Không nhãn mác, rượu quê sẽ bị khai tử?

 

Luật hóa để quản lý vì tính mạng và sức khỏe người dân là cần. Nhưng còn một thứ cần không kém, ấy là những nét văn hóa độc đáo, là cuộc sống của bao làng nghề, là những đặc sản  vùng miền… đều phải được tính toán, cân nhắc một cách bài bản và khoa học…

Ở các làng quê, nhất là vào lúc ma chay, cưới hỏi thì những chai rượu "nút lá chuối" không nhãn mác là "món" không thể không có. Đây được coi là một nét văn hóa gần như khó thay đổi. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Chính phủ mới ban hành Nghị định về sản xuất, kinh doanh rượu, theo đó yêu cầu tất cả các loại rượu đều phải có nhãn mác và việc sản xuất rượu phải có giấy phép.

Rượu ngô - thức đặc sản làm nên thương hiệu Bắc Hà
Rượu ngô, đặc sản làm nên thương hiệu Bắc Hà

Rượu quê cũng phải có nhãn

Nghị định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày mồng 1 Tết dương lịch năm nay. Nghị định  quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất; khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.

Như vậy, tất cả các loại rượu “quê” được nấu thủ công và đang bán công khai, phổ biến ở mọi vùng miền trên cả nước sẽ bị xử lý, nếu không làm thủ tục xin giấy phép sản xuất, gắn nhãn mác…

Tuy nhiên, đến thời điểm này thì ở những nơi sản xuất rượu quê như một mặt hàng đặc sản địa phương thì chẳng ai biết thông tin này. Và rượu vẫn bán một cách vô tư như không hề tồn tại Nghị định 94.

Luật khó vượt qua lệ

Tôi vừa ở một phiên chợ Bắc Hà, rượu ngô đặc sản xứ này vẫn “chảy như sông” ngoài chợ. Lên Bản Phố, hỏi nhà già Lý Seo Hồ ai cũng biết, già Hồ nấu rượu nổi tiếng cả mấy chục năn nay. Hỏi già có biết tin này không, già Hồ nói: “Không biết đâu, nấu rượu ngô từ mấy đời nay rồi, và vẫn cứ nấu để tiếp khách, ai mua thì vẫn bán thôi…”.

Về chất lượng và an toàn thực phẩm thì đúng là có nhiều nơi sản xuất rượu không đảm bảo, và là nguyên nhân gây ngộ độc, thậm dẫn đến tử vong cho nhiều người. Bằng chứng là con số thống kê tính tới giữa tháng 12/2012, ở nước ta ngộ độc rượu ở nước ta chiếm khoảng 3,5%, số người tử vong do ngộ độc rượu chiếm tới 26% trên tổng số người tử vong vì ngộ độc thực phẩm nói chung. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Nghị định 94. Tuy nhiên, cạnh đó thì vẫn còn những nơi sản xuất rượu đặc sản, vẫn ngon và vẫn đảm bảo an toàn.

Và một nét văn hóa gần như khó thay đổi ở các làng quê, nhất là vào lúc ma chay, cưới hỏi thì rượu quê không nhãn mác là thứ có thể nói là không thể không có. Nhất là trong các dịp Tết cận kề thế này thì lượng rượu quê đặc sản được sản xuất nhiều hơn. Cạnh đó cũng có cả những làng nghề truyền thống cũng chuyên sản xuất những thứ “quốc hồn quốc túy” này.

Vậy luật hóa nó để quản lý vì tính mạng và sức khỏe người dân là cần. Nhưng còn một thứ cần không kém, ấy là những nét văn hóa độc đáo, là cuộc sống của bao làng nghề, là những đặc sản  vùng miền..., đều phải được tính toán, cân nhắc một cách bài bản và khoa học.

Làm sao cho tất cả các sản phẩm rượu quê ấy tồn tại và lưu thông nhưng phải đảm bảo an toàn thực phẩm để người dân vẫn “nhẩn nha đôi chén rượu quê”, ấy mới là Luật đi vào cuộc sống mà vẹn cả đôi đường…

Trần Ngọc Hà

Đọc thêm