Không gì hơn mái nhà yêu thương cho trẻ mồ côi

(PLVN) - Sau những ngày hối hả chống dịch và tiếp sức chống dịch ở những địa phương trọng điểm, cả nước giờ đây choáng váng trước con số hàng ngàn trẻ mất cha mẹ. Còn vấn đề nào khẩn cấp hơn nữa vào lúc này! Còn gì khẩn cấp hơn là mang đến tình thương và chỗ dựa cho những đứa trẻ đang rất buồn đau và hoang mang vào lúc này…
Nỗi đau không gì khỏa lấp của trẻ mồ côi mất cha mẹ đột ngột trong đại dịch.

Cú sốc và khoảng trống còn mãi

Gần hai năm qua, chúng ta thường xót xa khi nghe tin về những mất mát mà đại dịch COVID-19 gây ra cho người dân nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng dù sao đó vẫn là cảm giác xa xôi và mơ hồ. Làn sóng dịch thứ 4 của đại dịch ập đến Việt Nam và giờ đây đau thương và mất mát hiển hiện với tin tức hàng ngày về số ca nhiễm mới, số ca trở nặng và số người tử vong, để lại những đứa trẻ đột ngột bơ vơ…

Trước đó, chia sẻ với báo giới, ông Trương Gia Bình, doanh nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đã quyết định xây dựng trường nội trú để nhận nuôi dạy 1.000 trẻ em mồ côi cha mẹ vì dịch COVID-19. Số tiền mỗi năm dự kiến là khoảng 84 tỷ đồng, trường sẽ nuôi dạy các cháu đến 20 tuổi.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia cũng như các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng, giải pháp cuối cùng mới là đưa các em tới môi trường tập trung, khi các em không còn người thân hoặc không có ai nhận nuôi.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐ-TB&XH nhận định, về góc độ tiếp cận quyền trẻ em, trẻ em được chăm sóc tốt nhất là ở môi trường gia đình bởi chính cha mẹ, người thân thích. Quyền rất đặc thù của trẻ em (khác với người trưởng thành) là được sống trong môi trường gia đình và các con chỉ phát triển tốt nhất, hài hòa nhất trong môi trường gia đình, bởi chính cha mẹ và người thân thích, ruột thịt của mình…

Trong trường hợp trẻ em mất đi môi trường gia đình (mất cả cha, mẹ) hoặc không thể sống với cha mẹ, thì cần cho các em một gia đình khác thay thế để các em được chăm sóc bởi người thân thích còn lại của các em, hoặc một gia đình nhận chăm sóc các em.

Đồng quan điểm, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) bày tỏ: “Tất cả chúng ta, không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh các cháu bé đột ngột mất đi bố/mẹ hoặc cả hai, chỉ trong thời gian ngắn. Với bản thân trẻ, các em đang rất đau khổ vì bố mẹ “rời đi” là đi luôn, không kịp một lời từ biệt, nhắn nhủ! Bố mẹ ra đi, mang theo cả tình thương yêu cho các con đi mất! Trước những cú sốc kinh khủng này của hàng nghìn trẻ em, nhà nước khó có thể lo ổn thỏa cùng lúc. Còn gì khẩn cấp hơn là mang đến tình thương và chỗ dựa cho những đứa trẻ đang rất buồn đau và hoang mang, khi người thân của các em ra đi mãi mãi”…

TS Khuất Thu Hồng xót xa khi nghĩ tới nỗi đau mất cha mẹ và những trải nghiệm bị cách ly, phải vật lộn với những thiếu thốn trong những ngày đại dịch vừa qua hoặc phải chứng kiến cha mẹ ra đi ngay trước mắt, chắc chắn đã để lại những vết thương sâu sắc trong tâm hồn và những hậu quả lâu dài về tâm lý của các cháu.

Đó là chưa kể đến việc các cháu có thể gặp phải những nguy cơ bị lợi dụng, lạm dụng, xâm hại, bóc lột, thậm chí là trở thành nạn nhân của những đường dây mua bán người. Chúng ta không hành động ngay thì nhiều cháu sẽ có thể bị đói, bị thất học, bị bạo hành… Đó sẽ là vấn đề xã hội lớn.

