Ngờ vực về tiền ảo, lỗ hổng cho lừa đảo
Bà Oanh cho biết, việc giao dịch bằng đồng tiền ảo diễn ra phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Tại nước ta, sàn giao dịch Bitcoin Việt Nam ghi nhận 1.692 thành viên, các thành viên thường xuyên tham gia lưu thông và sử dụng đồng bitcoin, onecoin, swisscoin… Theo thống kê của các trang web nổi tiếng trên thế giới, số lượng người Việt Nam quan tâm đến tiền ảo luôn thuộc top đầu. Có thể nói, trong thực tiễn, việc trao đổi, mua bán tài sản, dịch vụ bằng tiền ảo diễn ra hàng ngày, không ngừng phát triển và là một thực tế khách quan.
Có điều, việc tranh chấp giữa các bên liên quan hoặc hành vi trộm cắp tiền ảo đang là những tồn tại phát sinh mà chưa được xem xét và điều chỉnh bởi một cơ chế pháp lý phù hợp. Bởi theo bà Oanh, về mặt pháp lý, ở Việt Nam chưa có một văn bản pháp luật nào quy định hay điều chỉnh về tiền ảo.
Trước thực tế sôi động thì việc thiếu quản lý và không rõ ràng trong luật pháp đã làm cho thông tin về tiền ảo trở nên mơ hồ, để xảy ra tình trạng tồn tại những quan điểm ngờ vực về tiền ảo và tạo ra các lỗ hổng cho những mô hình lừa đảo. Điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu cho sự phát triển của nền kinh tế, xã hội, gây thất thoát thuế, mang lại những rủi ro lớn cho nhà đầu tư và những người sử dụng tiền ảo.
Tổng hợp các định nghĩa khác nhau hiện nay, bà Oanh mạnh dạn trình bày một khái niệm về tiền ảo: “Tiền ảo là một sản phẩm có giá trị tồn tại dưới hình thức kỹ thuật số được phát hành bởi một cá nhân hoặc tổ chức, không phải là đồng tiền pháp định do Chính phủ của một quốc gia phát hành, có giá trị sử dụng trong cộng đồng mạng hoặc có thể được sử dụng để thực hiện việc trao đổi, thanh toán với các loại hàng hóa, dịch vụ khác”.
Bên cạnh đó, qua nghiên cứu các quy định pháp luật và thực tiễn về tiền ảo ở Việt Nam cũng như tham khảo các bài học kinh nghiệm của pháp luật các nước về tiền ảo, bà Oanh đã đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiền ảo tại Việt Nam.
Cụ thể, pháp luật Việt Nam cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới (đó là tài sản kỹ thuật số). Việt Nam chưa nên công nhận tiền ảo là tiền hay phương tiện thanh toán bởi các điều kiện hiện nay khó đảm bảo an ninh tiền tệ, ngăn chặn những hạn chế và rủi ro xảy ra. Đồng thời, cần coi tiền ảo là một loại tài sản đặc biệt lưu thông có điều kiện; cần tiến tới thu thuế đối với các hoạt động liên quan đến tiền ảo; cho phép và kiểm soát các hoạt động phát hành cho công chúng (ICO) đối với tiền ảo; cho phép thành lập và kiểm soát các sàn giao dịch tiền ảo.
Cần làm rõ mối quan hệ giữa tiền ảo với tiền mã hóa
Bàn về khái niệm tiền ảo mà bà Oanh trình bày, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương khẳng định, các nước trên thế giới đều đã thống nhất tiền ảo không phải là tiền pháp định, những tranh luận quanh tiền ảo là có chấp nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán, là chứng khoán hay hàng hóa, khi lưu thông tiền ảo thì giao dịch nào hợp pháp, giao dịch nào không hợp pháp. Ông Cương thông tin, trên thế giới chỉ có khoảng 5 – 6 nước cấm hoàn toàn tiền ảo, còn lại rất quan tâm nghiên cứu, điều chỉnh tiền ảo nên cần phải tham khảo để định danh và xác định bản chất của tiền ảo.
PGS.TS Dương Đăng Huệ quan niệm tiền ảo là sản phẩm của văn minh, nếu hiện không quản được thì phải tìm cách chứ không nên cấm cản. Theo ông Huệ, cho đến nay tiền ảo chưa được công nhận là tài sản ở Việt Nam, nhưng tới đây cần công nhận thì hệ quả là gì, xử lý ra sao như cần sửa luật và sửa những luật nào, đưa ra được cơ chế quản lý mới phù hợp.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng lo ngại sự chưa rõ ràng hiện nay về tiền ảo đã dẫn đến tình trạng lợi dụng của một số đối tượng để lừa đảo. Vì vậy, Thứ trưởng đánh giá cao tính mới, có giá trị lý luận và thực tiễn của đề tài trong bối cảnh mà Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ nghiên cứu khung pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa tiền ảo với tiền mã hóa, cập nhật thêm một số thông tin, cách xử lý của các nước, làm sâu sắc hơn một số kiến nghị mới đang dừng ở mức nêu vấn đề, chưa rõ luận cứ khoa học…