“Không thể chấp nhận tư duy đẩy cái khó cho người dân”

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) nói như vậy về việc phạt người đội mũ bảo hiểm dởm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) nói như vậy về việc phạt người đội mũ bảo hiểm dởm.

Người tiêu dùng đang đối mặt với tình cảnh mua phải rất nhiều đồ giả, chứ không chỉ là MBH. (Ảnh minh họa)

Thưa ông, quan điểm của Vinastas như thế nào về việc xửa phạt đối với người đội MBH dởm?

- Tôi có nghiên cứu rất kỹ Luật giao thông đường bộ, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP. Các văn bản này chỉ có quy định hành vi không đội MBH và đội MBH không đúng quy định thì bị phạt VPHC. Tôi không thấy quy định nào về việc người tham gia giao thông bị phạt khi đội MBH giả, không bảo đảm chất lượng.

 

Như vậy, thông tư hướng dẫn dưới luật, nghị định thì không thể đặt ra quy phạm không có trong luật được. Đấy là đứng về lý,

Đứng về tình, hiện, người tiêu dùng đang đối mặt với tình cảnh mua phải rất nhiều đồ giả, chứ không chỉ là MBH. Vậy ai phải chịu trách nhiệm? Trước hết người tiêu dùng họ đã chịu thiệt vì mua phải hàng giả. Nhiều hàng giả liên quan đến sức khỏe, ảnh hưởng nặng nề sản xuất, kinh tế, ai chịu trách nhiệm? Trách nhiệm cơ quan quản lý đến đâu?

Về MBH, không loại trừ một số ít trường hợp đội mũ thời trang, đội mũ để đối phó. Nhưng không thể chấp nhận tư duy cái gì khó đẩy cho dân. Tôi cho không đúng với tư tưởng của Bác Hồ. Tư tưởng của Bác là việc gì lợi cho dân thì khó mấy cũng phải làm, việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh. Cách quản lý với tư duy việc gì khó đẩy cho dân như vậy thì hội chúng tôi không đồng tình. Không thể để tình trạng anh quản lý không tốt, để hàng giả, hàng nhái tràn lan ngoài thị trường rồi lại phạt người tiêu dùng vì sử dụng mặt hàng họ bày bán nhan nhản đó.

Vậy Vinastas  chính thức lên tiếng về việc này như thế nào? Theo ông, hướng xử lý như thế nào?

- Chúng tôi sẽ tiếp cận trực tiếp với thông tư và cũng sẽ có ý kiến. Nhưng tôi thấy rất vô lý. Trong khi MBH giả, nhái đang được bày bàn tràn ngập và công khai khắp phố phường, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương thì tại sao không bắt ở nơi sản xuất, nơi nhập lậu. Mà cơ quan lại quay sang xử phạt người tiêu dùng? Hơn nữa, trong xử lý cũng rất bất cập. Ngay cả công an, tôi thấy nhiều vị cũng khó khăn trong việc thực thi, cần phải trang bị cho họ các thiết bị chuyên dụng để phân biệt thật, giả. Người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi: các anh là cơ quan quản lý nhà nước mà còn không thể phân biệt được thật giả, chúng tôi là người tiêu dùng, làm sao chúng tôi phân biệt được? Về cái tem để phân biệt thật giả, thì cái tem cũng được làm giả, người tiêu dùng đang bị sa vào mê cung thật giả.

Vậy Vinastas “hiến kế” thế nào để người dân đội MBH đúng quy chuẩn?

- Vấn đề chống buôn lậu thế nào, chống hàng giả thế nào? Phải làm từ gốc. Ngay cả việc người ta bày bán tràn lan vỉa hè, cũng không ai bị phạt. Rõ rằng, nhà nước phải tuyên truyền, vận động. Đà Nẵng thực hiện tôi thấy rất hay: mang mũ giả đổi mũ thật. Hoặc Nhà nước chia sẻ với người tiêu dùng. Ví dụ, cái mũ thật trị giá 100 nghìn, thì Nhà nước hỗ trợ người tiêu dùng 1 phần. Nếu làm được điều này, thì thôi cho rằng mũ giả sẽ hết đường sống.

Xin cám ơn ông!

Theo Thông tư liên tịch số 06/2013 của liên bộ KH&CN, Công an, Công Thương và Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe máy, xe đạp máy, xe máy điện, có hiệu lực thi hành từ giữa tháng 4/2013, người đi đường khi đội mũ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ bị xử phạt như đối với hành vi không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách.

Thanh Lan (thực hiện)

Đọc thêm