Không có tiêu chí, làm sao đánh giá công tác phổ biến pháp luật?

 Đánh giá hiệu quả một công việc hay một chương trình, dự án… người ta thường đưa ra những tiêu chí cụ thể làm căn cứ, tuy nhiên có nhiều lĩnh vực, mỏi mắt kiếm tìm cũng không có một “barem” làm chuẩn...

Đánh giá hiệu quả một công việc hay một chương trình, dự án… người ta thường đưa ra những tiêu chí cụ thể làm căn cứ, tuy nhiên có nhiều lĩnh vực, mỏi mắt kiếm tìm cũng không có một “barem” làm chuẩn.

Chẳng hạn như đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, có muốn cũng chỉ dừng lại ở con số các buổi tuyên truyền là bao nhiêu, phát hành tài liệu như thế nào, cho bao nhiêu người, với bao nhiêu văn bản… Còn vấn đề cốt lõi, là ý thức chấp hành, áp dụng, tuân theo pháp luật của người dân trước và sau khi tuyên truyền pháp luật chuyển biến đến đâu thì lại… không thể.

Một ví dụ khác,  việc đánh giá “mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân” trong công tác theo dõi thi hành pháp luật theo quy định tại Thông tư 03 của Bộ Tư pháp cũng làm cho địa phương phải “rối bời”.

Tại một cuộc hội thảo, nói về vấn đề nêu trên, Sở Tư pháp Hà Nội phân tích, cần xác định cụ thể về phạm vi, đối tượng đánh giá… Đối với các cơ quan nhà nước, công chức thi hành công vụ thì phạm vi đánh giá là việc tổ chức thi hành pháp luật và áp dụng pháp luật trong giải quyết công việc… Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, phức tạp, mà hiệu quả thì cũng khó “đong đếm”.

Sở Tư pháp Hà Nội đưa ra một sáng kiến: đánh giá thông qua báo cáo hoạt động giám sát của HĐND các cấp; báo cáo hoạt động kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; báo cáo hoạt động thanh tra của thanh tra chuyên ngành và thanh tra nhà nước; báo cáo hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng; hoạt động kiểm tra, khảo sát của cơ quan theo dõi thi hành pháp luật. Dù vậy, vẫn phải thừa nhận, để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật trong khi không có một “chuẩn mực” nào thì quả là khó khăn.

Nhưng, xét cho cùng, để đánh giá hiệu quả một lĩnh vực, công tác nào đó, không phải lúc nào cũng có thể đưa ra một tiêu chí, chuẩn mực nhất định, cũng giống như việc ban hành pháp luật, không thể trù tính hết những tình huống phát sinh trong cuộc sống.

Chính vì vậy, có thể cùng là một vấn đề, một thời điểm, nhưng mỗi người lại có cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Từ đó, các biện pháp điều chỉnh cũng như định hướng cho sự phát triển trước mắt và lâu dài cũng khác nhau. Trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể, đòi hỏi quan trọng nhất chính là nhận thức và cái tâm của người thực hiện.

Việt Hòa

Đọc thêm