3 thế hệ sống trên nóc nhà vệ sinh
Hà Nội sau một buổi chiều nắng, vào bữa cơm tối vừa bê bát cơm lên thì mùi xú uế từ khu vệ sinh công cộng xộc thẳng vào mũi, khiến người ăn cơm càng thêm ngao ngán. Bà Xâm buông bát cơm mà thở dài: “Thế mà, quen rồi đấy”
“Ngôi nhà” rộng 8m2 trên nóc nhà vệ sinh trong một ngõ 107 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là nhà của ông Nguyễn Phùng Hải (80 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Xâm (70 tuổi), cùng cô con gái 26 tuổi. Khu nhà vệ sinh này là của chung của 6 hộ gia đình trong ngõ. Cái cảnh ăn cơm, nằm ngủ chung với mùi “khó ngửi” đã ám ảnh ông bà hàng chục năm qua.
Năm 1975, vì độc thân, không muốn làm phiền gia đình, thấy nóc nhà vệ sinh công cộng có thể tận dụng được để ở nên ông dọn lên. Cái cảnh “số nghèo mấy chục năm nay, xây bao nhiêu mộng...”, nên ông quá an phận với cái nghèo mà “nhắm mắt” sống ở “túp lều” này.
“Hồi đó tôi chỉ ở khoảng 3m2, lợp mái và quây cót ép, giấy dầu. Năm 1989 lấy vợ, nhà thêm người nên cơi nới ra bằng diện tích bây giờ”, ông Hải kể về lịch sử đặc biệt của ngôi nhà. Gọi là nhà cho sang thực chất là những mảng tôn tạm bợ chắp nối với nhau quây kín. Nằm cheo leo trên nóc nhà vệ sinh nên việc đi lại vô cùng bất tiện. Từ hồi nghỉ bán hàng ở chợ vì sức khỏe yếu, bà chắt bóp bỏ ra 5 triệu đồng để làm lại cầu thang xi măng kiên cố hơn đi lại cho thuận tiện.
Chỉ vào bức vách thủng bằng tôn ấy, bà Xâm vui vẻ nói đùa: “Anh thấy nhà tôi giống khách sạn 5 sao không? Ngồi trong nhà ban ngày cũng thấy sao”. Trong cái câu đùa người phụ nữ ấy là cả nỗi cay đắng, hơn 40 năm lấy nhau, bà ở trong căn nhà chật chội, nhưng đành “nhắm mắt cho qua”.
|
Lối lên “căn nhà” của vợ chồng ông Hải |
Những hôm trời mưa, nước từ mái tôn dột chảy ồ ạt chảy xuống, bà Xâm lại liên tục dùng chổi quét. Còn trời nắng thì mái hấp nóng, ông Hải thường phải dành vài tiếng buổi chiều để hất nước lên tường cho mát. Bà Xâm thì đùa rằng bà ngủ ngoài đường còn thoáng mát hơn.
Bà Xâm là người La Phù, lấy ông Hải năm 39 tuổi khi quá lứa lỡ thì.“Qua mai mối nên tôi cũng chẳng biết nhà cửa ông ấy ra sao. Phần vì tuổi tôi quá lứa, cao số nên đành nhắm mắt mà lấy tấm chồng nương tựa. Thấy nói ở phố cũng chỉ biết ở phố”. Bà kể tiếp trong tiếng thở dài: “Đón dâu về, nhìn cái nhà trên khu vệ sinh, tôi hoảng hồn cắp quần áo đi luôn. Thôi đúng đời mình ra tóp”. Tất cả câu chuyện bà Xâm kể đều xung quanh chữ khổ. Vậy mới thấy chuyện khó tin, dù là khu phố nổi tiếng giàu sang bậc nhất khu phố trung tâm nhưng vẫn có gia đình sống lay lắt trong cảnh tạm bợ.
Do thiếu không gian, vợ chồng ông Hải còn tận dụng cả căn nhà kho ngay bên cạnh nhà vệ sinh để làm bếp nấu nướng. Đã vậy, chuyện éo le như quá đêm về sáng, người ở trên nhà cao hứng tình cảm, người ở dưới lạch cạch xả “nỗi buồn” cũng chẳng phải hiếm...
“Ngày xưa, ở quê mà nghe lấy chồng Hà Nội, lại là phố cổ thì oai lắm. Bây giờ đủ câu chuyện “dở khóc, dở cười”.
Ở trên nóc khu vệ sinh nên hầu như lúc nào nhà ông Hải cũng phảng phất mùi xú uế, đặc biệt khi trời nắng nóng. Ngày nào hai ông bà cũng thay nhau dội nước, quét nhà vệ sinh chung mong nhà mình ở trên bớt ô nhiễm.
