Nước mắt rơi trên trang sách ướt
Trong những ngày lũ, có một bức ảnh đã gây nhiều xúc cảm cho người xem, do một cán bộ Bộ đội Biên phòng Quảng Trị ghi lại khoảnh khắc hai người phụ nữ ôm lấy nhau khóc trước khung cảnh ngôi trường tan hoang, chìm sâu trong bùn sau lũ.
Hai người phụ nữ trong bức ảnh đó là bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị và cô Nguyễn Thị Hằng Nga - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Việt ở xã Hướng Việt huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.
Sau những đợt mưa lũ kéo dài vừa qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề. Riêng tại địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa, mưa lũ làm tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nối trung tâm huyện Hướng Hóa đến hai xã Hướng Việt và Hướng Lập bị sạt lở nghiêm trọng.
Giao thông chia cắt khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, mưa lũ từ thượng nguồn kết hợp lũ quét đã khiến hàng trăm khối bùn đất đổ tràn về, vùi lấp nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn xã Hướng Việt. Nhiều điểm ngập sâu trong bùn đất hơn nửa mét.
Ngày 8/11, đoàn công tác của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị do bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở dẫn đầu đã đến thăm, kiểm tra tình hình khắc phục sau mưa lũ tại các điểm trường trên địa bàn hai xã Hướng Lập và Hướng Việt (huyện Hướng Hóa). Có mặt tại Trường Mầm non Hướng Việt, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã không khỏi xót xa khi chứng kiến cơ sở vật chất của nhà trường bị tàn phá.
Hàng chục bộ bàn ghế, đồ dùng học sinh, đồ chơi của các cháu mầm non bị ngập ngụa trong bùn non, hư hỏng. “Sau khi nghe cô Nguyễn Thị Hằng Nga - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Việt báo cáo về tình hình và những khó khăn, vất vả của cô trò nơi đây, bà Lê Thị Hương ôm chầm lấy nữ hiệu trưởng bật khóc nức nở”, người cán bộ đồn Biên phòng Hướng Lập tác giả bức ảnh cho biết.
Không chỉ ngôi trường ở xã Hướng Việt, mưa lũ kéo dài đã khiến ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị chịu những tổn thất nặng nề khi có 1 giáo viên và 4 học sinh tử vong, hàng trăm trường học bị tốc mái, nhiều trường ngập sâu trong lũ và hàng nghìn học sinh trên địa bàn không còn sách vở đến trường do bị nước lũ cuốn trôi.
Cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề vì mưa lũ, khi nước rút, học sinh của huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế trở lại trường và khó khăn lớn nhất các em phải đối mặt là việc thiếu dụng cụ học tập, sách vở và ba lô.
“Nước ngập lút nóc nhà nên không có thứ gì còn nguyên vẹn. Sách vở của con mới mua đã bị ngâm nước ướt hết. Còn lại mấy quyển vở cũ từ hồi lớp 3 nên con phải dùng tạm”, em Lê Thị Thanh Nhàn học sinh lớp 4/1, Trường tiểu học số 1 Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế buồn bã nói khi góp nhặt những gì còn sót lại sau trận lũ để đến trường.
Hoàn cảnh gia đình Nhàn rất khó khăn, ba ốm nặng, mẹ làm nông nên một bộ sách mới, một chiếc balô mới vẫn là ước mơ nhọc nhằn của em. Tập sách giáo khoa bị ướt đã được hong khô nhưng riêng hai cuốn Khoa học và Tin học 4 của Nhàn thì đã rách nát, không thể dùng được nữa.
Chị Nguyễn Thị Lan một phụ huynh học sinh Trường tiểu học số 2 Quảng Phú, Quảng Điền khóc nghẹn: “Mới vào năm học mới, gia đình tôi cũng dành dụm để mua sách vở, ba lô mới cho con đến trường cho bằng bạn bè. Nhưng đi học được mấy hôm thì mưa bão liên tiếp ập đến. Nước cuốn trôi hết cả lúa giống, sách vở, áo quần. Giờ tôi phải mua tạm mấy quyển vở cho cháu đi học chứ không biết lấy tiền đâu để sắm sửa lại ba lô, sách vở mới”...
Tất cả vì học sinh thân yêu
Cách đây hơn 3 năm, cơn lũ quét kinh hoàng xảy ra trên dòng suối Nặm Păm, Sơn La vào rạng sáng ngày 3/8/2017 đã khiến ngôi trường hai tầng tám phòng lớp học của Trường tiểu học Nặm Păm kiên cố là vậy đã bị cơn lũ cuốn trôi. Cơ sở vật chất, tường rào, trang thiết bị, đồ dùng học tập của trường THCS và mầm non Nặm Păm cũng bị lũ làm hư hỏng nặng.
