Bắc Giang là một tỉnh miền núi, xuất phát điểm thấp, song đến nay Bắc Giang thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu cả nước. Giai đoạn 5 năm (2016 - 2020), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) Bắc Giang bình quân đạt 14%/năm - thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu cả nước.
Ngành nông nghiệp của Bắc Giang duy trì đứng đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt kết quả tích cực. Các chỉ số đánh giá cấp tỉnh đều được cải thiện mạnh mẽ, nhiều chỉ số quan trọng nằm trong Top đầu cả nước.
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang luôn ưu tiên và tập trung nguồn lực cho phát triển khoa học - công nghệ. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, gắn kết chặt chẽ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động khoa học - công nghệ.
Kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học với đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm, phát huy tối đa thành quả của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Phát huy vai trò sàn giao dịch công nghệ ảo để tạo điểm đến giao dịch công nghệ cho các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, nhà khoa học, đồng thời là nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ. Đặc biệt tập trung phát triển kinh tế số - một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số.
Với quan điểm phát triển khoa học - công nghệ không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền mà còn cần động lực và sự phối hợp chặt chẽ từ khu vực tư nhân. Từ quan điểm này, tỉnh Bắc Giang đã đưa ra chính sách chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên chấp thuận đối với doanh nghiệp công nghệ và các doanh nghiệp có hàm lượng ứng dụng công nghệ cao. Những kết quả đó là tiền đề để khoa học và công nghệ của Bắc Giang tạo nên bước bứt phá mới trong những năm tiếp theo.
Trong hoạt động quản lý nhà nước nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ được ban hành đã và đang phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho khoa học - công nghệ đổi mới mạnh mẽ và ngày càng hiệu quả, góp phần gia tăng giá trị cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh.
Trong sản xuất công nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc, tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao mà lần đầu tiên được sản xuất ở Bắc Giang. Trong sản xuất nông nghiệp đã quan tâm ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển nhiều sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.
Phát triển sản phẩm chủ lực thông qua việc tạo lập, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp. Là tỉnh được đứng trong Top đầu cả nước, bảo hộ quyền về sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng của tỉnh. Năm 2022, UBND tỉnh đã phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ toàn quốc tại thành phố Bắc Giang.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thăm gian hàng trà hoa vàng của hợp tác xã dược liệu Lựu Chanh - huyện Lục Nam tại Hội nghị sở hữu trí tuệ toàn quốc năm 2022 |
Bắc Giang cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch xác định: “Phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu xuyên suốt, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đưa khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện, trở thành nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng”.
Với mục tiêu đưa Bắc Giang trở thành một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô kinh tế và mức độ phát triển công nghệ vào năm 2025, ngành khoa học và công nghệ chú trọng phát triển các sản phẩm công nghệ, tập trung đầu tư nguồn lực từ khu vực công hơn nữa cho phát triển công nghệ, ưu tiên công nghệ lõi để tiếp cận, chuyển giao, chú trọng, nâng cao hơn nữa hiệu quả của chủ trương khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ ở Bắc Giang.
Phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, xác định công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu - ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh.
Đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025.
Phát huy hiệu quả của chính quyền điện tử, chính quyền số trong việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ứng dụng rộng rãi về công nghệ thông tin và thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0, xây dựng cơ sở dữ liệu số ngành khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu toàn bộ dữ liệu phải được số hóa, quản lý và khai thác trực tuyến...
Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang, tiếp tục thực sự trở thành đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững.