“Không cần phải chứng tỏ Việt Nam phải theo xu hướng thế giới hiện đại là không ăn thịt chó, mèo“

(PLO) - Một số chuyên gia văn hóa nhìn nhận, chó hay bất kỳ con vật nuôi nào đều cần được đối xử nhân văn như nhau và việc nói ăn thịt chó không văn minh là sai bởi mỗi đất nước có một văn hóa riêng. 


UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị  quan đẩy mạnh phòng bệnh dại; tuyên truyền để người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.

Trước động thái này, nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hồng Vĩ cho rằng: Không thể áp đặt văn hóa của người nước ngoài vào văn hóa của người Việt bởi mỗi nơi mỗi khác, thịt chó, thịt lợn hay thịt con vật nuôi nào khác thì đều là món ăn.

Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hồng Vĩ
Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hồng Vĩ

“Làm sao cứ phải đi theo văn hóa nước này, nước kia? Chúng ta có nền văn hóa riêng".

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Vĩ, ăn thịt chó là thói quen lâu năm của người dân Việt Nam. Chúng ta nên tôn trọng bản sắc văn hoá của mình. Chính vì thế không thể áp đặt bản sắc văn hóa ẩm thực vùng miền này lên bản sắc ẩm thực vùng miền khác. Về mặt văn hoá ẩm thực, nếu không có bản sắc đó thì không có lý do để tồn tại.

Tất nhiên về mặt ngoại giao, trong Hội nhập văn hoá thế giới, chúng ta không nên ca tụng thịt chó ở những khu vực tiếp khách ngoại giao. Hơn nữa, không nên quảng cáo lộ liễu với những việc bán thịt chó như treo ảnh cắt tiết thịt chó, cảnh mổ chó….nó sẽ tạo ra sự phản cảm của mọi người xung quanh.

Đồng quan điểm trên, Nhà xã hội học Trịnh Hoà Bình cho rằng, việc kêu gọi người dân bỏ thói quen ăn thịt chó là không khả thi bởi với nhiều người Việt Nam, thịt chó đã thành văn hoá ẩm thực. 

Nhà xã hội học Trịnh Hoà Bình
Nhà xã hội học Trịnh Hoà Bình

Theo ông Bình, việc ăn thịt chó cần được nhìn nhận là văn hoá chứ không phải là sự văn minh để so sánh với các nước phương Tây vì họ khác biệt với chúng ta về văn hóa. Vì vậy, không cần phải chứng tỏ Việt Nam phải theo xu hướng thế giới hiện đại là không ăn thịt chó, mèo.

“Chỉ nên khuyến cáo người dân, cơ sở kinh doanh không giết thịt chó, mèo một cách dã man, tàn bạo, có nhiều người chứng kiến..., chứ không nên khuyến cáo bỏ thói quen ăn thịt chó. Khi được chế biến hợp vệ sinh thì nó vẫn nên được coi là món ăn”, ông Trịnh Hoà Bình chia sẻ thêm

TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn hoá dân gian Việt Nam thì cho rằng: “Mỗi nơi có một phong tục khác nhau. Thịt chó là phong tục của Việt Nam. Cần phân biệt tình cảm giữa chó, mèo nuôi ở nhà với chó, mèo nuôi để lấy thịt”. 

Ngày 10/9, UBND TP Hà Nội có văn bản khuyến cáo người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.

Chính quyền Thủ đô cho rằng, việc kinh doanh, giết mổ, sử dụng thịt chó, mèo gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại. Ngoài ra, những người tham gia giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo còn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: bệnh dại, tả, xoắn khuẩn... 

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 500.000 con chó, mèo. Trong đó trên 87% nuôi với mục đích giữ nhà, còn lại nuôi làm cảnh, kinh doanh hoặc làm thực phẩm.