Xã hội thời gian gần đây thậm chí đã hình thành một nhóm người không nhỏ đổ xô vào đầu cơ bất động sản. Có thể gọi đó là các “nhà đầu tư” nếu xét theo quan niệm kinh tế thị trường; nhưng cũng có thể gọi đó là những đối tượng trục lợi, nếu xét theo quan điểm công bằng xã hội.
Khi một nhóm người có tiền đổ xô đi săn nhà đất, sang tay cho nhau kiếm chênh lệch, kiếm tiền một cách quá dễ dãi; thì giá nhà đất sẽ bị đẩy lên cao một cách bất hợp lý, phi lý; từ đó những người bình thường trong xã hội, những người còn khó khăn về chỗ ở, sẽ rất khó có cơ hội có chỗ ở. Còn với những người nghèo, những công nhân, viên chức, người lao động lương tháng “ba cọc ba đồng) thì giấc mơ một mái nhà có khi là không tưởng.
Khi tiền trên thị trường đổ quá nhiều vào nhà đất và nằm “chết” ở đó thay vì đổ vào sản xuất kinh doanh tái đầu tư thì xã hội cũng không được gì. Chưa nói tới việc các đối tượng đầu cơ mang nhà đất đi thế chấp lấy tiền xoay vòng, ngân hàng cũng không tránh khỏi rủi ro nợ xấu khó đòi. Khi “cơn sốt” đầu tư nhà đất kéo dài, thực tế cho thấy với thuế phí chuyển nhượng nhà đất, thì Nhà nước cũng không thu được nhiều; vì các đối tượng đầu cơ thường khai gian trốn thuế, giao dịch thực giá 10 đồng nhưng khai giá thuế có khi chỉ 1 đồng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 9/2021 từng gợi ý Thanh Hóa nghiên cứu thí điểm chính sách thuế nhà ở tại khu vực đô thị. Việc áp dụng thuế nhà, theo ông Huệ nên áp dụng thí điểm cho chính quyền đô thị lớn. Nếu Thanh Hóa thí điểm thành công thuế nhà ở, sau này có thể nghiên cứu áp dụng cho Hà Nội, TP HCM.
Liên quan việc bổ sung đánh thuế với nhà đất, đầu tháng 3/2022, Bộ Tài chính từng đề nghị các bộ, ngành, địa phương góp ý trong quá trình lấy ý kiến sửa Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Cuối tháng 3/2022, nội dung này cũng được đề cập tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tiếp tục phê duyệt Chiến lược cải cách thuế đến 2030, giao Bộ Tài chính chủ trì chiến lược cải cách thuế theo hướng đảm bảo duy trì tỷ lệ huy động vào ngân sách từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý.
Chiến lược này nêu rõ, với các loại thuế liên quan đến tài sản (gồm cả thuế sử dụng đất nông nghiệp và phi nông nghiệp) sẽ tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025. Nhưng với nhà đất ở, Bộ Tài chính được đề nghị nghiên cứu “theo hướng tăng mức điều tiết với đất và bổ sung thu thuế với nhà” nhằm khuyến khích sử dụng hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất.
Những động thái trên của Đảng, Nhà nước cho thấy đã đến lúc không thể để tình trạng bất bình đẳng, mất công bằng trong lĩnh vực nhà đất tồn tại nhức nhối.