Khó hiểu không điều trị F0 nhưng BV Đa khoa Đức Giang vẫn gửi thông báo như bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù bệnh nhân nhiễm Covid-19 không điều trị tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang (địa chỉ số 54 P. Trường Lâm, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội), nhưng bệnh viện này vẫn gửi tin nhắn có dòng chữ không dấu “da ket thuc dot dieu tri”.
Nội dung những tin nhắn tư vấn từ BV Đa khoa Đức Giang dù bệnh nhân không hề cung cấp thông tin, cũng không điều trị tại đây ngày nào.
Nội dung những tin nhắn tư vấn từ BV Đa khoa Đức Giang dù bệnh nhân không hề cung cấp thông tin, cũng không điều trị tại đây ngày nào.

Phản ánh đến báo Pháp luật Việt Nam, chị L.T.M (trú tại phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết, vừa qua gia đình chị có 4 người là F0, tự điều trị tại nhà và có thực hiện đầy đủ việc khai báo đến Y tế phường Hàng Mã theo đúng quy định.

Sau khi thông báo được tiếp nhận, chị M nhận được nhiều tin nhắn có địa chỉ gửi từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, với dòng chữ không dấu, cho biết chị M đang là Fo đang điều trị, và link hướng dẫn khai báo hàng ngày, kèm tài khoản và mật khẩu.

Ngày 7/3/2022, gia đình chị M kết thúc điều trị, và vẫn tiếp tục nhận được tin nhắn thông báo đã kết thúc điều trị từ tên Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Trong tin nhắn nhận đó, có dòng chữ: “da ket thuc dot dieu tri”. Ngoài ra chị M còn nhận được tin nhắn từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thông báo tên một bệnh nhân mà chị không hề quen biết.

Sợ rằng thông tin của gia đình bị tiết lộ ra ngoài, nên chị M rất lo lắng. “Tôi đã liên hệ hỏi y tế phường có cung cấp thông tin riêng của chúng tôi sang Bệnh viện Đa khoa Đức Giang không thì nhận được câu trả lời là: không. Cùng ngày, tôi gọi điện đến Tổng đài của Bệnh viện này để trình bày thắc mắc thì nhận được lời giải thích rằng: Sở Y tế Hà Nội dùng tên của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang”, chị M nói thêm.

Chị M cho rằng, chị không hiểu việc giải thích trên có xác đáng không nhưng chị cảm thấy không yên tâm khi thông tin điều trị F0 của gia đình lại được cung cấp qua bên thứ 3; trong khi đó, những người bị F0 trong gia đình chị không hề điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

“Điều này có thể ảnh hưởng tới các chế độ, xác nhận điều trị của gia đình tôi khi chồng tôi là quân nhân, tôi là nhà báo đang công tác tại một cơ quan báo chí của nhà nước”, chị M lo lắng.

Sau khi nhận được phản ánh của chị M, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Đại diện của bệnh viện cho biết: “Đó là quản lý brand name. Đây là chương trình quản lý và theo dõi F0 tại nhà của thành phố và Sở Y tế Hà Nội.

Hai đơn vị này mượn brand name của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chứ bệnh viện không điều trị ngoại trú cho ai. Mọi thông tin của bệnh nhân là thành phố và Sở y tế Nội nắm bắt chứ bệnh viện không nắm bắt”.

Những tin nhắn từ mà bạn đọc cung cấp cho thấy, phía bệnh viện cũng chỉ thông báo về việc bệnh nhân F0 khai báo hàng ngày chứ không có một dòng hướng dẫn điều trị hay chăm sóc sức khỏe. Trong khi việc khai báo y tế đã được bạn đọc tuân thủ nghiêm từ đầu (khai báo trực tuyến và gọi điện khai báo với y tế phường). Rõ ràng việc công dân lo ngại việc bị tiết lộ thông tin cá nhân/bệnh nhân là có cơ sở... Tại sao những người bị F0 trong một gia đình không hề điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang nhưng thông tin điều trị F0 của họ lại được cung cấp qua bên thứ 3?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Đọc thêm