Khó xử lý hành vi quấy rối tình dục?

Quy định liên quan đến vấn đề quấy rối tình dục (QRTD) đã có, nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được ghi nhận  để xem xét xử lý đối với hành vi của người vi phạm. Vì vậy, hành vi này vẫn đang diễn ra khá phổ biến tại những nơi làm việc, kể cả thông qua điện thoại, tin nhắn...

Quy định liên quan đến vấn đề quấy rối tình dục (QRTD) đã có, nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được ghi nhận  để xem xét xử lý đối với hành vi của người vi phạm. Vì vậy, hành vi này vẫn đang diễn ra khá phổ biến tại những nơi làm việc, kể cả thông qua điện thoại, tin nhắn...

Các hành vi quấy rối

Nhiều người cho rằng công sở là nơi diễn ra thường xuyên các hành vi quấy rối ở nhiều mức độ. Mới đây, T.N.T.H (26 tuổi, chuyên viên nhân sự) đến thử việc tại một công ty và lọt vào mắt xanh của anh phó phòng. Khi nói chuyện, anh ấy cứ nhìn chằm chặp vào cổ, ngực áo và giữa hai chân mình. Thậm chí, thỉnh thoảng, anh ấy bất ngờ ôm eo hoặc rờ tay rờ chân cô với thái độ vờ như thân tình. H cố gắng giữ khoảng cách thì anh ấy bóng gió rằng có cách giúp mình thăng tiến nhanh, chỉ cần cô... ngoan. Một hôm vào công ty, H. tá hỏa thấy mọi người đang cười bò trước những tấm hình dung tục ghép mặt nhân viên trong phòng, trong đó có cả ảnh khỏa thân, quấn quýt của H. và anh phó phòng...

(Nguồn: Internet)
(Nguồn: Internet)

“Bị quấy rối khiến tôi xấu hổ với đồng nghiệp và người xung quanh” - chị H.N.T. (28 tuổi, quê Thái Bình) tâm sự. Ở công ty cũ, chị nhiều lần bị sếp sàm sỡ. Ông ta vỗ mông chị bôm bốp khi đắc ý, buông những lời nói đầy nhục dục… Cuối cùng chị đành thôi việc sau một thời gian cắn răng chịu đựng.

Cũng có những trường hợp kẻ  quấy rối chính là “cái đuôi” của các bạn gái. N.T.H. (22 tuổi, ĐH Nông lâm TP.HCM) liên tục bị  một sinh viên nam quấy rối trong hai tháng. Anh chàng thường xuyên nhắn tin nói nhớ H., miêu tả ngày càng chi tiết hành vi âu yếm cô... vào lúc nửa đêm về  sáng. Thời gian đầu H. cố tình làm lơ hi vọng anh ta nản chí. Nhưng cô bắt đầu bất an khi anh chàng nói muốn “hiện thực hóa” những điều trong tin nhắn.

“Anh ta khủng bố mình qua yahoo, mail, Facebook. Lời lẽ ngày càng dung tục” - H. nói. Đỉnh điểm của chuỗi quấy rối “ảo” là một lần anh ta làm thật. Biết H. học thêm về trễ, anh ta đợi sẵn ở một cung đường vắng. Bị H. ngó lơ, anh ta tức giận ấn cô vào tường, luồn tay vào áo quần H. sờ soạng. H. nhanh trí dùng lọ nước hoa thủ sẵn trong túi xịt vào mắt anh ta rồi vùng chạy. Sợ bị trả thù, H. nhờ một người bạn đồng hương đưa đón mỗi tối và cô vẫn giữ thói quen kè kè nước hoa, vật nhọn trong người để phòng thân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các phòng tư vấn tâm lý, lượng khách hàng bị quấy rối là không phải hiếm. Một số chuyên viên tư vấn tâm lý cho biết: Nhiều người nhờ chị gỡ rối việc này trong tình trạng lo lắng. Chị từng khuyên những cách đề phòng hoặc né đi bởi không có luật để xử lý. Nay thì có luật rồi nhưng vẫn khó có thể đưa ra pháp luật “xử” được vì luật chưa định nghĩa thế nào là QRTD.

Theo kết quả điều tra nghiên cứu bởi nhóm nghiên cứu thuộc Vụ Bình Đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH, các vụ  QRTD tại nơi làm việc chủ yếu rơi vào hai ngành y tế và giáo dục. Nam giới cũng có thể là đối tượng bị quấy rối. Đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết, ở Việt Nam, QRTD là vấn đề nhạy cảm. Đây là nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này. Qua phỏng vấn trên 100 người, kết quả nghiên cứu cho thấy, nạn nhân của QRTD chủ yếu là phụ nữ, thường ở vị thế thấp, dưới quyền, trong tình trạng phụ thuộc vào người quấy rối. Nam giới cũng có thể là đối tượng bị quấy rối, nhưng với tỷ lệ thấp hơn nhiều so với tỷ lệ này ở phụ nữ.

Xử phạt sao cho nghiêm?