“Tôi rất ngưỡng mộ ông Trương Gia Bình về sáng kiến này. Dù ngôi trường dành cho 1000 cháu mồ côi do COVID-19 của ông có thể chưa phải là mô hình tối ưu với tất cả các cháu. Nhưng chính sáng kiến của ông đã khiến chúng ta nhận ra rằng chúng ta không thể để bị nhấn chìm bởi nỗi đau mà phải hành động ngay. Tôi tin là ông Bình, nếu vẫn tiếp tục theo đuổi mô hình này thì sẽ có những kế hoạch cụ thể và linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh của từng cháu.

Ví dụ, các cháu ở độ tuổi cuối cấp 2 và cấp 3 có thể thích hợp cho mô hình này hơn là các cháu nhỏ. Nếu có một mái trường như thế, tôi mong nó sẽ còn là mái nhà cho các cháu. Nếu các cháu vẫn còn ông bà nội ngoại hoặc những người ruột thịt khác có đủ khả năng chăm sóc các cháu thì nên động viên và hỗ trợ về vật chất để họ nuôi các cháu.

Đối với các cháu không có nơi nương tựa đáng tin cậy thì nên kêu gọi những người có điều kiện nhận các cháu làm con nuôi. Gia đình với cha mẹ, anh chị em, là môi trường tốt nhất cho các cháu, nhất là các cháu nhỏ”.

Chính sách đi cùng ưu tiên trẻ sống với người thân!

Tại phiên thảo luận của Quốc hội tại tổ vừa qua về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã thông tin về chính sách hỗ trợ 2.580 trẻ em mồ côi do dịch COVID-19. Theo số liệu thống kê, trong số đó có 2.500 em là mồ cha hoặc mẹ, còn lại 80 cháu là mất cả cha lẫn mẹ. Cảm thông trước tình cảnh của những trẻ em thiếu may mắn, nhiều doanh nghiệp thể hiện mong muốn bảo trợ các cháu “với tấm lòng tốt, trong sáng, muốn thành lập các cơ sở nuôi dưỡng riêng”, ông Dung nói, điều này rất hoan nghênh nhưng không khuyến khích. Điều mong muốn trước tiên và lớn nhất cho các cháu, là người thân của gia đình sẽ nuôi dưỡng. Vì gia đình là tất cả đối với các cháu.

"Đối với trẻ em, gia đình là tất cả. Sự giúp đỡ, hỗ trợ của doanh nghiệp như xây trường nuôi dạy tập trung cho trẻ em mồ côi do dịch COVID- 19 chỉ là giải pháp cuối cùng”

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các cháu không còn bố mẹ thì còn ông bà, người thân, không nữa thì có trách nhiệm Nhà nước - có các chị phụ nữ, “gia đình mái ấm”… cuối cùng không thể nữa thì các cháu mới vào các cơ sở bảo trợ xã hội.

Ngoài ra, ông cũng cho biết có một số tổ chức quốc tế xin đỡ đầu toàn bộ 80 cháu mất cả cha lẫn mẹ do đại dịch. Tuy nhiên, bản thân ông Dung cho biết ông không đồng ý với việc này, mặc dù rất khuyến khích các tổ chức quốc tế hỗ trợ vật chất, tiền bạc cho các cháu.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết thêm, chính sách với trẻ em mồ côi của Việt Nam hiện nay thuộc diện chính sách cao nhất trên thế giới. Chính sách cho trẻ em của Việt Nam (Nghị định 20) đã có hiệu lực từ 1/7/2021, thì chính sách với trẻ mồ côi của chúng ta là cao - 1,8 triệu/tháng bao gồm người nuôi dưỡng 900.000 đồng, trẻ em 900.000 đồng, tổng là 1,8 triệu. Trong khi đó trẻ em đang được nuôi dưỡng ở hệ thống SOS quốc tế hiện chỉ có 540 nghìn đồng/tháng).

