'Có xem chèo Khuốc với anh, thì về…'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đồng ý đệ trình hồ sơ để UNESCO xem xét, đưa “Nghệ thuật Chèo” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào của cả nước và người dân quê lúa Thái Bình - một trong những cái nôi của nghệ thuật Chèo truyền thống Việt Nam…
Hát chèo đã trở thành một phần sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu của người dân Thái Bình. Ảnh TXVN.
Hát chèo đã trở thành một phần sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu của người dân Thái Bình. Ảnh TXVN.

Hơn 10 thế kỷ chiếng chèo

Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của người Việt, phát triển mạnh và phổ biến ở Đồng bằng sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là Trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Chèo được hình thành từ thế kỷ X, dưới thời nhà Đinh khi Vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) là đất tổ của sân khấu chèo. Người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung đã được nhà vua phong chức quan Ưu Bà chuyên truyền dạy nghề múa hát.

Theo sách “Hý phường phả lục” của trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441 - 1496), khoảng niên hiệu Thái Bình (970 - 979), khi biết tin Vua Đinh Tiên Hoàng ban chiếu lệnh tìm người giỏi ca múa, viên quan trấn giữ địa phương Hồng Châu đã tiến cử bà Phạm Thị Trân với triều đình. Bà Phạm Thị Trân, hiệu là Huyền Nữ, người Hồng Châu, phong tư mỹ lệ, giỏi về ca hát, múa nổi tiếng trong các hý phường đương thời.

Vua Đinh Tiên Hoàng đã cho mời bà về kinh đô Hoa Lư và phong bà chức Ưu Bà, chịu trách nhiệm dạy quân lính múa hát, đánh trống, gẩy đàn, diễn các tích trò, lúc đó gọi là hát trò nhời hay gọi là hát chèo. Cách rước trống chèo thời nhà Đinh của bà Phạm Thị Trân có sức cổ vũ lớn đối với tinh thần chiến đấu của quân sĩ. Nghệ thuật hát chèo bắt đầu hình thành từ thời đó.

Chèo mang tính quần chúng và thường gắn với các lễ hội dân gian nhằm tạ ơn thần thánh phù hộ cho vụ mùa bội thu, dân làng no ấm và để những người nông dân thường ngày chân lấm tay bùn có thể giao lưu, cất lên tiếng lòng của mình. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài từ thế kỷ X đến nay, nghệ thuật chèo đã đi sâu vào đời sống văn hóa, xã hội, miêu tả cuộc sống bình dị của người nông dân, ca ngợi những phẩm chất cao quý của con người. Chèo phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc dân tộc Việt Nam: Lạc quan, nhân ái, yêu cuộc sống yên lành, bình dị, nhưng tràn đầy tự hào dân tộc, kiên cường đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

Các nghệ nhân chèo làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) biểu diễn phục vụ nhân dân.

Các nghệ nhân chèo làng Khuốc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) biểu diễn phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, cũng có những vở chèo mang tính hài hước, phê phán những thói hư, tật xấu, chống lại bất công, thể hiện tình yêu thương, lòng bao dung, sự tha thứ. Cũng chính bởi nội dung tư tưởng lành mạnh đó mà trong chèo có đầy đủ thể loại văn học: trữ tình, lãng mạn, anh hùng ca, sử thi, thơ ca giáo huấn…

Ước tính có khoảng trên 200 làn điệu chèo, chủ yếu được hình thành và bắt nguồn từ các làn điệu dân ca, ca dao, thơ giàu chất văn học đằm thắm trữ tình. Chèo sử dụng nhạc cụ dây là đàn nguyệt, đàn nhị và đàn bầu, đồng thời thêm cả sáo. Ngoài ra, các nhạc công còn sử dụng thêm trống và chũm chọe. Bộ gõ nếu đầy đủ thì có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, xưa và nay, khi nói về nghệ thuật chèo của Việt Nam, những người yêu mến nghệ thuật hát chèo vẫn tôn vinh Thái Bình là đất chèo, là một trong những nôi chèo của Việt Nam. Bởi vì, căn cứ vào những tư liệu hiện còn, hầu như các nhà nghiên cứu đều đã thống nhất khẳng định nghệ thuật chèo ra đời ở vùng châu thổ Bắc Bộ và định hình ở tứ trấn: Đông, Đoài, Nam, Bắc, tương đương với tên gọi của các chiếng chèo tứ xứ: xứ Đông, xứ Đoài, xứ Nam, xứ Bắc. Chèo Thái Bình nằm trong chiếng chèo xứ Nam và vẫn được gọi là chèo Nam.

Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro biểu diễn cùng các nghệ nhân, diễn viên câu lạc bộ chèo làng Khuốc. Ảnh VHTTTB.

Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro biểu diễn cùng các nghệ nhân, diễn viên câu lạc bộ chèo làng Khuốc. Ảnh VHTTTB.

Thuở trước, tục thờ tổ nghề hát vốn thường được diễn ra ở đình của các làng chèo hoặc ở nhà các ông Trùm của mỗi gánh chèo. Lệ tế tổ chèo trước đây thường được những người hành nghề chèo duy trì hàng năm. Đình làng Hoàng Quan nay thuộc xã Đông Cường, huyện Đông Hưng thờ Thành hoàng làng là tổ nghề hát, dân làng vẫn gọi là bà Đầu, bà Đào hoặc bà Đào Nương. Làng Đống nay thuộc xã Đông Các, huyện Đông Hưng xưa có gò Con Hát. Làng Thượng Liệt nay thuộc xã Đông Tân xưa có đường Con Hát.

Sách Tiên Hưng phủ chí do Phạm Nguyên Hợp biên soạn vào năm 1928 đã xếp ca hát (hát chèo và hát ca trù) là một nghề của phủ Tiên Hưng. Ngày nay các làng xã thuộc phủ Tiên Hưng có khá nhiều nghệ sỹ hoạt động chèo nổi danh trong nước, trong tỉnh. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lễ hội truyền thống của hầu hết các làng ở Thái Bình đều được duy trì theo định lệ “sáng rối, tối chèo”.

Chèo Khuốc - từng là nghề kiếm tiền khắp thiên hạ

Cổ Khúc là tên chữ, ngày nay người ta gọi bình dị là làng Khuốc, thuộc xã Phong Châu, Đông Hưng, Thái Bình. Hàng nghìn năm trước, thuở mới lập làng, dân cư sông nước dạt vào vụng Bà Lam để tránh sóng gió, thấy đất lành mà ở lại. Còn dân cư từ miền rừng núi xuống thì trú ngụ trên các gò đất cao.

Từ xưa, Khuốc đã là một làng chèo nổi tiếng thiên hạ. Đến mức, người tứ xứ hễ nói đến nghệ thuật diễn xướng là nhắc ngay đến chèo Khuốc! Các nghệ nhân chèo Khuốc và các cụ cao niên trong làng cho biết, những gánh chèo Khuốc xưa trước khi diễn thường có mấy câu dạo đầu về làng quê mình: “Thần Khê dục tú/Cổ Khúc chung linh/Mừng làng ta nhân vật khang ninh/Dân đâu đấy thuần phong mỹ tục”...

Nhiều đời trước, người Cổ Khúc đã coi hát chèo và diễn chèo là một nghề sinh nhai. Năm nào Cổ Khúc cũng mở hội làng. Hội làng có nhiều trò chơi như các làng khác ở châu thổ sông Hồng, điều khác biệt là Cổ Khúc có nhiều gánh chèo. Và hội làng chính là dịp để các gánh chèo thể hiện tài năng, đồng thời cũng thể nghiệm vở diễn của mình, để rồi ngay sau hội làng họ đem đi lưu diễn các nơi. Các gánh chèo Cổ Khúc đi diễn kiếm ăn ở các hội làng gần, xa, diễn tại các gia đình có tiệc khao vọng, hiếu lễ, khánh hỷ... Những làng gần, xa ấy, và những gia đình ấy đã cử người đến hội làng Cổ Khúc xem và đặt mời trước những gánh chèo Khuốc. Hết mùa hội, mùa diễn, những gánh chèo làng Cổ Khúc trở về nhà, làm nghề nông. Và tối tối, diễn viên từng gánh chèo lại tập hát, tập vở diễn cho thật hay: “Chẳng thèm ăn chả ăn nem/Thèm mo cơm tẻ, thèm xem hát chèo”…