Một tín hiệu vui là lần đầu tiên, hành vi QRTD được điều chỉnh trong Bộ luật Lao động sửa đổi, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5. Theo đó, QRTD tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu bị QRTD. Đây là điểm tiến bộ trong sửa đổi Bộ luật Lao động. Dự thảo Nghị định xử phạt về lĩnh vực lao động có quy định xử phạt hành vi này mức phạt cụ thể phạt tiền từ 50 triệu đến 75 triệu đồng.

Mới đây, Bộ LĐTB&XH và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã tổ chức nghiên cứu nhanh về tình trạng QRTD tại nơi làm việc trên 102 người là cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, người lao động, sinh viên…Vì là nghiên cứu nhanh, chưa có thông tin định lượng nhưng kết quả cho thấy QRTD diễn ra ở khắp nơi, nhiều độ tuổi nhưng tập trung nhất là ở độ tuổi từ 18 đến 30. Hình thức QRTD là những lời lẽ tán tỉnh thô tục, kích dục; đụng chạm thể xác; đề nghị quan hệ tình dục. Kẻ QRTD thường đưa ra những điều kiện như nâng lương, đề bạt, tuyển dụng.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, ông đã rất vui khi biết hành vi QRTD tại nơi làm việc được đưa vào luật bởi tình trạng này xảy ra không ít trên thực tế nhưng là chuyện khó nói, khó giải quyết và nạn nhân phải chịu thiệt thòi trong thời gian dài. Bởi thực tế đạo đức trong quan hệ lao động còn bị xem nhẹ, người lao động còn bị xem thường.

Có người lao động còn bị người tuyển dụng đòi hỏi “chuyện ấy” khi mới bước chân đi xin việc. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, QRTD bây giờ rất tinh vi bằng nhiều hình thức, để phân biệt một hành vi là QRTD hay chỉ là một cử chỉ thân thiện cần có hướng dẫn cụ thể mới áp dụng xử phạt được.

Về vấn đề trên, Luật sư  Lê Minh Quang, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, “Nhà làm luật” cần hướng dẫn cụ thể thế nào là QRTD. Theo Luật sư Quang, “QRTD” là khái niệm rất trừu tượng nếu chưa được định nghĩa, các cơ quan chức năng  rất khó để áp dụng xử phạt được. Định nghĩa hành vi rõ ràng nhằm xử lý đúng hành vi, đồng thời tránh tình trạng lạm dụng sự mập mờ của luật để xử những người vô tình bị gài bẫy. Cũng theo Luật sư Quang, cần phân loại mức độ nhẹ, nặng của hành vi này để quy định những mức phạt khác nhau. Có những trường hợp QRTD diễn ra trong thời gian dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm nạn nhân bị stress đến mức nhảy lầu tự tử...

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, QRTD là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến nhân cách con người nên mức phạt cao hay thấp không là vấn đề chính yếu.

Còn Luật sư Trần Văn Khôi thì cho biết, “tôi hành nghề đã lâu nhưng chưa thấy trường hợp nào bị các cơ quan chức năng xử phạt về hành vi “QRTD”. Điều này chắc chắn không phải do không có hành vi QRTD nào được thực hiện, mà có thể hiểu rằng, khái niệm "QRTD" trong các văn bản này chưa được làm rõ là bao gồm các hành vi gì, nó khác với hành vi "lạm dụng tình dục" ra sao…

Trở lại quy định xử phạt hành vi QRTD trong lĩnh vực lao động, Bộ luật Lao động 2011 có quy định cấm hành vi QRTD (khoản 2 Điều 8), nhưng một lần nữa, khái niệm này cũng chưa được làm rõ. Chúng tôi cũng đồng ý rằng, việc quy định cấm hành vi này là cần thiết nhưng để quy định của pháp luật có tính khả thi và giải quyết được đòi hỏi của xã hội, cần tránh xu hướng quy định hình thức, quy định cho có.

Trong khi khái niệm "QRTD" chưa được pháp luật Việt Nam chỉ rõ, chúng ta vẫn có thể thống nhất với nhau rằng hành vi này thường diễn ra ở những nơi, trong hoàn cảnh mà chỉ có người quấy rối và người bị quấy rối và biểu hiện ở rất nhiều dạng hành vi khác nhau, do đó việc thu thập bằng chứng để chứng minh hành vi này không hề đơn giản. Nói như vậy, không có nghĩa là không bao giờ có thể xử lý được hành vi này.

Chính vì đặc điểm đó, để đảm bảo tính khả thi và thống nhất trong quan điểm xử lý đối với hành vi QRTD, cần tránh việc mỗi lĩnh vực lại giải thích hành vi này một cách khác nhau, một mức xử phạt khác nhau, Nhà nước cần dựa vào kết quả nghiên cứu khoa học, cân nhắc ban hành một văn bản quy định thống nhất về việc xử lý hành vi QRTD, bất kể nó xảy ra với ai và ở đâu, nếu không, người dân sẽ hiểu rằng, Nhà nước chỉ cấm hành vi QRTD tại nơi khám, chữa bệnh và nơi làm việc, còn tại các nơi khác, hành vi đó không bị cấm.

Có nhiều ý kiến cho rằng khoan hãy bàn đến mức phạt, phải định nghĩa và phải có quy phạm điều chỉnh như thế nào là QRTD.

Lê Quang – T.Nhi

Đọc thêm