Khơi dậy nghệ thuật Chầu rối tại Chùa Cổ Lễ, Nam Định

(PLVN) - Chầu rối (Chùa Cổ Lễ) là một môn nghệ thuật văn hoá truyền thống độc đáo đã được lưu truyền lâu đời và được lưu giữ tại họ Nguyễn Đại Tộc, nhằm cung nghinh Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không.

Chùa Cổ Lễ hiệu Thần Quang Tự là một công trình Phật giáo nằm ở thôn Cổ Lễ, nay là Thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, được xây dựng từ thế kỷ X, thờ Phật và Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không. Hội chùa Cổ Lễ được tổ chức hàng năm vào các ngày từ 12 đến 16 tháng 9 âm lịch.

Tại chính cung, Hội Chầu rối cung nghinh Đức Thánh Tổ được tổ chức độc quyền bởi Phái 2- Ngành 2- Họ Nguyễn Đại Tộc (ảnh: Bùi Tuấn)

Đây là Lễ hội đặc biệt nhằm tri ân công đức Thiền sư Nguyễn Minh Không thời Lý, một nhà chân tu, một vị danh y, một tổ sư nghề đúc đồng, Ngài là một trong “Nam Thiên tam vị Thánh Tổ” được triều đình Nhà Lý phong “Lý Triều Quốc Sư”.

Sau khi rước Tổ lên Chùa, Hội tế của làng gồm 5 họ (họ Dương Đại Tộc, họ Nguyễn Đại Tộc, họ Phan Đại Tộc, họ Lê Đại Tộc và họ Dương Đào Đại Tộc) tiến hành Tế Nhập Tịch tại Hội Quán. Còn tại chính cung, Hội Chầu rối cung nghinh Đức Thánh Tổ được tổ chức độc quyền bởi Phái 2- Ngành 2- Họ Nguyễn Đại Tộc. Đây là chi phái được truyền lại từ tiền nhân truyền lại cho hậu duệ con cháu trong phái không truyền ra ngoài ngoại tộc.

Hoà thượng Thích Tâm Vượng trụ trì Chùa Cổ Lễ đang giới thiệu về lịch sử ngôi chùa

Hoà thượng Thích Tâm Vượng, viện trưởng trụ trì Chùa Cổ Lễ cho biết: Múa Chầu rối là mô phỏng những sinh linh được Hoàng hậu nước Lương sinh ra bị ruồng bỏ được Đức Phật Như Lai độ trì và Đức Thánh Tổ cứu vớt. Các vẻ mặt của đầu rối có khóc, cười, trách móc. Có tất cả 9 đầu rối, mỗi nghệ nhân khi múa chầu tay dâng hai đầu rối, chân nhảy theo nhịp 5 bước viết lên chữ Khẩu. Khi chân nhảy theo nhịp thì tay dâng đầu rối được đưa vòng từ ngoài vào trước ngực. Có 3 động tác, mỗi động tác được thực hiện 3 hồi. Sau đó hai nghệ nhân chầu rối chuyển vị trí cho nhau tiếp tục thực hiện 3 hồi các động tác 1-2-3. Cuối cùng hai nghệ nhân giáp lưng xoay vòng thể hiện sự vui mừng biết ơn Đức Phật Như Lai độ trì và Đức Thánh Tổ cứu sinh. Mỗi cặp đôi nhảy chầu rối đều có các động tác và nhịp điệu giống nhau, đều thể hiện sự sung sướng, vui mừng khi được cứu sinh và được tắm mát trong dòng sông thanh tịnh của phép Phật nhiệm màu.

Cùng với đó, múa ông Tràng thường là do Hội trưởng (anh trưởng) đảm nhận, như trên đã mô tả có 2 cặp đôi với 8 đầu Rối đã xuất hiện còn lại múa ông Tràng nghệ nhân nhảy Chầu một mình với 1 đầu Rối. Động tác chân nhảy vẫn theo nhịp 5 nhưng được thực hiện 5 lần động tác giống nhau vì chỉ có một đầu Rối lên tay dâng lên xuống trước ngực, nhịp điệu nhảy Ông Tràng chậm rãi khoan thai điềm tĩnh đúng với tác phong anh trưởng. Sau 5 lần nhảy Chầu thì Ông Tràng theo nhịp trống điều khiển tiến lên, dùng chân viết lên từng nét của các chữ nho: Đầu tiên là Chữ Vạn (Vạn Năng) biểu tượng của Nhà Phật, sau đó là Chữ Thánh cung Vạn Tuế - Thiên hạ Thái bình.

Nghệ nhân Nguyễn Duy Chiến đang biểu diễn vai Tràng trưởng

Cuối cùng ông Tràng Hành lễ Tam Bái Đức Thánh Tổ có ơn cứu sinh, cầu mong Đức Thánh Ngài Bảo Quốc hộ dân thái bình thiên hạ, mừng Đảng mừng dân vững thạch bàn, làm ruộng vườn tốt lúa - tốt nương dâu, người kinh doanh có nhiều doanh lợi. Cầu cho Quốc thái dân an, người người khoẻ mạnh gia đình bình an hạnh phúc.

Mới đây Lễ Hội chùa Cổ Lễ được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ông Nguyễn Quang Trình, chủ tịch UBND thị trấn Cổ Lễ cho biết: Những năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tổ chức các Lễ Hội cũng hạn chế. Nghệ thuật Chầu rối chùa Cổ Lễ có nguy cơ dần mai một theo thời gian do không có tập luyện và múa chầu thánh. Hơn nữa chỉ có vài thành viên còn lại nhớ được bộ môn nghệ thuật này thì tuổi cũng đã ngoài 70. Tuy nhiên, mới đây Sở Văn hoá thể thao và du lịch tỉnh Nam Định cùng UBND huyện Trực Ninh - Phòng văn hoá thông tin thể thao và UBND thị trấn Cổ Lễ đã tổ chức hội nghị nhằm khôi phục lại bộ môn Chầu rối này. Sự kiện này cũng nhận được sự hưởng ứng, nhiệt tình ủng hộ của nhân dân địa phương cũng như các dòng họ tham gia tổ chức lễ hội.

Đọc thêm