Sau TP.Đà Nẵng, theo thông báo tuyển dụng công chức của một số địa phương, mới đây nhất là Nam Định, nếu người dự tuyển học các hệ dân lập, tư thục hay tại chức thì mặc nhiên ngoài vòng xét tuyển. Quan điểm của Bộ Nội vụ về vấn đề này được Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định sáng qua (3/10): Đây là “câu chuyện kết hợp giữa qui định pháp luật và thẩm quyền, trách nhiệm của người tuyển dụng, sử dụng nhân lực”.
|
Tuyển dụng năng lực thay cho văn bằng
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhìn nhận, cách đặt vấn đề của một số địa phương không tuyển những người theo học hệ tại chức vào công chức (CC) là “đang tìm cách thức để tuyển dụng được đầu vào tốt nhất” mặc dù thừa nhận “thông báo không tuyển dụng những người không được đào tạo hệ chính qui là không đúng qui định pháp luật”.
Với trách nhiệm quản lý Nhà nước về CBCC, trong đó có công tác tuyển dụng, Bộ Nội vụ khẳng định “những qui định hiện hành về tuyển dụng CC viên chức sẽ được áp dụng. Các qui định đó không cấm tuyển dụng những người có bằng tại chức và Luật Giáo dục cũng không phân biệt giá trị bằng cấp của các loại hình đào tạo đại học”. Điều cần xem xét trong vấn đề này là công tác cán bộ chú trọng phẩm chất, đạo đức và cả năng lực, trình độ nên việc tuyển dụng “không nên nhìn vào văn bằng mà quan tâm đến việc người được tuyển dụng có đảm nhiệm được nhiệm vụ được giao”.
Sẽ có ý kiến sửa thông báo tuyển dụng không đúng (!?)
Chia sẻ với quan điểm đó của một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, trong thời gian qua, loại hình đào tạo tại chức tràn lan và không phải mọi người tham gia đều đáp ứng yêu cầu. Vì thế, làm thế nào đào tạo, tuyển được người có năng lực, trình độ thực sự là “câu chuyện kết hợp giữa qui định pháp luật và thẩm quyền/trách nhiệm của người tuyển dụng, sử dụng nhân lực” – ông Trần Anh Tuấn nêu rõ. Bộ Nội vụ cũng đã cử 2 đoàn công tác kiểm tra công tác tuyển dụng ở 1 số Bộ, ngành, địa phương, xác định thông tin và sẽ phối hợp có hướng giải quyết đúng pháp luật để công tác tuyển dụng thực sự góp phần nâng cao chất lượng CC.
Không nêu rõ hướng xử lý trong trường hợp có Bộ, ngành, địa phương không tuyển người đào tạo theo hệ tại chức vào CC, lãnh đạo Bộ Nội vụ nhấn mạnh, “tất cả mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ CC đều phải thực thi pháp luật và chịu trách nhiệm về sai phạm của mình theo mức độ”. Bộ Nội vụ cũng sẽ có ý kiến để các cơ quan tuyển dụng sửa thông báo tuyển dụng không phù hợp với pháp luật nếu có.
Trước đây, ngay sau khi có thông tin về việc Nam Định “nói không” với bằng “tại chức” khi tuyển dụng CC, Bộ Nội vụ đã làm việc với các cơ quan chức năng và có văn bản “nhắc nhở” địa phương không phân biệt các loại hình đào tạo khi tuyển dụng.
Ông Nguyễn Xuân Bình - Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ: Đảm bảo không để tiêu cực trong thi nâng ngạch Ông có thể cho biết điểm mới của hình thức thi nâng ngạch cạnh tranh theo tinh thần Luật CC, VC sẽ tổ chức lần đầu tiên vào năm nay?
- Điểm mới của hình thức thi này là thi có số dư ngay trong các Bộ, ngành, địa phương. Đó là yếu tố để đảm bảo tính cạnh tranh trong thi nâng ngạch, giúp chọn được người có năng lực, trình độ bổ nhiệm vào ngạch tương đương. Bên cạnh đó, năm nay bỏ điều kiện về bậc lương tối thiểu, tạo điều kiện cho tất cả những người đủ điều kiện tiêu chuẩn và năm giữ ngạch thì đều được đi thi nâng ngạch. Tính cạnh tranh (giữa tỷ lệ người dự thi và chỉ tiêu định mức) có tác động đến đội ngũ CC viên chức tham dự kỳ thi, làm tăng cường chất lượng CC viên chức. Cách đây mấy tháng, Ban Tổ chức TƯ đã tổ chức một kỳ thi như vậy. Đó là kinh nghiệm để Bộ tổ chức một kỳ thi nâng ngạch cạnh tranh nghiêm túc, khách quan, công bằng, an toàn, xem xét thận trọng, đúng qui định pháp luật từ khâu chuẩn bị đến khi công nhận kết quả. Nhưng liệu Bộ đã dự liệu “ứng phó” với các hiện tượng tiêu cực trong thi nâng ngạch như (cử “quân xanh” “ quân đỏ” đi thi để tạo số dư, chạy chọt cho đủ chỉ tiêu…)? - Sáng 3/10, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng đã ký Công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương xem xét, cân nhắc, chịu trách nhiệm đối với những người đủ điều kiện tham gia cuộc thi, tạo điều kiện để tất cả mọi người đủ điều kiện tham gia dự thi, không bị hạn chế. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương cử người đi thi phải chịu trách nhiệm về việc cử người đủ điều kiện đi thi, Bộ Nội vụ trong trách nhiệm của mình sẽ xem xét, thẩm định hồ sơ để bảo đảm không có tiêu cực trong việc cử người đi thi. Đồng thời sẽ tăng cường tổ chức tốt kỳ thi. Trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã quyết định thành lập Hội đồng thi và Hội đồng giám sát kỳ thi do 2 Thứ trưởng Bộ Nội vụ phụ trách, tạo thành cơ chế bảo đảm cuộc thi thực sự tốt, khách quan, công bằng, nghiêm túc. Trân trọng cảm ơn ông! H.G (thực hiện) |
H.Giang