Gần 3.900 cơ sở kinh doanh có biểu hiện nghi vấn
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 291/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Theo Quyết định 291, Thủ tướng yêu cầu các địa phương và cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như: Vũ trường, quán bar, quán karaoke, nhà nghỉ... không để các đối tượng lợi dụng mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
Chủ động phát hiện và xử lý kiên quyết, nghiêm minh đối với chủ cơ sở kinh doanh để xảy ra tội phạm và tệ nạn ma tuý tại cơ sở mình quản lý hoặc có hành vi tiếp tay, bao che cho các đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm hành vi lợi dụng các loại hình đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để mua bán và tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma tuý (Bộ Công an), lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy các địa phương đã rà soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (ANTT), dịch vụ nhạy cảm để tham mưu Ban Giám đốc Công an các địa phương triển khai biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Trong năm 2019, lực lượng công an toàn quốc đã đấu tranh khám phá 2.834 vụ, xử lý hình sự 1.908 đối tượng, xử phạt hành chính 15.897 đối tượng về hành vi phạm tội liên quan đến ma túy, vi phạm quy định của pháp luật trong kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm.
Trong đó có tới 1.402 vụ vi phạm xảy ra trong lĩnh vực kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn. Trong số 1.908 đối tượng bị xử lý hình sự, có tới 1.106 đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy (chiếm 58%), 543 đối tượng bị xử lý về hành vi mua bán trái phép chất ma túy (chiếm 28%).
Như vậy, trong lĩnh vực này vẫn chủ yếu xử lý hình sự với tội danh mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy, xử phạt hành chính đối với chủ cơ sở và người sử dụng trái phép chất ma túy. Việc chứng minh tội phạm, đánh giá chứng cứ về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn gặp khó khăn.
Năm 2019, lực lượng chức năng đã xử phạt 600 cơ sở về hành vi kinh doanh quá giờ quy định, 289 cơ sở về hành vi kinh doanh không có giấy phép về ANTT, 655 cơ sở về hành vi để người khác sử dụng trái phép ma túy trong khu vực quản lý.
Hiện cả nước còn 3.879 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm có biểu hiện nghi vấn liên quan đến tội phạm ma túy, tập trung ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú (với 1.711 nhà nghỉ, khách sạn, chiếm 44,1%), karaoke (với 1.746 cơ sở, chiếm 45%).
Khó khăn khi kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm
Hiện một số loại hình kinh doanh quán bar, câu lạc bộ, nhà hàng ăn uống có sử dụng nhạc mạnh, game bắn cá… là nơi dễ phát sinh tội phạm, tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì đây không được xếp vào danh mục kinh doanh có điều kiện về ANTT, dẫn đến khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm.
Nhiều cơ sở lợi dụng danh nghĩa quán bar, câu lạc bộ, nhà hàng ăn uống có sử dụng nhạc mạnh nhưng có quy mô, tính chất hoạt động như vũ trường với sức chứa hàng trăm người. Việc cấp phép cho hoạt động này cũng đơn giản, chủ cơ sở chỉ cần xin giấy phép mở nhà hàng ăn uống, giấy phép bán rượu trên 30% nồng độ cồn, thuốc lá và giấy phép biểu diễn văn hóa, nghệ thuật mà không cần chấp hành đúng theo quy định về kinh doanh vũ trường tại Nghị định số 54/2019/NĐ-CP. Nếu xảy ra vi phạm, kể cả bị xử phạt nhiều lần cũng không thể rút giấy phép kinh doanh hay tạm dừng kinh doanh, bởi việc này được quy định theo Luật Doanh nghiệp.
Nhiều quán karaoke hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đăng ký hoạt động, giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, bị đình chỉ hay tạm đình chỉ và xử phạt nhiều lần nhưng vẫn hoạt động. Nhiều chủ cơ sở chấp nhận chịu phạt hành chính để tồn tại, đồng thời làm ngơ cho khách mang ma túy vào, thậm chí còn thay đổi người đại diện pháp luật, giấy phép kinh doanh... để đối phó lực lượng chức năng.
Trong những vụ khám phá “động lắc” có quy mô lớn, tạm giữ hàng trăm dân chơi, việc đưa đối tượng về nơi tạm giữ lấy lời khai, lấy mẫu xét nghiệm ma túy, xác minh lý lịch mất nhiều thời gian. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, trao đổi thông tin, kiểm tra liên ngành còn nhiều hạn chế...
Trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đề xuất Bộ Công an trình Chính phủ, Quốc hội có hướng dẫn cụ thể về xử lý tội danh tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy. Xem xét xử lý tăng nặng hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 112/2013/NĐ-CP về việc tạm giữ người có biểu hiện “phê” ma túy trong các vụ án tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy, có chế tài xử lý nghiêm minh đối tượng từ chối xét nghiệm ma túy, tăng mức xử phạt đối với chủ cơ sở để khách sử dụng trái phép ma túy.
Đánh giá, sửa đổi, bổ sung các loại hình kinh doanh nhạy cảm, có yếu tố phức tạp liên quan đến ANTT như nhà hàng ăn uống có sử dụng nhạc mạnh, câu lạc bộ, quán bar… vào Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Có quy chế xử lý nghiêm với trường hợp cán bộ thiếu trách nhiệm, làm ngơ cho sai phạm diễn ra trong thời gian dài.