“Không phải cứ bệnh viện tự chủ là được phép làm mọi thứ”

(PLVN) - Ngày 19/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ của bốn bệnh viện (BV) thuộc Bộ Y tế (Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức, K). Mục tiêu phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của BV; nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân…
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế. Hình: baochinhphu.vn
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế. Hình: baochinhphu.vn

Có một số ý kiến cho rằng việc giao quyền tự chủ cho các BV sẽ gây ra tình trạng phá vỡ y tế tuyến dưới, lo ngại dẫn tới tình trạng lạm thu hoặc tăng giá dịch vụ y tế. Tại tọa đàm “Tự chủ BV: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế, đã nói về những vấn đề này.

Vẫn là BV công, vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ được giao

Theo Nghị quyết 33/NQ-CP, các BV trong diện thí điểm sẽ có những thay đổi khác trước thế nào, thưa ông? Người bệnh sẽ được hưởng những lợi ích gì từ cơ chế này?

- Mục tiêu của Nghị quyết 33/NQ-CP là phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo của các BV, cũng như huy động đội ngũ cán bộ, viên chức các BV này, là những BV hạng đặc biệt có chuyên môn, kỹ thuật rất cao của ngành y để tham gia công tác khám chữa bệnh (KCB) cho nhân dân tốt hơn. 

Giao quyền tự chủ cho các BV theo quy định hiện nay có 4 loại. Với nhiệm vụ chuyên môn: Giao quyền để các BV quyết định quy mô, chỉ tiêu kế hoạch hằng năm, chuyên khoa mũi nhọn, dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người dân. Các BV cũng phải thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới.

Với tổ chức nhân sự: Các BV này được thành lập Hội đồng quản lý (HĐQL) và Ban Kiểm soát; quyết định số cán bộ, nhân viên y tế. Nếu HĐQL thống nhất thì BV có thể thuê Giám đốc điều hành thay vì bổ nhiệm.

Trong đầu tư mua sắm trang thiết bị về tài chính, các BV được áp dụng định mức sử dụng tài sản phù hợp với sự phát triển của mình. Được quyết định một số dự án đầu tư nhóm B, nhóm C. Một số nhiệm vụ trước đây phải có sự phê duyệt của Bộ Y tế sẽ được bàn giao và chuyển quyền này cho HĐQL phê duyệt và được quyết định giá dịch vụ KCB theo yêu cầu trong một số trường hợp theo hướng dẫn của Bộ. Khuyến khích các đơn vị vay vốn, sử dụng vốn xã hội hóa để đầu tư nâng cấp mở rộng cơ sở, đáp ứng nhu cầu người bệnh. 

Về tài chính, các BV được quyết định và sử dụng nguồn tài chính thu được để chủ động cho các hoạt động chuyên môn, hướng tới mục tiêu chăm sóc người bệnh tốt hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ. Các BV tự chủ chi tiền lương theo kết quả hiệu suất lao động của cán bộ, nhân viên.

Tôi nghĩ, nếu thực hiện được Nghị quyết này, với quyền tự chủ mà BV thực hiện đúng, chất lượng KCB và dịch vụ sẽ được nâng lên.

Theo dự thảo “Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp”, Bộ Y tế đang đề xuất, các đơn vị phải tự xây dựng, ban hành nhiều mức giá theo khả năng cung cấp đáp ứng cho người bệnh. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại giá dịch vụ quá cao, như giường bệnh điều trị có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày. Ông lý giải như thế nào?  

- Không phải cứ BV tự chủ là được phép làm mọi thứ. Liên quan đến giá dịch vụ, đúng là người dân lo ngại với việc tăng  giá. Tôi xin khẳng định các BV này được Nhà nước đầu tư ban đầu nên vẫn là BV công, phải hoàn thành nhiệm vụ được giao như KCB cho người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo mức giá quy định chứ không được thu cao hơn, trừ trường hợp khám theo yêu cầu thì BV mới được quyết định mức giá.

Bộ Y tế đã ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn khung xây dựng giá, còn quyết định cụ thể thuộc các BV.

Có một số giá dịch vụ được quy định tối đa để phù hợp với nhiều loại hình BV và các loại hình dịch vụ khác. Ví dụ giá giường bệnh có nhiều mức, loại một phòng, một giường tối đa giá 4 triệu/ngày, hoặc những buồng bệnh có phòng khách, phòng giường bệnh, để đáp  ứng nhu cầu những người có thu nhập cao.  

Trước đây một bộ phận có điều kiện thường phải ra nước ngoài KCB dù họ không muốn, giờ với việc cho phép các BV vay vốn, huy động vốn để đầu tư khu vực KCB theo yêu cầu, mời chuyên gia nước ngoài thì sẽ “giữ chân” những đối tượng này ở trong nước.

