“Khoảng tối” quy hoạch bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù chuyện tùy tiện trong quy hoạch bất động sản là vấn nạn xã hội đã “kêu trời” từ nhiều năm nay nhưng trong báo cáo mới đây của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134 ngày 17/11/2020 của Quốc hội khóa XIV thì công tác lập quy hoạch đô thị, quản lý hoạt động xây dựng... vẫn còn quá nhiều “khoảng tối”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chúng ta không thiếu luật để điều chỉnh lĩnh vực này, từ Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Quy hoạch đến vô số Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành… Số văn bản cá biệt Bộ Xây dựng ban hành hàng năm hướng dẫn cụ thể với từng dự án, từng trường hợp cũng không phải là ít. Trên hình thức, quy định pháp luật đã quy định chặt chẽ về điều kiện, nội dung và trình tự quy hoạch, thủ tục điều chỉnh quy hoạch. Nhưng theo báo cáo của Chính phủ, trong quá trình triển khai thực tế, công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch còn chưa kịp thời, nội dung đánh giá chưa đầy đủ, thấu đáo; chưa làm rõ ảnh hưởng, tác động của việc điều chỉnh quy hoạch đến kinh tế - xã hội địa phương.

Cũng theo báo cáo, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nội dung điều chỉnh quy hoạch chưa được thực hiện nghiêm túc về đối tượng lấy ý kiến, nội dung ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến của cộng đồng dân cư.

Báo cáo nêu rõ, việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tại một số dự án còn tùy tiện, có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh cộng đồng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật và diễn ra tại các TP lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao.

Các dự án thường điều chỉnh quy hoạch chi tiết trong thời gian thực hiện, nội dung điều chỉnh chủ yếu là tăng số tầng cao, diện tích sàn, chia nhỏ căn hộ, thay đổi công năng... dẫn tới gia tăng dân số.

Ngoài ra ở một số địa phương, việc điều chỉnh cục bộ không được nghiên cứu một cách đồng bộ trong quy hoạch phân khu, dẫn đến quy hoạch phân khu bị phá vỡ, các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị không đảm bảo, đặc biệt tại các khu vực đô thị trung tâm…

Chỉ một vài nét chấm phá trên trong báo cáo của Chính phủ đã cho chúng ta thấy tệ trạng trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quy hoạch dự án bất động sản hiện đang ra sao.

Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không thiếu luật để điều chỉnh lĩnh vực này. Trung ương cũng đã nhìn nhận ra rất rõ vấn đề này. Một trong những bộ, ngành đầu tiên mà Chính phủ khóa mới làm việc chính là Bộ Xây dựng, lĩnh vực quy hoạch… Vậy tại sao vẫn còn những “khoảng tối”?

Thực tế cho thấy vấn đề thanh, kiểm tra, giám sát quy hoạch còn chưa được chú trọng, thậm chí còn xảy ra tình trạng tiêu cực ở chính các đoàn thanh, kiểm tra, sự việc đã bị truy tố xét xử. Đó là một bài học đau xót. Cơ quan thanh tra chuyên ngành cần phải làm việc đúng quy định, công tâm, không thỏa hiệp thương lượng với cái sai trong quy hoạch, xây dựng.

Những cán bộ quy hoạch, quản lý xây dựng và chủ đầu tư các dự án cũng cần phải ý thức việc chấp hành pháp luật nghiêm, không thể để xảy ra tình trạng “biết luật nhằm lách luật”, vòi vĩnh gây khó dễ.

Một khâu quan trọng không kém là sự giám sát của cộng đồng, công dân, của khách hàng. Nếu biết việc làm sai của mình sớm muộn sẽ bị phát giác thì chắc chắn những cán bộ, doanh nghiệp quy hoạch xây dựng sẽ phải cân nhắc e ngại trước khi quyết định “làm càn”.

Đọc thêm