Không nhất thiết phải có ga ngầm trực tiếp sát Hồ Gươm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến các bộ, ngành, nhân dân về ba phương án hướng tuyến ga ngầm C9 trên tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Tuy nhiên, có ý kiến không đồng tình khi Hà Nội “đẩy” trách nhiệm tư vấn thiết kế vị trí ga ngầm C9 cho người dân.
Hà Nội đang lấy ý kiến các bộ, ngành, nhân dân về ba phương án hướng tuyến ga ngầm C9 (Ảnh minh họa)
Hà Nội đang lấy ý kiến các bộ, ngành, nhân dân về ba phương án hướng tuyến ga ngầm C9 (Ảnh minh họa)

Cụ thể, phương án 1, ga C9 được bố trí kéo ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) và trụ sở HĐND-UBND TP Hà Nội. Ga C9 dài 202,4 m, rộng 15 m, sâu 31 m và có 2 cửa lên xuống. Kết cấu ga cách tòa nhà gần nhất khoảng 3 m, chiếm dụng khoảng 25 m2 đất trụ sở UBND TP để đảm bảo thi công.

Phương án 2 (giữ nguyên như phương án ban đầu đã đề xuất phê duyệt), ga C9 nằm ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, được đặt trước trụ sở EVN Hà Nội, dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm. Ga dài 150 m; rộng 21,4 m và sâu 20 m; đỉnh ga cách mặt đất khoảng 2,5 m. Dự kiến tổng chi phí xây dựng đoạn từ ga C8 đến C10 là 3.870 tỷ đồng.

Phương án 3, bỏ ga ngầm C9 hoặc lùi thời điểm xây dựng sau khi tuyến đường sắt đô thị số 2 đi vào vận hành. Tàu sẽ chạy từ ga C8 đến thẳng C10 giúp thời gian vận hành giảm một phút.

Đánh giá về các phương án, theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), đề xuất cân nhắc phương án 2 (ban đầu) và phương án 3 (bỏ ga C9) nhằm tránh các thủ tục bổ sung phức tạp và điều chỉnh chủ trương đầu tư do chi phí tăng.

Nhưng các ý kiến này cho rằng đã là phương án thì chỉ có một phương án tốt nhất được xác định theo tiêu chí ưu tiên tại thời điểm thiết kế. Đây là trách nhiệm của đơn vị thiết kế không phải trách nhiệm tư vấn của người dân bởi “không phải người dân nào cũng có kiến thức về quy hoạch, xây dựng để đóng góp một cách xác đáng” nên việc đưa ra 3 phương án để lấy ý kiến là không đảm bảo về mặt kỹ thuật.

Các phương án vị trí ga ngầm C9 tại Hồ Gươm.

Các phương án vị trí ga ngầm C9 tại Hồ Gươm.

Kiến trúc sư Trần Hữu Thọ (Giám đốc Văn phòng Gia Mỹ Studio) thẳng thắn cho rằng không phải việc gì lấy ý kiến người dân cũng là tốt, là đem lại hiệu quả, nhất là việc lấy ý kiến đối với vị trí đặt ga ngầm C9 sẽ không có đáp án chuẩn được.

Đồng tình là phương án tốt nhất cho việc đặt ga ngầm C9 sẽ phải do tư vấn thiết kế, Kiến trúc sư Trần Hữu Thọ cho rằng, Hồ Gươm có thể đặt ga ngầm nếu bố trí vị trí hợp lý, thiết kế hài hoà. Còn ngược lại, không nhất thiết phải có ga trực tiếp sát hồ mà miễn sao đảm bảo cự ly đi bộ - đây sẽ là phương án ít ảnh hưởng cảnh quan hơn.

Còn Kiến trúc sư Nông Hải Yến sau khi tìm hiểu về 3 phương án cho biết, chị nghiêng về phương án 1. Theo Kiến trúc sư Yến, vấn đề lớn nhất của phương án này là chi phí, nhưng nếu xét tổng thể về lâu dài, chi phí này không đáng kể so với thời gian sử dụng lên đến hàng trăm năm của hệ thống tàu điện ngầm. Chị không đồng tìn phương án 2 vì vi phạm vào vùng bảo vệ di sản, giá trị văn hoá và lịch sử của Hồ Gươm quá lớn đối với Hà Nội. "nếu chúng ta chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt mà không biết bảo vệ nó là chúng ta có lỗi với hậu thế", nữ Kiến trúc sư nói.

"Còn phưong án 3 không phải là phương án, chỉ là để cái khó lại giải quyết sau vì chúng ta đều biết càng để sau càng khó giải quyết. Lúc đó hệ thống đã xây dựng xong, việc sửa chữa xây thêm là sự chắp vá, manh mún. Trong khi đó, nhược điểm lớn nhất của phương án 3 là quá nhiều vấn đề bị bỏ ngỏ như tuyến đường quá dài, không đảm bảo an toàn, vẫn phải bổ sung thêm đường thoát nạn khi gặp sự cố ở giữa, vẫn không giải quyết được ách tắc giao thông...", chị Nông Hải Yến bày tỏ ý kiến.

Đối với anh Trần Ngọc Hải, tuy không hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng nhưng làm việc trong khu vực hồ Hoàn Kiếm nên anh cũng không tán thành chọn đặt ga ở ngay cạnh hồ Gươm. Theo anh, có thể tính đến vườn hoa rất rộng cạnh quảng trường trước Bảo tàng Lịch sử cho phương án đặt ga ngầm C9. "Ttừ đây đi bộ ra hồ Hoàn Kiếm rất gần, không gian thi công rất rộng, quỹ đất công cộng nhiều không phải đền bù và không ảnh hưởng đến di tích hồ Gươm", anh Hải cho biết.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 là một tuyến quan trọng trong mạng lưới phát triển đường sắt đô thị của TP Hà Nội, có điểm đầu tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).

Theo phương án đã được phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km, trong đó đoạn trên cao 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km, có 3 ga trên cao từ C1 đến C3 và 7 ga ngầm từ C4 đến C10. Tổng đầu tư của dự án hơn 34.670 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.

Tất cả các hạng mục tuyến, Depot và các ga đều đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng. Sau hơn 10 năm phê duyệt dự án, mặt bằng ga ngầm C9 đặt tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm vẫn chưa được thống nhất. Một số bộ, ngành và chuyên gia lo ngại hoạt động xây dựng, vận hành tuyến đường sắt đô thị số 2 ảnh hưởng lớn đến vùng bảo vệ khu di tích hồ Hoàn Kiếm, tác động tiêu cực đến cảnh quan.

Đọc thêm