu sẽ mất đi khi người này nhìn thấy ở người kia sự ích kỉ, sự thờ ơ, vô cảm. Tình yêu khi thiếu sự chăm chút từ hai phía, tự nó sẽ ra đi.
Bên cạnh những ông chồng la lối theo nhiều cách khác nhau để chứng tỏ mình không phải là “heo” thì có người lại hài hước: “Ồ không bao giờ nhé, ở nhà mình thì đàn ông mới là phái yếu, cần được quan tâm chăm sóc quanh năm, 365 ngày, 12 tháng và 24 giờ…”.
Siêu mẫu Hà Anh, người nổi tiếng thẳng thắn, chưa bao giờ ngại ngần bày tỏ những quan điểm của mình, chia sẻ: “Tôi không mong rằng đàn ông là những con lợn vì tôi chẳng thích làm người chăn lợn! Ngược lại, tôi muốn họ là những chú sư tử dũng mãnh, yêu thương, bảo vệ và chăm sóc chị em chúng tôi!
Tôi rất thông cảm với phụ nữ bởi tôi là phụ nữ, mẹ tôi cũng là phụ nữ, bà của tôi cũng là phụ nữ. Chẳng ai trong chúng ta muốn có một người đàn ông thiếu trách nhiệm, thiếu yêu thương cả! Nhưng, giả sử như người đàn ông của bạn là một người vô tích sự, vô trách nhiệm và xấu hoàn toàn trong nhân cách - liệu có bao giờ bạn tự nghĩ, anh ấy có thể là sản phẩm của xã hội và đôi khi của chính bạn?
Cá nhân tôi luôn mong rằng mọi phụ nữ trên thế gian này được hạnh phúc như những gì họ xứng đáng. Một trong những sai lầm lớn nhất của phụ nữ trong quan hệ đối với đàn ông: Đó là đóng vai mẹ anh ta!.
Phải, chính những hành động, lời nói của bạn trong vai trò “mẹ” góp phần làm anh ấy ngày càng trở nên thụ động, mất tự tin, ỷ lại vào bạn. Sự lãng mạn chăm sóc hai chiều cũng dần dần biến mất. Rồi bạn than khổ, bạn tự hỏi: Người đàn ông lãng mạn của tôi thuở mới quen giờ đâu rồi? Và, sao tôi phải chăm cả con nhỏ lẫn chồng lớn thế kia? Vì sao chúng ta lại làm điều này và làm thế nào để tập cho bản thân bỏ thói quen này?
Tôi cho rằng, ở Việt Nam, phụ nữ làm vậy, ban đầu là bởi được gia đình, xã hội giáo dục, chăm sóc đàn ông là bổn phận của phụ nữ. Sau rồi có nhiều phụ nữ trong sâu thẳm nghĩ rằng, nếu họ làm cho người đàn ông lệ thuộc vào họ bởi sự chăm sóc từng chân tơ, kẽ tóc thì người đàn ông sẽ vì vậy mà yêu thương họ và không bao giờ rời bỏ họ?
Anh ấy là người đàn ông thực sự lười biếng hết thuốc chữa? Hay chính bạn đã góp phần tạo nên một “sản phẩm” như vậy?” - siêu mẫu Hà Anh thẳng thắn.
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
“Hôm nay em đã nói yêu anh chưa?”
Đành rằng ai cũng muốn yêu thương và được yêu thương, ai cũng mong muốn trở thành người vợ lý tưởng của một người chồng lý tưởng. Thực tế, do nhiều yếu tố, điều hoàn hảo như cổ tích đó không phải lúc nào cũng hiển hiện, mà ta phải tập… yêu thương.
Thiền sư Nhất Hạnh đã nói về tình yêu, bản chất tình yêu nhìn từ góc độ Phật giáo. Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.
Thiền sư lý giải, mỗi người có những nỗi niềm, khổ đau, bức xúc riêng. Nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn, trách móc. Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau. Không hiểu, sẽ làm người mình thương đau khổ suốt đời. Nhân danh tình thương, người ta làm khổ nhau. Chuyện đó vẫn thường xảy ra.
Được hiểu và được thương vốn là một nhu cầu muôn đời của con người. Nhiều người thường cảm thấy không ai hiểu mình. Họ “đói” thương, “đói” hiểu. Họ thơ thẩn, lang thang trong cuộc đời tìm người hiểu mình, thương mình. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nảy nở, lớn lên từ đó.
Nhà văn Tâm Phan, một phụ nữ hiện đại đang có cuộc sống hạnh phúc với người chồng mà cô đã 7 lần chia ly và 3 lần cưới. Khi hỏi cô về bí quyết hạnh phúc gia đình, cô nói đó là yêu thương mỗi ngày dù cô không quá kì vọng về một tình yêu vĩnh viễn.
