Cơ bản đồng tình với Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS), nhưng một số ý kiến cho rằng các quy định cần cụ thể hơn để xác định rõ phạm vi sửa đổi, bổ sung cũng như loại bỏ những hành vi “phi hình sự” hiện nay.
Không nhất thiết xử lý hình sự hành vi cho vay nặng lãi
Lấy ví dụ về tội cho vay nặng lãi, ông Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) nhận định, mục đích của nhà làm luật quy định tội này nhằm trừng trị hành vi cho vay nặng lãi kiểu “tín dụng đen”. Tuy nhiên, cần hiểu cụ thể hơn về “tín dụng đen” như là một hiện tượng xã hội tồn tại trong bất cứ xã hội nào, đồng thời ở góc độ nào đó nó cũng đáp ứng nhu cầu cấp bách về vốn của người dân.
“Mặt khác, đối với hành vi cho vay nặng lãi hoàn toàn có thể triệt tiêu bằng giải pháp phi hình sự khác, ví dụ như tạo điều kiện thông thoáng trong việc tiếp cận vốn ngân hàng về thủ tục, điều kiện cũng như thời gian… thì hành vi này không có cơ sở để tồn tại. Bên cạnh đó, chúng ta đã có cơ chế khởi kiện trong dân sự đối với giao dịch cho vay, trong đó Toà án sẽ tuyên bố vô hiệu các giao dịch vi phạm về lãi suất thì không nhất thiết phải xử lý hành vi này bằng biện pháp hình sự” - ông Hưng cho biết.
Vì thế, ông kiến nghị cần quy định theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng đối với hành vi cho vay lãi nặng. Theo đó, chỉ tội phạm hóa hành vi cho vay lãi nặng đối với những người nào trong một hợp đồng hoặc các giao dịch pháp lý khác mà lợi dụng tình trạng quẫn bách, sự nhẹ dạ cả tin của người khác để cho vay lãi nặng.
Góp ý về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người đủ 14 tuổi đến 16 tuổi đối với tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (khoản 2 Điều 12), GS.TS. Trần Ngọc Đường (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) bày tỏ đồng tình với việc xử lý hình sự đối với trẻ em từ 14 đến 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Giải thích rõ hơn, ông Đường cho biết, mặc dù BLHS 2015 đối với 3 tội cố ý gây thương tích, tội hiếp dâm, tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản, trẻ vị thành niên từ đủ 14 - 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự cả về tội phạm ít nghiêm trọng để đáp ứng đòi hỏi đấu tranh phòng chống tội phạm với 3 loại này. Tuy nhiên, để đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với trẻ em nói chung phải sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp từ giáo dục, quản lý, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội chứ không nên tuyệt đối hóa các biện pháp hình sự.
Cần bổ sung tội ấu dâm, tội dâm ô đồng tính
Lấy dẫn chứng từ số liệu của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), bà Nguyễn Thanh Cầm (Trưởng ban Chính sách pháp luật T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) lo lắng trước thực tế hiện nay các tội phạm xâm phạm tình dục phụ nữ, nhất là xâm hại tình dục trẻ em gái đang có xu hướng gia tăng và đáng báo động, gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cho nạn nhân, gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, phần lớn dư luận xã hội hiện nay vẫn cho rằng xâm hại tình dục là vấn đề nhạy cảm, nhiều gia đình nạn nhân vì giữ gìn danh dự, tương lai cho con hoặc bị đe dọa nên không tố giác tội phạm hoặc tố giác rồi lại thương lượng, hòa giải rút đơn kiện. Trong trường hợp đó, người thực hiện hành vi phạm tội được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Đặc thù của loại tội phạm này thường diễn ra nhiều lần, với nhiều người nếu không xử lý kịp thời hoặc không được xử lý thì đối tượng sẽ tiếp tục thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, đề nghị không áp dụng biện pháp hòa giải, thương lượng đối với các tội phạm xâm hại tình dục để tránh bỏ lọt tội phạm gây bức xúc cho xã hội” - bà Cầm đề nghị.
Cùng quan điểm, Luật sư (LS) Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam nêu rõ, đối với nhóm các tội về xâm hại tình dục (tại Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146), hiện BLHS 2015 đang mở rộng hành vi phạm tội về các nhóm tội này nhưng chế tài vẫn giữ nguyên khung hình phạt là không phù hợp.
“Tội hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi thực tế hiện nay đang xảy ra ở nhiều lứa tuổi, nhiều mối quan hệ gia đình, xã hội. Tuy vậy, Bộ luật không quy định chi tiết sẽ dẫn đến bỏ sót hành vi xâm hại cần trừng trị. Vì vậy cần quy định cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn chi tiết khoản 2 Điều 19 và các tội thuộc nhóm này. Bên cạnh đó, hiện nay tội phạm ấu dâm, tội dâm ô đồng tính, chưa được quy định trong luật, cần bổ sung để Luật theo kịp thực tiễn xã hội” - Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam đề xuất.
Ngoài ra, các đại biểu cũng bày tỏ không ít băn khoăn về các quy định về an toàn thực phẩm. Theo bà Trương Thị Hồng Hà (Ban Cải cách tư pháp T.Ư), an toàn thực phẩm là vấn đề của toàn xã hội, hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng là hành vi xâm phạm trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của toàn xã hội. Loại tội phạm này phải quy định hình phạt nghiêm khắc nhất, song Điều 317 BLHS quy định hình phạt cao nhất là 20 năm tù đối với tội phạm này là chưa thỏa đáng, chưa tương tương xứng với hậu quả xảy ra.
Không chỉ vậy, việc quy định về hậu quả sẽ dẫn đến khó chứng minh trong quá trình giải quyết vụ án vì hậu quả của loại tội phạm này không thể phát hiện ngay được mà sau thời gian dài (từ 5 - 10 năm) mới phát sinh, hơn nữa là các loại bệnh nặng. Đây là vấn đề được đặt ra đòi hỏi quá trình sửa đổi bổ sung BLHS 2015 phải quan tâm.