Toàn bộ xã Nặm Păm có 11 bản thì 7 bản bị lũ cuốn qua, trong đó bản gần như bị xóa xổ, với hơn 350 ngôi nhà bị trôi hoặc hư hỏng nặng. Hệ thống điện, nước, đường giao thông bị hư hỏng hoàn toàn, nhiều bản trong tình trạng bị cô lập nhiều ngày. Khi cơn lũ rút, thầy, cô giáo và học sinh nhà trường đã ôm nhau khóc bởi trường tan nát, hàng trăm học sinh trong cảnh ngộ nhà ở bị cuốn trôi, trên người chỉ còn mỗi bộ quần áo.
|
Sáng ngày 3/9/2017, lễ khai giảng vỡ òa niềm vui đã diễn ra ở Nặm Păm. |
Thời điểm đó chỉ cách lễ khai giảng năm học mới một tháng. Với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, trong cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La được tổ chức đột xuất tại huyện Mường La để tìm giải pháp khắc phục lũ quét, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La ông Hoàng Văn Chất đã nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra cấp bách là phải nhanh chóng ổn định đời sống sản xuất của bà con nhân dân. Nhưng quan trọng hơn lúc này là phải lo tính toán bảo đảm việc học hành cho học sinh. Dù bất cứ điều kiện nào cũng phải tổ chức có trường, lớp để khai giảng năm học mới đúng lịch.
Nhờ tinh thần chỉ đạo quyết liệt và tinh thần gượng dậy của bà con nhân dân vùng lũ, sáng ngày 3/9/2017, cả ba khối học ở Nặm Păm đã tổ chức khai giảng sớm. Nói về điều này, cô giáo hiệu trưởng Trường tiểu học Nặm Păm Trần Thị Thúy, có 30 năm công tác gắn bó với nhà trường phải thốt lên: “Không thể tưởng tượng được, như trong mơ vậy!”.
Cô Thúy cho biết, kết thúc năm học này cô đủ tuổi nghỉ chế độ. Đây là năm học nhớ mãi trong cuộc đời làm nghề giáo. Bởi vì, chị đã được trải qua những cung bậc cảm xúc, buồn vui, lo lắng, rồi lại vui sướng vỡ òa khi các em đến trường…
Phía sau niềm vui vỡ òa đó là sự hy sinh thầm lặng của biết bao con người. Đoàn công tác của Bộ Công an đến thăm đã quyết định nhận trách nhiệm dựng nhà lắp ghép bằng sắt, trị giá hơn 2,8 tỷ đồng hỗ trợ Trường tiểu học Nặm Păm.
Chỉ trong 15 ngày từ vận chuyển vật liệu thi công, công trình trường lớp học tạm gồm 11 phòng học cùng sáu phòng ở bán trú cho các cháu với đầy đủ trang thiết bị đã hoàn thành, bàn giao trước ngày khai giảng ba ngày. Để hoàn thành công trình với tiến độ không tưởng thì cán bộ, chiến sĩ Công an Sơn La và huyện Mường La đã phải thi công liên tục ngày đêm không ngừng nghỉ.
Sau cơn lũ, Phòng Giáo dục huyện Mường La đã tổ chức hơn 900 lượt giáo viên trong huyện đến hỗ trợ, giúp các trường học ở Nặm Păm. Các thầy, cô giáo ở Nặm Păm thực hiện phân công các đoàn đến từng bản, tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình động viên các cháu đến trường. Có đến 796 học sinh ở bậc THCS và tiểu học được rà soát đã được nhận đầy đủ cặp sách, giấy bút, vở trước ngày khai trường.
Thầy giáo Hiệu trường Trường THCS Nặm Păm Trần Mạnh Hùng cho biết, từ khi xảy ra cơn lũ, hầu như toàn bộ giáo viên đều bám trường, bám lớp ở lại khắc phục hậu quả cơn lũ, như trường hợp thầy giáo Lò Văn Hồng, giáo viên THCS, nhà ở bị lũ cuốn trôi, lẽ ra được nghỉ nhưng vẫn không rời trường lớp và học sinh của mình…
Vận động hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, miền núi
Mùa lũ năm 2020, một lần nữa tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu” lại bùng lên mạnh mẽ không chỉ ở các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lũ, mà là trên phạm vi toàn quốc. Ngày 3/11/2020, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lễ phát động cuộc vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trong ngành giáo dục.
|
Đồn Biên phòng Hướng Lập hỗ trợ các giáo viên Trường Mầm non Hướng Việt dọn dẹp trường sau mưa lũ. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định, trẻ em vùng DTTS và miền núi nói chung, trẻ em các xã đặc biệt khó khăn nói riêng là đối tượng cần được xã hội quan tâm đặc biệt. Phần lớn gia đình các em là hộ nghèo và hộ cận nghèo, điều kiện và kinh tế hỗ trợ việc học tập, chăm sóc và vui chơi rất hạn chế, nhiều em có nguy cơ phải nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn.
Để các em có cơ hội học tập và phát triển, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách. Bên cạnh đó, rất cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2020, phê duyệt Đề án “Vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025” (Đề án 588).
Đề án mong muốn cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ em thông qua khám chữa bệnh, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; hỗ trợ trẻ em được tham gia hoạt động giáo dục văn hóa, vui chơi, giải trí... Theo Bộ GDĐT, Đề án 588 sẽ triển khai chuỗi hoạt động, từ vận động nguồn lực đến hình thành mạng lưới các nhà tài trợ, các tổ chức trong nước và quốc tế.