Không đăng ký kết hôn, khi “đường ai nấy đi” có được chia tài sản và yêu cầu cấp dưỡng?

(PLVN) - Sau gần hai năm lấy chồng, sinh cho chồng 3 đứa con, đến nay chị tôi ốm đau bệnh tật thì bị chồng ruồng bỏ. Xin hỏi trường hợp này pháp luật sẽ giải quyết như thế nào? Chị tôi có được chia tài sản và yêu cầu chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn hay không? 
Không đăng ký kết hôn, khi “đường ai nấy đi” có được chia tài sản và yêu cầu cấp dưỡng?

Hỏi: Anh chị tôi làm đám cưới năm 1993 nhưng không có đăng ký kết hôn và chung sống cho đến đầu năm 2019 thì mâu thuẫn trầm trọng do chị tôi đau yếu nên bị chồng ruồng bỏ, đưa đơn ly hôn ra tòa. Anh chị có 3 con chung nhưng hai người con lớn đã có gia đình riêng, chỉ còn con út năm nay 8 tuổi. Quá trình chung sống chị tôi chỉ ở nhà làm nội trợ và nuôi con, kinh tế gia đình do chồng chị ấy lo liệu.

Xin hỏi ly hôn trong trường hợp này sẽ được pháp luật giải quyết như thế nào? Chị tôi không làm ra tiền nhưng có được yêu cầu chia tài sản không? Hiện chị ốm đau, bệnh tật thì có được quyền yêu cầu chồng phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn hay không? (Anh Bùi H.D hỏi)

Về tình huống bạn hỏi, pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định như sau:

-Giải quyết vấn đề hôn nhân:

Anh chị bạn có tổ chức đám cưới và chung sống như vợ chồng hàng chục năm nhưng không đăng ký kết hôn. Trường hợp này được coi là nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng. Hậu quả của việc nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng được quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau: “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.

- Về chia con chung:

Điều 15 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn: “Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”.

Theo đó trường hợp anh chị bạn không đăng ký kết hôn, giải quyết chia con chung vẫn theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể là khoản 2 và khoản 3 Điều 81:

“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Vậy bạn có thể thỏa thuận với chồng về việc nuôi con. Nếu không thỏa thuận thì theo quy định trên, nếu con dưới 36 tháng tuổi sẽ do mẹ nuôi; con từ 7 tuổi trở lên sẽ được quyền chọn ở với cha hay với mẹ. Tòa cũng xem xét nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế, lối sống lành mạnh của cha mẹ… có thể để bạn nuôi cả 2 con.

- Về chia tài sản chung:

Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:

“1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.

Như vậy về nguyên tắc, nếu là tài sản riêng của ai vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; nếu là tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên. Nếu không thoả thuận được thì yêu cầu tán giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên trên cơ sở cân nhắc đến công sức đóng góp của mỗi người vào khối tài sản chung; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.

- Về nghĩa vụ cấp dưỡng:

Tuy anh chị bạn có tổ chức đám cưới, chung sống nhiều năm như vợ chồng, có con chung và tài sản chung nhưng do hai người không đăng ký kết hôn nên mối quan hệ của hai người không được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Bởi vậy, khi giải quyết ly hôn, yêu cầu xem xét giải quyết việc cấp dưỡng của chị bạn sẽ không được Tòa án giải quyết vì không có căn cứ để xem xét theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. 

Đọc thêm