Khó khăn cũ, thử thách mới trên thị trường lao động

Dự báo về thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường lao động năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn, biến động nhưng có hướng tập trung vào chất lượng hơn là chạy theo số lượng.

Dự báo về thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường lao động năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn, biến động nhưng có hướng tập trung vào chất lượng hơn là chạy theo số lượng.

Ảnh minh họa

Vừa thừa, vừa thiếu lao động

Theo bà Phan Ngọc Mai Phương - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) - thách thức đối với Việt Nam là mức gia tăng lớn của lực lượng lao động (1,1 triệu người/năm) và lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp (600.000 người/năm). Thêm vào đó là tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên hiện gần 6,7%, chưa kể mỗi năm có thêm 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động...

TP.HCM là một trong những thị trường thu hút đông đảo lao động nhất cả nước,hiện cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM - cho biết, năm 2011 có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải ngưng hoặc tạm ngưng hoạt động, không ít người lao động thất nghiệp, tỷ lệ biến động lao động trên 30%, nhất là ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông. Lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng trên 11%.

Điều này cũng cho thấy nghịch lý vừa thừa lại vừa thiếu lao động. Nhu cầu tuyển dụng cuối năm giảm khoảng 30% so cùng kỳ, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông trong các doanh nghiệp sản xuất.

Còn theo VietnamWorks - nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam: Nhu cầu nhân lực trực tuyến tháng 11/2011 đã giảm 19 điểm so với tháng 10, tương đương 13.7%. Trong đó, số lượng việc làm đăng tuyển trực tuyến cho các ngành Chứng khoán, Kho vận, Truyền hình/Truyền thông/Báo chí giảm mạnh nhất (từ 42 đến 47%), nhưng đồng thời cũng là những ngành nghề có chỉ số cạnh tranh rất cao, cho thấy các ngành nghề này đang thu hút nhiều người tìm việc, cho dù nhu cầu tuyển dụng nhân lực cho ngành này đang trên đà giảm mạnh.

Ông Chris Harvey, Tổng giám đốc điều hành VietnamWorks cho biết, “với tình hình kinh tế đang gặp ít nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp phải những bài toán khó, trong đó có tuyển dụng”.

Tập trung vào chất lượng lao động

Đuợc biết, một trong những mục tiêu mà Bộ LĐ-TB&XH đặt ra cho năm 2012 và những năm tiếp theo là thúc đẩy sự chuyển dịch lao động từ phi chính thức sang chính thức. Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp phải một rào cản lớn, đó là chính sách tiền lương.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết: Ngành dệt may, giày da hiện vẫn là những ngành thu hút lao động phổ thông nhiều nhất, nhưng cũng thường xuyên có sự biến động chủ yếu là do tiền lương quá thấp, người lao động không đủ tiền trang trải cho cuộc sống đắt đỏ tại TP.HCM. Bên cạnh đó, một số không nhỏ lượng lao động từ các ngành nghề này đã chuyển sang làm ở khu vực phi chính thức. Tại TP.HCM, năm 2011, các doanh nghiệp ngành dệt may, giày da cần trên 50.000 lao động, trong khi đó nguồn cung nhân lực chỉ đáp ứng khoảng 70%.

Có thể nói, sự mất cân đối trong cung cầu lao động xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn là do hệ thống đào tạo hiện nay tồn tại nhiều bất cập, không bám sát diễn biến của thị trường.

Cụ thể như ngành tài chính - kế toán là ngành nghề có số lượng người tìm việc làm luôn vượt nhu cầu tuyển dụng trên 30%, trong khi ngành cơ khí tại TP.HCM cần trên 10.000 lao động, nhưng khả năng cung ứng tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường nghề… thì không thể đáp ứng. Đó là chưa nói, tại các trường đào tạo ngành này chỉ có thể tuyển sinh khoảng 60% so với tổng chi tiêu đào tạo.

Còn các ngành như điện - điện công nghiệp - điện lạnh, xây dựng, hóa chất, chế biến lương thực - thực phẩm… có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân lực có tay nghề chuyên môn nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng được 60% so với nhu cầu. Điều này đòi hỏi phải có một sự liên kết chắt chẽ và thực chất giữa các trường nghề với hệ thống doanh nghiệp, nếu không muốn nghịch lý tiếp tục tồn tại.

Tạo việc làm và nâng cao chất lượng nhân lực

Dự báo dân số Việt Nam đến năm 2020 sẽ trên 96,2 triệu người, lực lượng lao động khi đó sẽ là trên 63 triệu, tức là sẽ có thêm khoảng 9,5 triệu người tham gia lực lượng lao động. Thế nhưng hiện có 1,3 triệu lao động đang thất nghiệp, trên 4,5 triệu lao động thiếu việc làm, hoặc việc làm chất lượng thấp, đẩy con số lao động cần việc làm mới lên 15,3 triệu. Vấn đề này phải được bắt tay vào giải quyết ngay từ năm 2012 tới.

Tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, đồng thời phải từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là những thách thức vô cùng to lớn để đạt mục tiêu tạo việc làm mới cho 15,3 triệu lao động và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70% vào năm 2020 mà tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã chỉ ra.

Trần Phong – Quốc Việt

Đọc thêm