Không phải đơn vị nào muốn cũng mở được

Có lo ngại rằng nếu cho phép các BV phát triển các khu điều trị theo yêu cầu thì ảnh hưởng đối tượng khác?

- Về vấn đề này, tôi xin nói như sau: Thứ nhất, giả sử các BV tự vay vốn để đầu tư một khu điều trị mới, theo tôi nên khuyến khích, vì hiện số giường bệnh và cơ sở KCB, đặc biệt diện tích buồng bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu KCB.

Thứ hai, với các đơn vị sử dụng cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư để khám bệnh theo yêu cầu phải tuân theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Trong đó quy định rất rõ, chỉ trong trường hợp các đơn vị đã hoàn thành được nhiệm vụ Nhà nước giao mà còn tài sản không sử dụng đến, dư thừa thì mới được đưa vào hoạt động dịch vụ. Dự thảo Thông tư sắp tới sẽ siết chặt quản lý về vấn đề này. 

Phải quy định rất rõ phải hoàn thành được nhiệm vụ KCB, đặc biệt với cơ sở KCB BHYT. Chúng tôi đang nghiên cứu, báo cáo Bộ ban hành những quy định chi tiết như một phòng khám tiêu chuẩn là bao nhiêu m2, gồm những trang thiết bị gì, một ngày khám tối đa bao nhiêu người.

Với giường bệnh cũng phải quy định một giường bệnh được đặt ở khu vực tối thiểu bao nhiêu m2 để còn có chỗ đi lại. Các đơn vị phải bảo đảm tối thiểu điều kiện diện tích này, còn thừa diện tích mới được làm khu vực điều trị theo yêu cầu. 

Dịch vụ theo yêu cầu không phải đơn vị nào muốn cũng mở được bởi phải theo nhu cầu và khả năng chi trả của người dân. Có những BV mở hàng trăm phòng nhưng không có bệnh nhân. Có những BV chỉ có vài chục phòng nhưng đông bệnh nhân, BV có quyền huy động vốn, vay vốn mở thêm phòng yêu cầu để đáp ứng nhu cầu người dân.

Việc tự chủ hoàn toàn có gây ra tình trạng phá vỡ y tế tuyến dưới hay không thưa ông?  

- Hiện có 4 tuyến y tế, tuy nhiên theo Nghị quyết 19 và Nghị quyết 20, Bộ Y tế đang quy hoạch lại hệ thống y tế theo 3 cấp là cấp chăm sóc ban đầu, chăm sóc cấp 2 và chăm sóc cấp 3. Tự chủ BV hay hoạt động BV chỉ là cái ngọn, cái gốc của chúng ta là y tế cơ sở, làm sao người dân phải được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, được khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật… 

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường phát triển mô hình trạm y tế xã, làm sao chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn, quản lý sức khỏe người dân, thực hiện các hoạt động dự phòng. Khi làm tốt vấn đề này, sẽ giúp giảm tải cho tuyến trên.

Có ý kiến cho rằng, trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính, vẫn chưa rạch ròi công - tư, nên việc huy động vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa để nâng cao chất lượng KCB tại một số BV gặp phải khó khăn, theo ông các BV cần làm gì để giải quyết vấn đề trên?

- Đã gọi là huy động xã hội hóa thì phải có đóng góp của tư nhân hoặc ngoài nhà nước, quan trọng là làm sao phải công khai, minh bạch. Ví dụ dịch vụ theo yêu cầu, BV phải đăng công khai BV đang có những loại dịch vụ nào để người bệnh biết và lựa chọn.  

Đối với việc thu, chi của BV, những khu vực nào vay vốn liên doanh liên kết xã hội hóa cần có hạch toán riêng. Hiện có rất nhiều hình thức xã hội hóa, tùy theo điều kiện các BV. Tôi cho rằng các BV nên vay vốn ngân hàng để đầu tư; còn liên doanh, liên kết trong BV chỉ ở một mức độ nào đó.

Làm thế nào để  BV tự chủ phân định rõ ràng công ra công, tư ra tư?

- Công bằng không phải là cào bằng. Nhờ sự quyết liệt của Quốc hội, Luật BHYT đã được ban hành, 90% người dân đã tham gia BHYT. Ngân hàng Thế giới mới đây cũng có đánh giá về y tế Việt Nam, tỷ lệ người nghèo mắc bệnh không được điều trị y tế thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới, nhờ vào lưới BHYT này.  

Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng y tế cao hơn thì mức đóng phải cao hơn. Cần phải xây dựng gói dịch vụ y tế phù hợp với mức đóng và cần có gói dịch vụ bổ sung. Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho y tế cơ sở, đặc biệt là các cơ sở thuộc vùng khó khăn để phục vụ người dân và thu hút nhân viên y tế cơ sở. 

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm