Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Thượng tá Đỗ Thanh Bình, nhấn mạnh: “Nếu người dân gửi cho chúng tôi những hình ảnh, video vi phạm Luật an toàn giao thông, chúng tôi phải xác minh theo đúng quy định của luật xử lý vi phạm hành chính. Khi có đủ tài liệu để khẳng định vi phạm và lập biên bản thì mới có thể xử lý được”.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) Khuất Việt Hùng, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/8/2016 (thay thế Nghị định 171 và 107 của Chính phủ) có nhiều điểm mới, trong đó mở rộng nhiều mức phạt và nâng cao chế tài với các hành vi vi phạm.
Chứng cứ do người dân cung cấp sẽ là một nguồn để các cơ quan chức năng tham khảo |
Tuy nhiên, việc giám sát của người dân thông qua các hình ảnh, clip vi phạm của những người tham gia giao thông gửi đến cơ quan chức năng để thẩm định, xử lý thì đã có từ trước đó chứ không phải bây giờ mới quy định.
“Ủy ban ATGTQG cũng chỉ đạo nhiều, xử lý nhiều, quy định này không có gì mới trong Nghị định 46. Người dân có quyền và trách nhiệm tham gia bảo vệ pháp luật và quyền chụp hình, ghi hình. Hiến pháp đã quy định người dân có thể làm những gì pháp luật không cấm. Một số cơ quan truyền thông nói đây là quy định mới, là không chính xác”, ông Hùng cho biết.
Ông Hùng cho biết thêm, trong Fanpage của Ủy ban ATGTQG, người dân thường xuyên gửi những clip, hình ảnh các trường hợp vi phạm giao thông cả đường bộ, đường sắt, đường thủy. Dựa trên những thông tin này, Ủy ban ATGTQG sẽ có những đánh giá sơ bộ, sau đó sẽ chuyển cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý.
Điều quan trọng, trước khi xử phạt, cơ quan chức năng phải xác minh độ trung thực của thông tin do người dân cung cấp, nhằm khẳng định những hình ảnh, clip gửi đến là chính xác, không bị cắt dán, không bị dàn dựng để vu khống cá nhân nào đó.
Nói cách khác, những clip này không thể là chứng cứ trực tiếp. “Chính vì thế, luật đã quy định chỉ căn cứ vào các phương tiện nghiệp vụ của cơ quan chức năng có thẩm quyền, dữ liệu gốc… mới tiến hành xử phạt”, ông Hùng nói.
Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) giải thích thêm, hiện không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định clip của người dân cung cấp cho CSGT là căn cứ để xử phạt hành chính.
Tại Điều 79 của Nghị định 46 chỉ bổ sung thêm đơn vị quản lý bảo trì đường bộ, đường sắt được sử dụng trang thiết bị theo đúng quy định của pháp luật, và đó là nguồn cung cấp cho cơ quan chức năng để xử lý vi phạm.
“Nếu người dân gửi cho chúng tôi những hình ảnh, video vi phạm Luật an toàn giao thông, chúng tôi phải xác minh theo đúng quy định của luật xử lý vi phạm hành chính. Khi có đủ tài liệu để khẳng định vi phạm và lập biên bản thì mới có thể xử lý được”, Thượng tá Bình nhấn mạnh.
Cơ quan chức năng phải xác minh tính chân thực của các clip do người dân gửi đến |
Luật xử lý vi phạm hành chính quy định việc xử phạt phải thực hiện theo đúng quy trình, quy định chặt chẽ của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức liên quan. Tóm lại, thông tin “truy xe vi phạm giao thông từ clip của dân” có thể được hiểu là:
Với trách nhiệm trong việc phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức có thể cung cấp cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính những hình ảnh, video clip phản ánh vi phạm TTATGT do quay, chụp được khi tham gia giao thông. Đó có thể được coi là nguồn tham khảo trong quá trình xác minh, thu thập thông tin, làm rõ vi phạm.
Bình luận về vấn đề với quy định này, liệu một số người có “lạm dụng”? Luật sư Tạ Quốc Long (Đoàn Luật sư Hà Nội), nhận định, bất kỳ một công dân nào có cũng có quyền tố giác hành vi vi phạm pháp luật, họ thực hiện chức năng giám sát không chỉ các hoạt động của cơ quan nhà nước mà còn giám sát những hoạt động nói chung của xã hội.
“Cho nên khi họ thực hiện việc cung cấp những hình ảnh, video vi phạm pháp luật giao thông chính là thể hiện trách nhiệm công dân. Đây cũng là việc cả xã hội tuân theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, Luật sư Long nói.
Tuy nhiên, vẫn theo phân tích của luật sư Tạ Quốc Long, phải phân biệt rành mạch quyền và nghĩa vụ của công dân. Nghĩa vụ nắm bắt, xử lý các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông là của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, còn người dân chỉ là phối hợp.
“Vì thế đừng bao giờ đặt vấn đề “phát động toàn dân cung cấp clip vi phạm giao thông”. Không nên cái gì cũng đưa người dân ra để kêu gọi phòng chống”, Luật sư Long nêu quan điểm.
Liên quan đến câu chuyện nên hay không nên trả tiền cho người cung cấp bằng chứng vi phạm như một hình thức trao đổi thông tin. Nhiều ý kiến cho rằng không nên áp dụng hình thức này, bởi trách nhiệm của công dân khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật là phải tố giác một cách “chí công vô tư”. Nếu sử dụng hình thức trả tiền sẽ không bảo đảm tính công bằng, dẫn đến tình trạng “thương mại hóa” việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng lại khẳng định, việc trả thù lao cho người phát hiện vi phạm pháp luật đã được luật hóa. “Nếu người dân cung cấp thông tin và được 1 khoản tiền nhất định thì đã được quy định trong thông tư của Bộ Tài chính”, ông Hùng nói.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, phương tiện, thiết bị dùng trong quá trình thu thập chứng cứ xử lý vi phạm giao thông “trước khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải được duy trì trong suốt quá trình sử dụng và giữa hai kỳ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm”.
Việc sử dụng phương tiện, thiết bị này phải đảm bảo đúng nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Yêu cầu đối với người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ:
a) Là nhân viên của tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt;
b) Nắm vững chế độ quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
c) Được tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan;
d) Thực hiện đúng quy trình, đảm bảo an toàn, giữ gìn, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và chịu trách nhiệm về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ”