"Không có lý do gì phải dùng tiếp đồ chơi rẻ, độc hại"

“Sau hàng loạt các khuyến cáo về sự độc hại của đồ chơi Trung Quốc, không có lý do gì, người Việt lại tiếp tục sử dụng những sản phẩm rẻ tiền và kém chất lượng như thế. Mỗi khi đi mua đồ chơi cho con, tôi đều tránh mua những đồ chơi được làm bằng kim loại pha lẫn chì vì nó rất độc hại và nguy hiểm đến sức khỏe”, chị Hòa Trang (Cầu Giấy), một phụ huynh đã đưa ra ý kiến.

“Hàng Trung Quốc chất lượng kém và độc hại. Không mua hàng Trung Quốc nữa, ưu tiên dùng hàng Việt Nam”- đó là “thông điệp” của rất nhiều ông bố, bà mẹ khi “hành động” mua đồ chơi cho con em mình trong dịp trung thu này. Trước bạt ngàn đồ chơi Trung Quốc, đồ chơi nội bắt đầu tìm chỗ đứng cho riêng mình.

Đồ chơi Trung Quốc đang đe dọa văn hóa Việt
Đồ chơi Trung Quốc đang đe dọa văn hóa Việt
Mặc dù những sản phẩm đồ chơi Trung Quốc chiếm ưu thế hơn đồ chơi trong nước vì giá rẻ, lại phong phú về màu sắc, đa dạng về chủng loại. Song thực tế, đằng sau sự đa dạng ấy, đồ chơi Trung Quốc rất ô nhiễm và độc hại mà đã có không ít kiểm chứng từ các nhà khoa học châu Âu.
Tổ chức Hòa Bình Xanh- một tổ chức bảo vệ môi trường hàng đầu thế giới - thông báo các cuộc kiểm tra độc lập của họ đã phát hiện khoảng 70% mẫu đồ chơi trẻ em được lấy mẫu tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Hồng Kông... có chứa chất phthalate - một chất được dùng làm tăng độ dẻo, bền của đồ nhựa có khả năng gây biến đổi hormon, ảnh hưởng đến hệ sinh sản, gây dị tật ở cơ quan sinh dục trẻ em...
Hầu hết các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc chỉ là đồ chơi đơn thuần thụ động, ít mang tính giáo dục, thậm chí nhiều loại còn mang tính bạo lực như súng bắn đạn chì, đạn cao su, dao kiếm... làm cho nhiều trẻ em bị thương và tác động xấu đến tinh thần. Đáng nói hơn cả, gần đây trên thị trường còn xuất hiện súng lửa, súng điện thoại. Nếu bất cứ ai nhìn thấy những khẩu súng dạng này đều không khỏi giật mình vì kiểu dáng của nó được thiết kế giống hệt súng đạn thật, với vỏ bọc bằng kim loại, gồm cò súng, nòng súng, khe ngắm. Đây thực sự là trò chơi mang tính bạo lực rất nguy hiểm.
Đó là chưa kể khả năng “sát thương” mà các loại súng bắn đạn nhựa gây ra là rất lớn, nếu bắn trúng vào mắt có thể gây mù lòa”. Trong một cuộc kiểm tra mới đây, Tổng Cục giám sát chất lượng và kiểm dịch TQ thông báo có đến gần một phần mười số đồ chơi dành cho trẻ không an toàn như có cạnh sắc nhọn, chứa kim loại nặng…
Cơ quan chức năng đã lấy ngẫu nhiên 242 mẫu đồ chơi trên thị trường ở Hà Bắc, Thượng Hải, Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Chang, Phúc Kiến, Sơn Đông và Hà Bắc. Trong đó, 20 mẫu không đáp ứng được các tiêu chí bắt buộc về chất lượng. Cụ thể, 12 mẫu có cạnh sắc nhọn có thể gây tổn thương cho trẻ, 2 mẫu chứa kim loại nặng như chì và crôm. Số còn lại vẫn có các góc cạnh nhô lên có thể gây nguy hiểm.
Trong bốn năm qua có 84.000 trường hợp trẻ em bị tai nạn mang thương tích do đồ chơi gây ra, nhiều trường hợp hỏng mắt, bỏng, loạn tâm thần, ngộ độc, nghẹn thở, thậm chí tử vong. Viện Nhi Trung ương có gần một nửa trong số 100 mẫu dị vật đường thở đang được bảo lưu tại Khoa Nhi là sản phẩm của đồ chơi trẻ em gây nên. Tại khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, năm 2008, tiếp nhận gần 500 trẻ nhập viện do tự cho đồ chơi hay dị vật vào tai, mũi, thực quản và đường thở.
“Sau hàng loạt các khuyến cáo về sự độc hại của đồ chơi Trung Quốc, không có lý do gì, người Việt lại tiếp tục sử dụng những sản phẩm rẻ tiền và kém chất lượng như thế. Mỗi khi đi mua đồ chơi cho con, tôi đều tránh mua những đồ chơi được làm bằng kim loại pha lẫn chì vì nó rất độc hại và nguy hiểm đến sức khỏe”- chị Hòa Trang (Cầu Giấy), một phụ huynh đã đưa ra ý kiến.
“Mình đưa con ra Hàng Mã là để con có chút không khí Trung thu với đèn lồng đỏ, với đèn ông sao. Mình định mua cho em nó một chiếc đèn ông sao, một chiếc đèn kéo quân để trung thu này cả nhà sẽ đi rước đèn. Mình sẽ kể cho cháu nghe về sự tích của những món đồ chơi trung thu, như thế ý nghĩa hơn là mua những món đồ chơi hiện đại kia.”
Một trào lưu “tẩy chay” đồ chơi Trung Quốc bắt đầu được nhiều ông bố, bà mẹ trả đón nhận. Có một thực tế đáng mừng, hiện nay ngày càng nhiều phụ huynh đã có chuyển biến nhận thức rất tích cực trong việc chọn đồ chơi cho con. Các loại đồ chơi “chơi mà học, học mà chơi” như chơi xếp gỗ, các loại sách trí tuệ, cùng với các loại đồ chơi “made in Vietnam” có chứng nhận hợp quy được nhiều phụ huynh lựa chọn. 
Ngoài các sản phẩm thủ công dân gian của các làng nghề truyền thống như: Đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy… Mấy năm gần đây, trên thị trường đồ chơi xuất hiện nhiều sản phẩm đồ nhựa, đồ gỗ. Một số doanh nghiệp đồ chơi nhận thức rõ xu hướng phát triển của thị trường trong nước, chú trọng nhiều hơn đến việc nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo ra những sản phẩm đồ chơi an toàn, bổ ích cho sự phát triển trí tuệ của trẻ, như các công ty CP: Sản xuất Thương mại Nam Hoa, Gỗ Đức Thành, Veesano…
Phần lớn là bộ đồ chơi gỗ, đĩa bay và con quay , được nhà sản xuất chú trọng vào tính trí tuệ, nhằm thu hút khách hàng. Loại đồ chơi gỗ có nhiều chủng loại, từ xếp hình, domino, nhận biết chữ, số và con vật phù hợp với trẻ dưới 3 tuổi đến lắp ghép, mô hình, đánh vần cho những trẻ lớn hơn. Ưu điểm của loại đồ chơi này là màu sắc bắt mắt, an toàn cho sức khỏe của trẻ.
Đồ chơi gỗ kích thích sự tìm tòi, khám phá, góp phần phát triển trí thông minh, sáng tạo của trẻ. Độ bền và mức độ an toàn cũng cao hơn đồ chơi nhựa. Với những ưu điểm đó, đồ chơi gỗ đã từng bước tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Tuy nhiên, so với đồ chơi Trung Quốc, đồ chơi nội có bán khá cao từ 200.000 - 800.000 đồng/bộ. Theo các nhà sản xuất đồ chơi thì do tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, tiền đầu tư máy móc cao nên nhiều khi muốn giảm giá bán mà lực bất tòng tâm. Các doanh nghiệp đồ chơi Việt mong được trợ giá, trợ đất, trợ vốn để biến cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thành chuỗi mạng lưới công nghiệp đồ chơi vì sự sự phát triển tinh thần và thể chất của thế hệ tương lai với những đồ chơi an toàn, có tính thẩm mỹ giáo dục, góp phần làm cho những ông bố, bà mẹ và trẻ nhỏ lãng quên đồ chơi… "made in China".
Bảo Châu

Đọc thêm