Bộ trưởng Dung cũng cho biết ngày 22/10, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã trực tiếp hỗ trợ tiền mặt cho các cháu mồ côi cha hoặc mẹ số tiền 5 triệu đồng; với các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng bằng tiền mặt, bằng sổ tiết kiệm để hỗ trợ các cháu ăn học..

Liên quan đến việc trẻ em chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19, tại nhiều hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhất quán quan điểm, cố gắng cao nhất và mong muốn gia đình người thân phải là ưu tiên đầu tiên cho trẻ nhỏ: “Đối với trẻ em, gia đình là tất cả. Sự giúp đỡ, hỗ trợ của doanh nghiệp như xây trường nuôi dạy tập trung cho trẻ em mồ côi do dịch COVID- 19 chỉ là giải pháp cuối cùng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, về cơ bản, chính sách hỗ trợ hiện nay khá đầy đủ, nhưng về lâu dài cần hỗ trợ các em và gia đình, đại diện chăm sóc các em về mặt sinh kế để các em có cuộc sống ổn định. Chính quyền địa phương cần triển khai ngay những quy định về mặt pháp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, đỡ đầu các em trong thời gian dài hơn. Các thủ tục về chăm sóc thay thế, nhận đỡ đầu cho trẻ em phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Cùng với đó, đối với nhóm trẻ em mồ côi do COVID-19 là nhóm trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội do hoàn cảnh giãn cách xã hội kéo dài, không có người thân thường xuyên chăm sóc nên cần có sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ngoài quy định chung đối với các trẻ em mồ côi theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Đồng thời, chính sách này được thực hiện cùng với Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chương trình “Nối vòng tay thương” của Trung ương Đoàn và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng chung tay, mong phần nào xoa dịu những mất mát quá lớn mà các em đột ngột phải đối diện…

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: Không nên để các em rời môi trường quen thuộc lúc này!

Do yếu tố dịch bệnh, các em không có những giây phút cuối bên cạnh người thân yêu và cũng không có thời gian để “đón nhận” hay “điều chỉnh” tâm lý. Sự trống vắng và xa cách vòng tay thân yêu một cách đột ngột không một lời giã từ là một khoảng trống mênh mông mà khó có biện pháp nào lấp đầy được trong một thời gian ngắn. Sự hụt hẫng, hoang mang cũng như những khó khăn về cuộc sống trong căn nhà trống rỗng mà các em chưa từng được học cách đối phó có thể khiến cho các em tê liệt về cảm xúc và xuất hiện sự ám sợ.

Do đó, việc đưa các em mồ côi, mất người thân do COVID-19 vào các trung tâm bảo trợ xem ra là hợp lý, nhưng lại không hợp tình, hay nói khác đi là có thể còn gây thêm cho các em một tổn thương mới. Vì thế, từ lâu ở một số nước tiên tiến, giải pháp “Gia đình hỗ trợ” hay “Bố mẹ nuôi với sự trợ giúp của xã hội” được xem như tối ưu.

Giải pháp này nếu đứng về mặt tâm lý thì tốt cho các em, còn về mặt kinh tế thì tốt cho chính quyền.

Như vậy, nếu có thể thì nên sắp xếp cho các em được ở lại ngôi nhà của mình, hay có được sự chăm sóc của những người hàng xóm trong một thời gian “trung chuyển” ít nhất là 6 tháng - 1 năm trước khi chuyển vào các cơ sở xã hội hay có một gia đình nhận nuôi dưỡng.

Gia đình đó, có thể là họ hàng hay xa lạ, nhưng xem các em như con cái trong nhà. Đồng thời, các em cần có sự bảo trợ của Nhà nước về ăn học.

Về lâu dài, các em rất cần những nhân viên xã hội có thể định kỳ hàng tuần đến chăm sóc, hỏi han, hướng dẫn cho các em các kỹ năng sống thiết yếu. Họ sẽ cùng với các em trải qua những hoạt động dọn dẹp, nấu nướng trong căn nhà của trẻ. Điều đó sẽ tạo cho các em một chỗ dựa tinh thần, thay thế phần nào chỗ dựa mà các em đã mất đi một cách đột ngột...

Đọc thêm