Trong những vấn đề dân số, chất lượng dân số là mối quan tâm hàng đầu bởi nó quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như sức mạnh của quốc gia. Nhưng với thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, dù chỉ diễn ra ở những cộng đồng dân cư nhỏ, nhưng lại gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, ảnh hưởng đến sự bền vững của phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng và quốc gia.
Vẫn còn nhiều “mèo tha chuột”…
Hình ảnh ví von này không chỉ được nhìn thấy ở những gia đình đông con, nheo nhóc, khi đứa lớn “tha” đứa bé mà ở nhiều vùng miền núi, nhất là ở một số cộng đồng dân tộc thiểu số, đó là hình ảnh của những bà mẹ “nhí” với những đứa con của mình.
Tổ chức Dân số Thế giới (UNFPA) cho biết, trên thế giới hiện có hơn 700 triệu phụ nữ kết hôn dưới độ tuổi 15. Cứ 3 phụ nữ thì có 1 người (khoảng 250 triệu người) kết hôn trước tuổi 15. Ở Việt Nam, Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2015, do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện, tỷ lệ tảo hôn chung trong các DTTS là 26,6%, tỷ lệ tảo hôn cao nhất thuộc các DTTS sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn như: Ơ Đu 73%; Mông 59,7%; Xinh Mun 56,3%; La Ha 52,7%; Rơ Măm 50%, Brâu 50%,…
UNFPA cho biết, trẻ em gái kết hôn trước tuổi 18 thường phải bỏ học và có nhiều nguy cơ bị bạo lực gia đình. So với phụ nữ sinh con ở độ tuổi trên 20 thì các bà mẹ trẻ em có nhiều nguy cơ tử vong do những biến chứng thai sản và trong quá trình sinh con. Con cái của các bà mẹ trẻ con thường bị chết lưu hoặc chết trong những tháng đầu đời. Những biến chứng thai sản này là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của các bà mẹ trẻ con ở các quốc gia đang phát triển.
Hậu quả của nạn tảo hôn ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và sức khỏe của các em gái, các gia đình và cộng đồng dân cư như vậy nhưng tình trạng tảo hôn hiện xảy ra ở 63 tỉnh, thành trên cả nước. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, nguyên nhân của nạn tảo hôn là do “phong tục, tập quán lạc hậu, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi, kinh tế - xã hội kém phát triển, cơ hội tiếp cận với truyền thông, dịch vụ y tế, giáo dục, pháp luật còn thấp, bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và thiếu hiểu biết”.
Thúc đẩy bình đẳng giới để ngăn tảo hôn
UNFPA khẳng định, giải quyết tình trạng tảo hôn chính là một trong các giải pháp góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người, cũng như góp phần duy trì sự bền vững của phát triển kinh tế-xã hội cho cộng đồng và quốc gia. “Tiếp cận theo khía cạnh nhân học thì những người tảo hôn vừa đáng thương vừa đáng trách. Tảo hôn là vấn đề không chỉ diễn ra ở miền núi, vùng DTTS mà còn cả ở đồng bằng, cả dân tộc Kinh, nhưng nếu chúng ta dành sự quan tâm đặc biệt, hỗ trợ có hiệu quả, giảm thiểu, đẩy lùi tình trạng tảo hôn ở vùng DTTS và miền núi thì cơ bản chúng ta sẽ thành công” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Như vậy, để giải quyết tình trạng tảo hôn không có cách nào khác là cần có những giải pháp tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của nạn tảo hôn, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, tư vấn pháp luật và hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đặc biệt khó khăn, tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho trẻ em, nhất là trẻ em gái; phát huy vai trò của cộng đồng cơ sở, thôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, phòng chống bất bình đẳng và phân biệt đối xử.
Theo các chuyên gia dân số, ngoài việc đảm bảo thực thi pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, để ngăn chặn tình trạng tảo hôn cần có sự điều tra cơ bản, khảo sát phân tích sâu kết hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về tảo hôn, cần có sự chung tay góp sức phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị nhưng cần phân định rõ ràng hơn, giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề tảo hôn.
Ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: “Tảo hôn là một trong những nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng dân số, dẫn đến đói nghèo. Ở Việt Nam tỷ lệ tảo hôn ở vùng núi, vùng DTTS cao hơn các vùng khác và tảo hôn ở nữ giới cao hơn nam giới, tảo hôn ở nông thôn cao hơn ở thành thị. Việt Nam đã có nhiều chủ trương, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bình đẳng giới nhằm ngăn chặn đẩy lùi tảo hôn. Tảo hôn là vi phạm pháp luật nhưng vẫn đang là thách thức lớn, không chỉ là vấn đề của 1 dân tộc, 1 địa phương, 1 quốc gia mà còn là vấn đề quốc tế. Vì vậy cần có sự quan tâm thỏa đáng của các cấp, các ngành, các nhà nghiên cứu và các nhà chuyên môn. Các cấp, các ngành, hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở đều phải vào cuộc cùng sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, nhất là các cơ quan của Liên Hợp quốc mới có thể ngăn chặn đẩy lùi được tình trạng tảo hôn”.