Không ai có quyền cấm cha mẹ gặp con

(PLVN) -  Mặc dù pháp luật có quy định rõ ràng nhưng nhiều trường hợp vẫn bị ngăn cản không cho thăm nom con sau khi gia đình tan vỡ. Từ đó, bi kịch đã xảy ra cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Nhiều bi kịch xảy ra từ việc ngăn cấm cha, mẹ thăm nom con. (Ảnh minh họa)

Nỗi bất hạnh của người mẹ

Trong sự việc bé gái 8 tuổi V.A ở Bình Thạnh bị người tình của bố ngược đãi, hành hạ đến chết, một thông tin khiến nhiều người thêm bất bình là việc mẹ của cháu bé bị chồng cũ và người tình cấm gặp con suốt hơn 1 năm trời.

Theo lời kể từ người thân và bạn bè của mẹ bé V.A, từ khi hai vợ chồng ly hôn, người mẹ đã bị ngăn cản không cho gặp con. Nhiều lần nhắn tin xin chồng cũ cho gặp con, người mẹ nhận lại những tin nhắn yêu cầu phải liên hệ với người tình của chồng cũ, vì người này sẽ “quản lý” việc người mẹ có được gặp lại con hay không. Mẹ bé gái đến sân chung cư, đến trường tìm con nhưng chỉ được gặp đôi chút.

Đặc biệt, từ thời điểm dịch bệnh bùng phát năm 2020, lấy cớ này, cả cha bé gái và người “dì ghẻ” đều ra sức cấm cản người mẹ thăm con. Không chỉ thế, cha bé gái còn chặn tài khoản mẹ bé trên nhiều ứng dụng thông tin như Facebook, Zalo khiến mẹ bé không biết tin tức về con mình, phải tìm hiểu, dò la khắp nơi.

Chính việc người mẹ bị cấm cản không cho gặp con, không biết tin tức gì về con đã khiến chị không kịp thời nhận ra điều bất thường từ phía con trẻ, không có khả năng “cứu” con mình khỏi sự hành hạ tàn nhẫn của người sắp thành “kế mẫu”.

Tình cảnh của mẹ bé V.A không hiếm xảy ra giữa các cặp vợ chồng đã ly hôn. Điển hình như chuyện của nữ ca sĩ Nhật Kim Anh. Theo thông tin từ ca sĩ này, sau khi ly hôn, hai bên đồng thuận người chồng nuôi con trai. Tuy nhiên, sau đó nữ ca sĩ gặp nhiều khó khăn khi muốn đến thăm, chăm sóc con mình.

Ngày 16/7/2019, Nhật Kim Anh đã có đơn khởi kiện gửi TAND quận Ninh Kiều, Cần Thơ yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con với lý do chồng cũ và gia đình ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giáo dục con chung của hai người. Vụ kiện đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Những bi kịch từ sự ngăn cấm

Điều 82, Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ sau đối với con sau khi ly hôn, trong đó có nội dung “Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Tuy nhiên, trên thực tế, chuyện bên nuôi con cấm cản không cho đối phương gặp con là không hề hiếm.

Như trường hợp chị Lê Tuyết H, sinh năm 1986, quê Đồng Nai, sống tại TP HCM cho biết, chị lấy chồng năm 2012, sinh được 3 con, hai gái một trai. Năm 2018, do anh có tính vũ phu, hay chửi bới vợ nặng lời, đánh đập vợ, chị làm đơn xin ly hôn, anh không đồng ý và dọa sẽ tước quyền nuôi con của chị.

Vì cuộc sống quá đau khổ, chị vẫn quyết tâm ly hôn, hai con gái chị nuôi, con trai là “cháu đích tôn” của gia đình bên nội do cha cháu nuôi. Nhưng sau khi ly hôn, chị bị cấm tuyệt đối không cho gặp con. Có lần, chồng cũ còn chửi mắng chị ngay trước cổng trường con học khi bắt gặp chị đến thăm con. Mới đây nhất, bé trai thấy mẹ đã tỏ ý khó chịu, đuổi mẹ đi vì bé nghe cha nói toàn những điều không hay về mẹ.

Có không ít trường hợp, từ những vụ cấm cản không cho gặp con đã dẫn đến những hậu quả hết sức thương tâm. Có trường hợp mâu thuẫn đến mức vợ sát hại chồng, có trường hợp chồng sát hại vợ. Hay như sự việc từng gây nhói lòng cách đây nhiều năm, anh Hiếu ở TP HCM thường xuyên mâu thuẫn với gia đình vợ cũ khi đến thăm con. Anh quay video và đăng clip hành trình gặp con gian khổ lên mạng. Sau lần đó, anh đến thăm con thì xảy ra xô xát với em vợ và bị em vợ đâm thiệt mạng.

Theo Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn LS TP HCM, pháp luật đã quy định rất rõ ràng và không ai có quyền ngăn cản cha, mẹ đến thăm nom, chăm sóc con cái. Trên thực tế, trường hợp bị cấm cản, thậm chí xảy ra hậu quả đau lòng vẫn diễn ra. Đứng trước việc bị ngăn cấm không cho gặp con, người cha, người mẹ có thể khởi kiện dân sự hành vi cấm cản ấy. Tuy nhiên, mỗi nhà mỗi cảnh, có nhiều trường hợp thực tế mà pháp luật cũng khó lòng điều chỉnh, can thiệp.

Chính vì thế, điều quan trọng vẫn là sự tự giác của những người trong cuộc. Các bậc cha mẹ cần có hành xử bao dung và văn minh hơn, nếu không vì nhau thì cũng là vì con. Bởi đứa trẻ trong những gia đình tan vỡ đã thiệt thòi, lại bị vắng bặt hẳn tình thương của một bên chỉ vì sự ích kỉ của người lớn, sự thiệt thòi càng nhân lên. Chưa kể, nếu cha mẹ hành xử với nhau kiểu ghét bỏ, thù hận, thậm chí chửi bởi, sát hại lẫn nhau chỉ vì cấm cản không cho gặp con thì tổn thương tinh thần của trẻ sẽ bị khoét sâu đến chừng nào...

Đọc thêm