Mấy ngày qua, dư luận và báo giới vẫn không ngớt bàn tán xung quanh những nội dung của Thông tư 30 về quản lý thức ăn đường phố (TAĐP). Các cơ sở kinh doanh TAĐP thì nháo nhào lo chuẩn bị các điều kiện, nhà quản lý cũng rất lo lắng vì vẫn còn không ít địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Theo ông Nguyễn Thanh Phong , Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, không thể không quản lý thị trường “đặc biệt” này.
|
Ảnh minh họa |
Cũng theo nhận xét của ông Phong, TAĐP có ưu điểm là rẻ tiền, dễ tiếp cận, đồng thời giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều người nghèo. Những cũng chính bởi sự rẻ tiền nên việc mua các nguyên liệu không bảo đảm (rau thối, thịt ôi, phụ gia kém chất lượng…) là chuyện khó tránh khỏi. Đấy là chưa kể đến việc ô nhiễm môi trường, dịch vụ thì không đủ điều kiện, cộng với kiến thức của người kinh doanh yếu (thực có vẫn tồn tại tình trạng một xô nước rửa vài trăm cái bát, đôi đũa; có những người đang mắc các bệnh lây nhiễm như lao vẫn vô tư bán hàng…) dẫn đến việc ngộ độc thực phẩm, lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm là khó tránh khỏi.
Thực tế, ông Phong cho hay, qua điều tra có tỉnh có tới 92% bàn tay của người bán hàng nhiễm vi khuẩn Ecoli (một loại vi khuẩn chỉ điểm phân người và gia súc)và 100% đồng tiền mệnh giá từ 2000 đồng trở xuống bị nhiễm vi khuẩn này. Ngoài ra, hầu như các đợt dịch tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả xảy ra, nhiều người bị là do sử dụng TAĐP. Điều đó cho thấy việc quản lý TAĐP là vô cùng cấp bách và cần thiết.
Thưa ông, nhiều người cho rằng tính khả thi của điều luật là không cao và gây khó khăn cho những người kinh doanh mặt hàng này. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Để đáp ứng các điều kiện của thông tư 30 không phải là quá khó và cũng không tốn kém quá nhiều. Ví dụ: Để chứng minh nguồn gốc của sản phẩm, nguyên liệu người bán chỉ cần ghi nơi mua, tên người bán vào một tờ giấy; khi bán hàng thì chỉ cần đeo thêm đôi gang tay chỉ mất 50 đồng/cái. Không có tủ kính thì chịu khó che đậy đồ ăn bằng một tấm ni lông nhỏ vừa sạch sẽ mà không tốn kém là bao…
|
Vấn đề ở đây không phải là tốn kém mà là vì người kinh doanh thiếu ý thức mà thôi. Thực tế, các đợt dịch tiêu chảy cấp xảy ra, nhà nước đã bỏ tiền ra mua hàng trăm ngàn đôi gang tay ni lông, rồi phát không cho người kinh doanh TAĐP nhưng không mấy ai dùng. Trong ngày triển khai Thông tư 30, nhiều địa phương tổ chức tập huấn, khám sức khỏe miễn phí cho các hộ kinh doanh những cũng rất ít người tham gia.
Thậm chí, nếu có tốn kém, có khó khăn cho một nhóm nhỏ người nhưng vì lợi ích của số đông người chúng ta vẫn phải làm. VD: Đối với chỉ thị cấm đốt và kinh doanh pháo, nhưng một số hộ sản xuất đưa ra lý do không có công ăn việc làm vẫn phải sản xuất pháo là không chấp nhận được. Rồi cấm trồng cây thuốc phiện nhưng một vài người dân bảo vẫn phải trồng vì không biết trông vào đâu, cũng là phi thực tiễn. Tóm lại, khó ở đây là thay đổi hành vi và ý thức của người dân, chứ không phải dp đầu tư và chi phí lớn.
Vậy, để văn bản này thực sự đi vào cuộc sống, Bộ Y tế đã có chỉ đạo, giải pháp gì? Qua những ngày đầu triển khai thực hiện thông tư này, ông đánh giá như thế nào về vai trò của các cấp chính quyền cơ sở?
- Không phải văn bản nào có hiệu lực cũng thực hiện được ngay, mà phải có thời gian và thực hiện dần dần mới có kết quả. Điều đó cũng đòi hỏi chúng ta phải kiên trì và phải có giải pháp phù hợp. Trước mắt, Bộ Y tế vẫn tiếp tục khuyến khích các hộ kinh doanh TAĐP cố gắng đáp ứng các tiêu chí đã đề ra, đồng thời tổ chức tập huấn, khám sức khỏe và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho họ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đề nghị họ phải ký cam kết bảo đảm các điều kiện nêu trên. Khi đã ký cam kết rồi mà họ vẫn vi phạm sẽ xử lý theo Nghị định 91 của Chính phủ.
Qua công tác thanh, kiểm tra vài ngày qua chúng tôi thấy rằng, ở đâu chính quyền địa phương quan tâm, nơi đó làm rất tốt. Một số địa phương làm quyết liệt phải kể đến Đà Nẵng, Bình Dương… Một số phường của Hà Nội cũng triển khai rất hiệu quả thông tư này. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều nơi chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Vì vậy, theo tôi chúng ta phải thực hiện quyết liệt để làm sao phải thay đổi được ý thức và hành vi của người tiêu dùng và các hộ sản xuất, kinh doanh TAĐP. Cho dù 5 hay 10 năm vẫn phải làm, đến bao giờ đến đích mới thôi.
Xin cám ơn ông!
Đoan Trang (thực hiện)