Mới 12 tuổi, song Satang (đến từ Thái Lan) đã phải bươn trải trên đường phố để kiếm tiền chi trả học phí và chăm sóc người cha bại liệt. Khi thì em đi nhặt rác, lúc lại đi bán vài mớ rau. Nhìn vào hoàn cảnh của em, ai cũng cảm thấy xót xa.
|
Tuổi thơ của Satang gói gọn trong những tháng ngày vất vả, lo toan cho cuộc sống. Ảnh: Poramet Misomphop. |
Bi kịch bất ngờ ập đến
Cách đây 5-6 năm, cha Satang - ông Narin Arunwong - là người đàn ông 38 tuổi thành đạt, có gia đình hạnh phúc gồm một vợ và 2 con. Là nhà thầu xây dựng, công việc của ông Arunwong khá thuận lợi cho đến khi tai họa ập đến, ông rơi từ tầng ba của công trình xây dựng, bị bại liệt và hoàn toàn mất khả năng lao động.
Từ ấy, cuộc sống của gia đình Satang trở nên khó khăn hơn, khi trụ cột gia đình là cha trở thành kẻ tàn phế. Mọi gánh nặng đặt lên vai người mẹ trong suốt khoảng thời gian sau đó. Nhưng hạnh phúc chẳng đến với ông Arunwong khi 2-3 tháng sau, vợ ông có ý định bỏ đi, mang theo cả hai đứa con nhỏ.
Lúc đó, Satang mới 7 tuổi. Nhưng cô bé dường như hiểu mọi chuyện, nói với mẹ: "Con có thể ở lại với cha được không ạ? Cha đang ốm, mẹ đi rồi, ngay cả con cũng đi nữa, ai sẽ là người chăm sóc cho cha đây?".
Mẹ mang em gái đi khỏi nhà từ hôm ấy. Còn Satang lựa chọn ở lại, không ngại khó, sợ khổ mà chăm lo tận tình cho cha.
|
Cô bé Satang dũng cảm một mình ở lại bên người cha tàn phế. Ảnh: Poramet Misomphop. |
Cuộc sống muôn vàn khó khăn
Ở độ tuổi 12, khi bạn bè đồng trang lứa vô lo, vô nghĩ, được vui chơi nô đùa thỏa thích, ăn học đầy đủ, Satang lại phải lo toan cho cuộc sống của mình và cha.
Satang sống trong căn nhà ẩm thấp tạm bợ, đầy mùa hôi thối tại quận Bangpoo, tỉnh Samut Prakan. Căn nhà trơ trọi, chẳng có lấy thứ gì đáng giá. Trong căn phòng ấy, thứ tỏa sáng lấp lánh nhất chính là lòng hiếu thảo của cô bé Satang dành cho cha.
Suốt 5 năm qua, để có thể trang trải cuộc sống, Satang phải lục lọi những bãi rác thải, tìm kiếm phế liệu có thể bán được hoặc đi bán rau trong chợ. Cứ mỗi ngày làm việc chăm chỉ như vậy, cô bé kiếm được 50-100 baht (khoảng 34.000-68.000 đồng).
Với số tiền ít ỏi như vậy, sao có thể đủ lo biết bao nhiêu chi phí, nào tiền nhà, tiền ăn, tiền điện nước, học phí, tã giấy cho cha...?
|
Satang không có tuổi thơ hồn nhiên vô tư như bạn bè đồng trang lứa. Ảnh: Poramet Misomphop. |
Cuộc sống khó khăn như thế, chắc chắn có lúc Satang cảm thấy mệt mỏi, tủi thân. Nhưng dù có buồn thế nào, khi về đến nhà, cô bé vẫn nở nụ cười với cha mình. Em không muốn thấy cha lo lắng, không muốn để cha thấy em khóc.
Satang chia sẻ: "Khi cha hỏi em có mệt không, kể cả khi em có mệt thật em vẫn sẽ nói dối rằng con vẫn ổn".
May mắn mỉm cười
Câu chuyện của Satang được lan tỏa tới mọi người nhờ bài viết trên Facebook của anh Poramet Misomphop - một nhà hảo tâm chuyên đi giúp đỡ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Qua bài đăng cảm động, anh Poramet kêu gọi cộng đồng mạng Thái Lan chung tay giúp đỡ. Chỉ sau 5 ngày, quỹ của anh đã quyên được 1 triệu baht tặng cho gia đình cô bé hiếu thảo Satang.
|
Anh Poramet tới tận nơi thăm gia đình nhỏ của Satang. Ảnh: Poramet Misomphop. |
Nhận được hỗ trợ, nhưng Satang vẫn cố gắng hết sức để chăm lo cho cha bằng chính sức lực của mình.
Trang Buriram Times gọi trường hợp của cha con Satang là cổ tích giữa đời thực, một câu chuyện đẹp về tình phụ tử mà nhân vật chính là cô bé Satang dũng cảm vượt lên mọi khó khăn, chấp nhận đánh đổi cả tuổi thơ vì thương cha.