Không bỏ lọt tội phạm, không để oan sai

(PLVN) - Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV là kỳ họp đặc biệt. Kỳ họp chuyển giao nhân sự sau Đại hội XIII của Đảng, dẫu nhiệm kỳ Quốc hội XIV chưa kết thúc. Tòa án là một ngành trong khối nội chính, một khâu đoạn của quá trình tố tụng.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tuần trước, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC khi trình bày báo cáo cho biết, việc xét xử các vụ án hình sự, trong nhiệm kỳ bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đúng pháp luật.

Về xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế của TANDTC được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ. Tòa án các cấp đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.14.540 bị cáo bị đưa ra xét xử, chịu hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Đã áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng. Chưa nhiệm kỳ nào, công tác thu hồi tài sản của những kẻ tham nhũng lớn như nhiệm kỳ qua.

Xét xử, tất nhiên có khiếu nại các bản án. Chánh án TANDTC cho biết, các tòa án đã giải quyết 26.770 đơn khiếu nại quyết định tố tụng và hành vi tố tụng, đạt tỷ lệ 98,8%. Việc giải quyết tuân thủ đúng thủ tục, thời hạn, có căn cứ và đúng pháp luật.

Người đứng đầu ngành Toà án cho hay, những kiến nghị của tòa án không chỉ khắc phục sai sót của các cơ quan tố tụng mà còn khắc phục sơ hở trong cơ chế, chính sách quản lý vĩ mô và thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, chính vì vậy chất lượng xét xử không ngừng được nâng lên.

Sáng qua (30/3), Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC. Vấn đề oan sai trong tố tụng nói chung, xét xử nói riêng lại “nóng” trên nghị trường. Vận dụng pháp luật, lượng hình như thế nào để bảo đảm xét xử đúng người đúng tội, không hề đơn giản.

Phải khẳng định vấn đề phòng, chống oan sai trong hoạt động tư pháp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Quốc hội XIII từng thông qua Nghị quyết số 96/2015/QH13 về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Tháng 8/2016, đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 681/QĐ-TTg thực hiện Nghị quyết 96 của Quốc hội.

Không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai là ưu việt của pháp chế xã hội chủ nghĩa, luôn là mục tiêu phấn đấu./.