Khó cười!

(PLO) - Tham gia một trò chơi trên truyền hình, chọc cười được giám khảo, trong 4 phút người chơi đã “ẵm” trọn 150 triệu đồng. Quả là không theo lời được cho dù vị giám khảo có cười ngặt nghẽo, có thể phải khóc nếu so sánh với sức lao động của mình cùng thời gian bỏ ra để được số tiền đó, tương đương với 3 năm làm việc của một cử nhân mới được tuyển dụng vào biên chế. Hoặc, như lương của giáo viên tại TP Hồ Chí Minh chỉ 3 triệu đồng/ tháng mà Bí thư Thăng đề nghị phải chấm dứt tình trạng này.
Khó cười!

Cũng không thể cười được khi chị em phố thị thích món lạ mà ăn bưởi Mỹ 500.000 đồng một trái hoặc cũng bỏ ra một số tiền tương đương để nếm món khoai lang Nhật. Số tiền ấy bằng một tháng ăn bữa trưa công sở của viên chức, công chức nghèo đấy!

Tại TP Hồ Chí Minh, các thầy thuốc có sáng kiến và thực hành Đêm ca nhạc Blu trắng. Họ đi hát để lấy tiền ủng hộ cho những suất ăn từ thiện trong bệnh viện, mỗi suất ăn miễn phí đó là 25.000 đồng đã giúp được bao bệnh nhân và người nhà qua cơn đói và thực sự ấm lòng. Hai năm qua và 30.000 suất cơm như thế kiếm được qua những đêm hát của các y, bác sỹ. Tin vui nhưng cũng không thể cười, chỉ thấy xúc động đến trào nước mắt vì những hành động cao cả, thấm đậm tình người đến như thế của đội ngũ thầy thuốc vì người bện, người nghèo.

Trong nỗi xúc động vì sự sẻ chia thì lại thêm buồn bởi “cát-sê” khủng của những ca sỹ, danh hài đi hát đám cưới mà không thể tin nổi có trường hợp được gia chủ tặng cho xe hơi đắt tiền hoặc cả một mảnh “đất vàng”. Sự ngang trái, nghịch lý “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” ngang nhiên diễn ra trong mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực trong xã hội chúng ta khiến người ta thấm thía sự bất công như thế nào!

Đó là những chuyện đời thường thôi còn thấy xót lòng, còn những chuyện lớn những người có trách nhiệm với xã hội sao nỡ bỏ qua. Đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông sau nhiều lần đội giá, lỡ hẹn khánh thành giờ sắp được đưa vào sử dụng mà người dân không thấy vui. Có những con số khiến ai cũng động lòng như so sánh nước khác làm đường sắt như thế chỉ mất 20 đến 30 triệu đô la cho 1km, còn ở ta là 70 triệu đô, hoặc để vận hành đường tàu 13km đó cần đến 600 người.

Một ví dụ khác, liên doanh của một Công ty khoáng sản và nhà máy thép với Trung Quốc ở Lào Cai mỗi năm lỗ vốn hàng ngàn tỷ đồng mà chẳng có cách nào khắc phục. Những dẫn chứng làm nghèo đất nước đó có thể đưa ra rất nhiều và không thể không đặt câu hỏi: Tại ai và vì sao?

Không ai có thể cười trước sự chọc cười nhảm nhí và cũng chẳng thể vui được một mình khi chứng kiến những chuyện trái ngang xã hội!

Đọc thêm