Các nghệ nhân chèo Cổ Khúc vẫn truyền kể cho thế hệ sau rằng, vở Từ Thức gặp tiên đã được người làng Khuốc đem đi diễn nhiều nơi từ năm, sáu đời về trước. Sau đó một thời gian, các vở diễn Phan Trần và Chu Mãi Thần cũng được các gánh chèo Cổ Khúc trình diễn ở hội làng vào khoảng cuối thế kỷ 19. Những làn và điệu hát chèo như Hề đơm đó, Vãn non mai, Tuyết dạt sông Thương... là “những điệu hát độc đáo, chỉ có nghệ nhân chèo Khuốc biết hát”.

Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro và nghệ nhân Vũ Văn Thìn biểu diễn trích đoạn chèo “Lão say cu cậu”.

Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro và nghệ nhân Vũ Văn Thìn biểu diễn trích đoạn chèo “Lão say cu cậu”.

Cả nước có đến gần 160 nghệ sĩ chèo là người Thái Bình, trong đó hơn 50 nghệ sĩ chèo là người làng Cổ Khúc. Họ không chỉ là diễn viên, mà còn là nghệ sĩ chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn, tác gia, nhà nghiên cứu và người thầy trong nghề chèo... Và, nhạc sĩ Trần Vinh (Nhà hát Chèo Việt Nam) đã viết trong sách Chèo truyền thống Thái Bình: “Nói đến chèo Thái Bình phải nói ngay đến chèo Khuốc. Cái mạnh hơn cả ở chèo Khuốc là phong cách và làn điệu trong hát chèo. Nếu ai đó được nghe các nghệ nhân chèo Khuốc hát các điệu Tòng nhất nhi trung và Bóng ngả thì đó có loe là diễm phúc!”.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, hiện chưa có tài liệu nào khẳng định nghệ thuật chèo ở Thái Bình ra đời từ khi nào nhưng vào nửa cuối thế kỷ XIX trên đất Thái Bình đã có khoảng 50 đơn vị nghệ thuật chèo với các tên gọi gánh, phường, hội rải rác, trong đó hạt nhân là ba vùng: Chèo Khuốc (xã Phong Châu, Đông Hưng), chèo Hà Xá (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) và chèo Sáo Đền (xã Song An, huyện Vũ Thư). Riêng chèo Khuốc, ở giai đoạn cực thịnh có lúc trong làng có đến 15 gánh hát chèo, diễn quanh năm suốt tháng, không chỉ trong làng mà còn phục vụ nhân dân vùng khác. Do đó, chiếu chèo làng Khuốc được mệnh danh là một trong 7 cái nôi sản sinh ra chèo đất Việt, từng được triều đình ban tặng danh hiệu “Mỹ tục khả phong” và “Thuần phong mỹ tục”. Từ xa xưa, chèo Khuốc đã đi vào ca dao và trở thành “đặc sản” để mời chào: “Hỡi cô thắt giải lưng xanh/Có xem chèo Khuốc với anh thì về”.

“Bao giờ Thái Bình hết lúa thì mới hết chèo”

Với hơn 50 năm gắn bó, tâm huyết với chèo Khuốc và là người thầy đặc biệt của nhiều diễn viên chèo chuyên nghiệp, Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro (thôn Khuốc Đông, xã Phong Châu) là người duy nhất ở Thái Bình được trao tặng danh hiệu cao quý này bởi ông nắm giữ “báu vật” nghệ thuật chèo truyền thống. Mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng lão nông Bùi Văn Ro vẫn đau đáu trăn trở về chuyện giữ hồn cốt của chèo Khuốc cũng như việc bảo tồn nghệ thuật dân gian này cho các thế hệ sau.

Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro cùng nghệ nhân cao tuổi của làng Khuốc biểu diễn trích đoạn chèo.

Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro cùng nghệ nhân cao tuổi của làng Khuốc biểu diễn trích đoạn chèo.

Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro chia sẻ, các làn điệu của chèo Khuốc có chất liệu từ dân ca, ca dao, dễ hiểu, dễ nhớ, bình dị mà gần gũi. Chèo Khuốc có tới 12 làn điệu độc đáo, không ở đâu có được như Ván cờ tiên, Ðường trường thu không, Tình thư hà vị, Hề đơm đó… Nhưng theo ông, độc đáo hơn cả vẫn là Múa trái và Tắm tiên trong vở Từ Thức du tiên được xếp vào hàng có một không hai. Những làn điệu độc đáo ở chèo Khuốc không thấy ở nơi đâu bởi ca từ và lối hát rất riêng. Với chèo ở nơi khác và chèo chuyên nghiệp, cách hát vang, rền, nền, nảy là tiêu chí hàng đầu thì ở chèo Khuốc phải là tròn vành rõ chữ và không thừa chữ. Hay như cách gõ trống của chèo Khuốc cũng khác biệt. Cứ sau mỗi lời hát phải đế tiếng trống để nâng lời hát lên. Tiếng trống và lời hát tuy hai mà một, hòa quyện với nhau. Nếu không đánh được trống đế thì người hát có hát hay cũng bằng không.

Theo nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro, trong nghệ thuật chèo, chiếc quạt là đạo cụ ưu thế để người hát, người diễn hòa nhập với động tác múa, góp phần nói lên câu chuyện. Nhưng động tác múa quạt thế nào cho ra hồn cốt nhân vật lại không hề dễ. Bởi vậy, một trong những bài học đầu tiên khi học hát chèo phải là múa quạt. Như trong vở Quan âm Thị Kính, người diễn tay cầm quạt thế nào cho ra hình ảnh, cốt cách của Thị Kính hay Thị Mầu với động tác phẩy quạt lả lướt theo từng lời hát...

Và ở làng Khuốc, chèo là đã trở thành phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, từ người già đến người trẻ, có gia đình 2-3 thế hệ đều gắn bó, trao truyền nghệ thuật chèo truyền thống như một báu vật. Hiện ở làng Khuốc chỉ còn Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Ro cùng 3 Nghệ nhân Ưu tú dù tuổi cao nhưng vẫn âm thầm truyền lửa, giữ hồn chèo làng Khuốc. NNND Bùi Văn Ro trăn trở: Không ít nghệ nhân của làng Khuốc đã gắn bó với nghệ thuật chèo gần cả cuộc đời, tất cả mọi người vẫn đang bền bỉ trên hành trình truyền dạy nghệ thuật chèo cho con cháu trong làng và những người có mong muốn được tìm hiểu, học hỏi về chèo.

Ngoài làng Khuốc, cũng có một số nghệ nhân có nhiều thành tích và đóng góp lớn trong truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật chèo nhưng chưa được công nhận NNƯT, NNND. NNND Bùi Văn Ro cho rằng, để phong trào tập luyện, biểu diễn nghệ thuật chèo ngày thêm sôi nổi, cần quan tâm xét tặng danh hiệu NNƯT, NNND cho những thành viên ở các đội chèo, nhóm chèo theo tiêu chí đã được quy định. Ông mong mỏi sự ghi nhận của các ngành chức năng sẽ góp phần nhân lên tình yêu và trọng trách của mỗi người trong việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống…

Ngày nay, trong số hơn 400 hội làng truyền thống ở Thái Bình lần lượt được khôi phục, rất ít hội thiếu vắng tiếng trống chèo. Bởi thế, người dân miền quê này vẫn luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng: “Bao giờ Thái Bình hết lúa thì mới hết chèo”…

Chính phủ đã đồng ý để Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch gửi hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Chèo” của 14 tỉnh, thành phố để trình Tổ chức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Chèo” của Việt Nam trình UNESCO gồm 14 tỉnh, thành phố tham gia, là Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Đây được xem là những vùng đất giàu truyền thống, còn gìn giữ và bảo tồn được những tinh hoa của chèo - nghệ thuật kịch hát dân tộc đặc sắc.

Đọc thêm