[links()]“Sau năm 2020 mới tính đến việc xây dựng đường đôi khổ 1.435mm và đường sắt cao tốc… Với tư duy GTVT không chỉ chú trọng đến đường bộ, thời gian tới có thể dừng vài đoạn đường bộ cao tốc để đầu tư cho đường sắt”, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo.
Hơn 100 năm ra đời, đường sắt Việt Nam vẫn giữ nguyên khổ đường 1m lạc hậu |
Thiếu tiền
Theo thống kê, đường sắt Việt Nam (ĐSVN) hiện có hơn 3.000 km, trong đó có 2.531 km đường tuyến chính, chưa có một km nào vào cấp. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho ĐS từ năm 2008 đến năm 2011 chỉ chiếm khoảng 2,51%, trong khi đó đường bộ lại chiếm tới hơn 84% tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông.
Điều đáng nói, đầu tư cho ngành này lâu nay chỉ mang tính cải tạo, sửa chữa để đảm bảo vận hành an toàn chứ ít xây mới để nâng cao tốc độ. “Hạ tầng ĐS chúng ta đang khai thác có từ trăm năm trước. Muốn thay mới phải cần rất nhiều tiền nếu không chuyện quá tải vẫn còn diễn ra dài dài. Ví dụ, như năm ngoái (2012), nhà nước đầu tư cho ngành ĐS hơn 1.400 tỷ đồng. Nhưng thực tế, con số này mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của công tác duy tu cầu đường và trả lương”, một cán bộ có thẩm quyền ở TCty ĐSVN nói với PLVN.
Từ thực tế không được đầu tư đúng mức, năng lực vận tải của ĐSVN không những không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng mà đang có nguy cơ mất dần thị phần trong vận tải.
Xung quanh vấn đề này, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Lã Ngọc Khuê cho rằng, cần phải xác định một số tuyến chủ đạo để quan tâm, đầu tư. Cụ thế, từ nay cho đến năm 2020 phải đầu tư cho tuyến ĐS Bắc - Nam, đồng thời phải quan tâm đến ĐS đô thị và tính đến việc kết nối các tuyến ĐS đô thị với ĐS quốc gia.
Về tài chính, nguyên Tổng Giám đốc Liên hiệp ĐSVN Đoàn Văn Xê nêu quan điểm, từ nay tới năm 2020 nên tập trung cho tuyến Bắc - Nam hiện tại với mục tiêu đúng giờ, an toàn, nâng cao chất lượng phục vụ trên tàu, dưới ga. Tập trung cải tuyến một số đoạn để nâng cao tốc độ chạy tàu từng đoạn đạt 120km/h. Sau năm 2030 mới tính tới việc làm đường sắt cao tốc.
Ngành Hỏa xa trên 130 năm tuổi ĐSVN là một trong những ngành công nghiệp lâu đời nhất của Việt Nam, ra đời từ 1881 với tuyến ĐS đầu tiên dài 71km nối Sài Gòn - Mỹ Tho. Chuyến tàu đầu tiên khởi hành ở Việt Nam vào ngày 20/7/1885. Sau đó, mạng lưới ĐS tiếp tục được triển khai xây dựng trên khắp lãnh thổ Việt Nam theo công nghệ ĐS của Pháp, với khổ ray 1m. Thời kỳ chiến tranh, ĐSVN bị hư hại nặng nề. Từ năm 1986, các tuyến ĐS chính và ga lớn, đặc biệt là tuyến Bắc - Nam đã được khôi phục lại. Mạng ĐSVN hiện có 7 tuyến chính nối liền hơn 30 tỉnh, thành phố qua nhiều địa hình khá đặc biệt. |
Ngược lại cũng có có một số ý kiến cho rằng, không nên đầu tư vào tuyến Bắc - Nam để nâng tốc độ lên trên 100km/h mà vẫn duy trì tốc độ chạy tàu như cũ để dành nguồn vốn đầu tư cho một số tuyến khác nhằm từng bước đồng bộ, đảm bảo tốc độ chạy tàu 70km/h.
Trong khi một số khác, thì đề xuất nên xây dựng đường đôi để tăng tần suất chạy tàu lên 70-80 đôi tàu khách, hàng/ngày thay vì chỉ có hơn 10 đôi tàu khách Thống nhất/ngày ( vào những dịp cao điểm lễ, Tết) như hiện nay mà đã kêu quá tải.
Chọn “kịch bản” nào?
Chiến lược phát triển giao thông vận tải ĐS ban hành theo Quyết định 1686/QĐ-TTg ngày 20/11/2008 đã xác định đến năm 2020 phải đáp ứng ứng tối thiểu 13% nhu cầu về lượng luân chuyển hành khách và 14% nhu cầu về lượng luân chuyển hàng hóa.
Trong đó, trên các hành lang chính như hành lang Bắc - Nam là 37% về hành khách, hành lang Đông - Tây là 40% về hành khách và hơn 45% về hàng hóa; phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Đồng Đăng (thuộc chương trình hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung); đầu tư xây dựng xong và đưa vào khai thác đường sắt cao tốc Bắc - Nam tốc độ 350 km/h, ưu tiên hoàn thành sớm đoạn Hà Nội - Huế hoặc Hà Nội - Đà Nẵng và TP.HCM - Nha Trang…
Tuy nhiên, với thực lực như hiện nay, thì “kịch bản” trên có chắc sẽ được hiện thực hóa khi mà từ nay đến đó chỉ còn bảy năm và mỗi năm nhu cầu hành khách đi tàu chỉ tăng có 5%, nhưng ngành ĐS đã phải chật vật, thậm chí còn từ chối hoặc nói lời “xin lỗi” khách hàng do hệ thống hạ tầng, nhà ga, thông tin tín hiệu và cả con người vẫn còn quá hạn chế.
Trước thực tế sau nhiều năm mà ĐSVN vẫn còn nhiều yếu kém và lạc hậu, Bộ trường GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo chiến lược phát triển GTVT ĐS cần được bổ sung hoàn chỉnh trong tổng thể chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn 2050.
“Trước mắt sẽ phải tập trung cải tạo, nâng cấp ĐS Bắc - Nam hiện có, đảm bảo chạy tàu an toàn với tốc độ 70-120km/h, sau năm 2020 mới tính đến việc xây dựng đường đôi khổ 1.435mm và ĐS cao tốc. Kế hoạch phát triển ĐS cần được làm cụ thể. Với ý chí và quyết tâm cao, với tư duy GTVT không chỉ chú trọng đến đường bộ, thời gian tới có thể dừng vài đoạn đường bộ cao tốc để đầu tư cho ĐS”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.
Tuấn Anh - Thanh Quý