Không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai cổ phần hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một trong những vướng mắc lớn nhất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp là liên quan đến khâu rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất và phê duyệt phương án sử dụng đất và xác định giá trị quyền sử dụng đất, mới đây, cả Bộ Tài Chính, Bộ Tài nguyên & Môi trường đều có văn bản liên quan đến vấn đề này.
Không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai cổ phần hóa

Khó khăn trong xác định giá trị đất

Theo Ths. Ngô Minh Kiểm -Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Kiểm toán nhà nước, cổ phần hóa về thực chất là quá trình chuyển đổi những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu để huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo số liệu của Bộ KH và ÐT, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, có 180 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN gần 490 nghìn tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước gần 234 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tổng số 180 DN hoàn thành CPH, chỉ có 39 DN thuộc danh mục CPH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nghĩa là nhiệm vụ CPH mới đạt khoảng 30% kế hoạch đề ra. 

Về thoái vốn nhà nước tại DN, theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020 phải thực hiện thoái vốn tại 348 DN với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách khoảng hơn 60 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên đến cuối năm 2020 chỉ triển khai thoái vốn được tại 106 DN với tổng giá trị thoái vốn gần 6.500 tỷ đồng, đạt 30% về số lượng và 11% tổng giá trị vốn phải thoái theo kế hoạch. Về cơ bản, tiến trình CPH, thoái vốn cho đến thời điểm này mới đi qua được nửa chặng đường.

Ðại diện Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, trong tháng 4, Cục đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án CPH của hai DN thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc với tổng giá trị DN 202 tỷ đồng. Trước đó, trong quý I-2021, các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai xác định giá trị DN để CPH theo quy định nhưng số lượng không nhiều.

Trong đó, nổi bật là Tổng công ty Phát điện 2 phối hợp Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng với số lượng hơn 580 triệu cổ phần, mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phần, giá khởi điểm 24.520 đồng/cổ phần. Tuy nhiên chỉ có 262.500 cổ phần được giao dịch, tương đương 0,045% tổng số cổ phần bán ra. Khối lượng nhà đầu tư nước ngoài mua 210.500 cổ phần, tổng giá trị 6,4 tỷ đồng. Như vậy, theo số liệu được Bộ Tài chính cập nhật đến nay, cả nước còn 89 DN chưa hoàn thành kế hoạch CPH trong 5 năm vừa qua.

Năm 2021, Chính phủ yêu cầu vẫn thực hiện theo Quyết định 908/QÐ-TTg về phê duyệt danh mục DN thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 cho đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, các DN chưa hoàn thành sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ CPH, thoái vốn. 

Trong đó, Hà Nội có 13 DN; TP Hồ Chí Minh có 38 DN; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN có sáu DN; Bộ Xây dựng có hai DN. Trong số này có những DN quy mô lớn, hoạt động đa lĩnh vực, diện tích trải dài ở nhiều địa phương khiến thủ tục xác định giá trị DN khá phức tạp như Tổng công ty Viễn thông (MobiFone), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT),…

Số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã tiến hành quá trình cổ phần hóa giai đoạn 1999 - 2020
Số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã tiến hành quá trình cổ phần hóa giai đoạn 1999 - 2020 

Theo Ths Ngô Minh Kiểm, một trong những vướng mắc lớn nhất trong quá trình cổ phần hóa là liên quan đến khâu rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất và phê duyệt phương án sử dụng đất và xác định giá trị quyền sử dụng đất: phải trải qua nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian; rất khó để tính được lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất doanh nghiệp đang thuê của Nhà nước; khó xác định giá trị quyền sử dụng đất đúng với giá thị trường (do ở Việt Nam chưa có thị trường chuẩn để tham khảo, giá đất ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: diện tích, cơ sở hạ tầng, hướng mặt tiền,…); khi có vướng mắc liên quan đến vấn đề xử lý đất đai thì tâm lý chung ngại trách nhiệm, không giám quyết định, đùn đẩy trách nhiệm, mất nhiều thời gian xin ý kiến dẫn đến chậm tiến độ cổ phần hóa.

“Việc đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cũng có những bất cập: nhiều nhà đầu tư chiến lược tham gia cổ phần của doanh nghiệp nhà nước chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất vàng hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp. Khi đã nắm được doanh nghiệp là tìm cách chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất xây dựng nhà ở để bán  lại quyền lợi cho nhà đầu tư rất lớn, không tập trung vào đầu tư phát triển doanh nghiệp theo hoạt động sản xuất kinh doanh chính”, Ths Kiểm nêu.

Ưu tiên xử lý các tồn tại, yếu kém

Theo Bộ Tài chính, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý cần thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể, cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cần thực hiện đúng và đầy đủ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu được giao theo quy định của pháp luật; hoàn thành phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tổ chức thực hiện phương án xử lý nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát những vấn đề liên quan đến phương án cơ cấu lại, sản xuất kinh doanh, các vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong quá trình triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại để có phương án xử lý, từ đó, đảm bảo triển khai có hiệu quả cơ cấu lại và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ ưu tiên tập trung xử lý các tồn tại, yếu kém, các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Cùng đó, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường; không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà.

Mới đây, Bộ TN&MT cũng đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTNMT về việc "hướng dẫn nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; lập và phê duyệt phương án sử dụng đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần," có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/6/2021.

Theo đó, đối tượng áp dụng là doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (gọi tắt là doanh nghiệp cổ phần hóa); đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cụ thể, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm lập báo cáo hiện trạng quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng, bao gồm: tổng diện tích, số lượng thửa đất đang quản lý, sử dụng tại từng xã, phường, thị trấn và tài sản gắn liền với từng thửa đất; diện tích đất sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất đã giao, cho thuê, cho mượn, góp vốn, liên doanh, liên kết, hợp tác không đúng quy định; diện tích đất có tranh chấp, lấn, chiếm... 

Cùng với đó, báo cáo hiện trạng quản lý, sử dụng đất nêu rõ thời hạn sử dụng đất (thời hạn lâu dài, thời gian sử dụng đất còn lại); diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất; diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, trong đó nêu rõ lý do chưa được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và kiến nghị.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần, Bộ TN&MT yêu cầu các đơn vị lập phương án sử dụng đất, thể hiện rõ các nội dung: Tình hình hiện trạng quản lý, sử dụng đất bao gồm cả đất của các đơn vị sự nghiệp công lập cấp dưới, doanh nghiệp do đơn vị sự nghiệp công lập sở hữu 100% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi.

Trên cơ sở hiện trạng quản lý, sử dụng đất, các doanh nghiệp nhà nước đề xuất so sánh, đối chiếu phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa; đề xuất phương án sử dụng đất gồm: Tổng diện tích, số lượng thửa đất đề nghị giữ lại sử dụng (trong đó thể hiện rõ diện tích, loại đất, hình thức sử dụng, thời hạn sử dụng đất của từng thửa đất đề nghị giữ lại sử dụng tại từng xã, phường, thị trấn)..

Sắp tới dự thảo đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025" được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt sẽ là cơ sở để tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
  

Đọc thêm