Hai vợ chồng ao ước có một căn nhà to rộng hơn. Tuy nhiên hai vợ chồng nay già yếu, bà Xâm từng bán bún riêu nhưng 4 năm nay nghỉ vì bệnh khớp, thiên đầu thống, vài đồng ông Hải bơm xe ngoài phố cũng chẳng “bõ bèn”. Cậu con trai thì mới kết hôn, sống cảnh nhà thuê, lương ba cọc ba đồng vì thế ước mơ về ngôi nhà mới dường như là không tưởng.
|
Vợ chồng ông Hải đã ở trên nóc nhà vệ sinh công cộng hơn 20 năm |
“Phố này gọi là phố khổ”
Phố cổ trong những trang văn của Võ Tòng là một không gian chật chội, ngột ngạt và bí bách đến phát sợ. Có những căn nhà chỉ rộng vài mét vuông, thậm chí có những ngôi nhà “cao” đến nỗi không một ai có thể đứng lên đi lại… và nơi đó lại là nơi sinh sống của một số gia đình có đến vài ba thế hệ. Và có những câu chuyện thật, không chỉ còn là trong những trang văn.
Câu chuyện về Anh Hoàng Văn Xuân (57 tuổi) đã sống hơn nửa đời người trong căn nhà 1m17 có vẻ khó tin nhưng lại là chuyện thật ngay giữa phố hàng Buồm.
Nằm sâu trong ngõ 44 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), giữa những quán bar, café, khách sạn sang chảnh lại có căn nhà “có một không hai”. Sâu trong ngõ, nếu không hỏi chắc khó ai nhận ra nhà anh Xuân vì chỉ vỏn vẹn góc tường phía trên ngõ hẹp. Căn nhà chật hẹp dài 3 mét, rộng 2 mét, cao 1,17 mét, là nơi sinh sống của anh Xuân trong suốt hơn 50 năm qua.
Gọi là nhà nhưng giống cái gác xép hơn, người ở trong chỉ có thể nằm hoặc ngồi, thậm chí quỳ bò mỗi khi di chuyển. Đã mấy chục năm nay, trong căn nhà này chưa hề có ánh sáng mặt trời, sóng điện thoại cũng mất.
Chỉ vào mảng tưởng bong tróc, anh kể: “Tường này bong tróc hết rồi, giờ có sửa cũng không biết sửa kiểu gì. Cứ mưa là ẩm thấp bong hết. Cạnh đó là cống nên mùi xú uế rất khó chịu”.
Nhìn bức tường xuống cấp, cứ chốc lát vôi vữa rơi tơi tả nhưng anh cũng chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Chưa kể mảng tường nóc cũng nứt nẻ mảng lớn, mưa là dột. Cả căn nhà ngoài chiếc ti vi cũ, chiếc kệ sách kỷ niệm của cậu con trai thì không còn gì giá trị. Mình anh Xuân nằm cũng khó chịu, có bữa chăn chiếu còn thò xuống cả lối lên đoạn ngõ qua nhà anh. Mà anh đùa rằng “tối ai không biết tưởng người chết”.
|
Con ngõ chật hẹp chỉ vừa người anh Xuân đi |
Anh Xuân ly hôn được hơn 10 năm, anh kể chuyện vợ dứt áo ra cũng chỉ vì cảnh khổ: “Con người mà, cuộc sống cứ khó khăn mãi, cô ấy bỏ đi tìm hạnh phúc mới. Hơn chục năm nay, tôi sống trong cảnh gà trống nuôi con...”, anh Xuân nói trong chua xót. Giờ cậu con trai cũng lớn, đến tuổi dựng vợ, gả chồng, vì nhà chật nên xin ra ở chỗ làm. Mình anh cô đơn sống trong căn nhà chật hẹp, đi chẳng được, duỗi chẳng xong này.
Ngồi trong căn nhà chỉ vừa sải chân, anh Xuân hào hứng kể về những lần báo chí viết về mình. “Báo chí quan tâm tôi nhiều lắm, có cả những người ở nước ngoài cũng đến viết bài”. Từng có tờ báo gọi nơi anh sống là “nhà không đứng được” rồi anh cất gọn trong tủ làm kỷ niệm.
Dù sống ở phố cổ nhưng anh chua xót gọi nó là “phố khổ”. Khổ trăm bề từ ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh. Nắng thì nóng rát, mưa thì ẩm dột, anh chỉ lo có trận chập điện hay hỏa hoạn cũng khó mà thoát thân. Biết là khổ mà vẫn “ngậm đắng nuốt cay mà ở”. Mỗi ngày, với đồng lương chạy xe ít ỏi năm chục, một trăm, anh không dám mơ đến việc thuê nhà chứ chưa nói đến việc mua nhà nơi khác. Cuộc sống khó khăn nhưng điều anh lo nhất là tương lai của con. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, căn nhà trọn vẹn cho con lấy vợ cũng chưa thể có là điều anh đau đáu trong lòng.
“Trèo lên cẩn thận... xuống để ý xem có ai không, kẻo lại giẫm chân vào đầu người ta em nhé” - lời nhắc nhở của anh Xuân mộc mạc mà có gì đó xót xa về cái khó của căn nhà nhỏ trên lối đi bộ.
Đúng là phố cổ thật khổ!