Bởi đã từng có 7 lần chia ly với chỉ một người nên cô hiểu những mong manh của tình yêu thời @. Nhưng trải qua tất cả những đớn đau đó, cô đã luôn yêu và được yêu như ngày mai là ngày cuối cùng trong đời.
Lưu Ly, nữ PGS trẻ nhất Việt Nam tới thời điểm này tâm sự, cô và chồng là bạn học từ thời tiểu học. Thế nhưng, cũng như một cái duyên, sau này lớn lên, “đi đâu cũng gặp” vì cả hai trong một nhóm bạn đi thăm thầy cô hàng năm.
Thế rồi suốt 14 năm “mày- tao”, tới năm thứ ba đại học mới bắt đầu tình yêu. Và rồi cả hai ra trường đi làm một năm thì kết hôn.
Họ có thể chia sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống. Chồng Ly có thể chơi piano, guitar, chơi và đam mê bóng đá… Dù là một phụ nữ thành công trong sự nghiệp nhưng như mọi phụ nữ bình thường khác, khi mệt mỏi cô thường gác lại tất cả để dựa vào vai chồng, cùng chồng con đi chơi.
Với cô, gia đình nhỏ và sự lãng mạn dường như lớn lên theo năm tháng. Có những ngày ngọt ngào, chồng vẫn đệm đàn piano cho Ly hát…
Một phụ nữ khác thì kể một câu chuyện giản dị: Cô có một công việc bận rộn, nhưng cô vẫn thu xếp được việc nhà ổn thoả. Cô không ngại nấu nướng, dọn dẹp, việc duy nhất cô ngại là rửa bát. Thế nên, hễ khi có thời gian, chồng thường âm thầm đi rửa bát và dọn dẹp căn bếp nhỏ.
Khi đó, cảm giác của cô thật ấm áp, hạnh phúc và yêu thương chồng tha thiết. Có những khi chồng rửa bát, cô lẳng lặng ôm chồng từ phía sau, rồi tới cô con gái nhỏ ôm lấy mẹ như một đoàn tàu. Chồng cô cứ vậy tha cả “đoàn tàu” đáng yêu đó khắp căn bếp. Tất cả trong im lặng ngọt ngào, hoặc phá lên cười ấm áp…
Những câu chuyện tình rực rỡ, có khi sáng và trong như những tia nắng mới, có khi giản dị như một cốc cafe, có khi trầm buồn và thầm lặng như bài ca trên phố cổ. Người ta yêu nhau để ở bên nhau, để chở che, chăm sóc lẫn nhau.
Vì người ta yêu nhau, người ta muốn chia sẻ tình yêu của mình, trong màn sương mai phơn phớt hay trong tiếng gió reo trên những đỉnh cây. Người ta yêu nhau không biết đêm, ngày, bóng tối hay ánh sáng.
Tình yêu là một điều diễn biến liên tục, chẳng biết khi nào sẽ dừng lại. Nhưng những khoảnh khắc tưởng như vô hình và nhẹ bẫng ấy, đôi khi lại là điều chúng ta phải tìm kiếm cả cuộc đời…
Bởi tình yêu nào cũng thế, có đi qua những ngày mưa, thậm chí là bão táp mới yêu thêm ngày nắng, mới tìm về trú ngụ trong tim nhau bình yên… Tình yêu và sự lãng mạn sẽ luôn ở đó, khi cả hai biết trân quý nhau và cuộc sống càng bận rộn thì thời gian bên nhau càng quý giá.
Hạnh phúc và sự lãng mạn không phải là điều gì đó quá xa vời, mà đơn giản như một bờ vai ấm, như khi cả gia đình được ở bên nhau sau những ngày hối hả, cùng nghe một bản nhạc, cùng xem một bộ phim…
Nhiếp ảnh gia Lauren Fleishman đã thực hiện dự án “The Lovers” - chuyện tình của những đôi uyên ương gắn bó hơn nửa thế kỷ. Ban đầu cô dự định sẽ chụp ảnh 50 cặp vợ chồng, nhưng dự án nhanh chóng tăng lên tới gần 100 cặp. Cô nhận thấy rằng việc hỏi các cặp vợ chồng già về nụ hôn dường như làm cho họ cảm thấy thoải mái hơn và gợi nhớ về thời trẻ trung của họ.
Dự án của Fleishman được truyền cảm hứng khi cô đọc những bức thư tình của ông nội viết trong Thế chiến II. Sau khi ông qua đời, nhật ký của ông đã dẫn dắt cô có những trải nghiệm chưa từng có trước đây.
“Hàng ngày vợ tôi đều thể hiện tình yêu của mình với tôi. Mỗi ngày cô ấy nhắc đi nhắc lại không biết bao lần: “Hôm nay em đã nói với anh là em yêu anh chưa?”. Đó là câu chuyện của ông bà Moses và Tessie Rubenstein…