Ông Niên sau đó đã không làm đơn nữa thật, cũng không giao nhà đất cho Tràng An Bạc Liêu làm dự án. Lời chán nản thốt lên của ông Niên không chỉ chứng minh tính cách không muốn lằng nhằng đôi co của người miền Tây. Đó còn là hệ quả của việc khi triển khai dự án này, cơ quan chức năng địa phương đã không thực hiện lời hứa với dân, dù trước đó đã cam kết bằng các quyết định, văn bản “giấy trắng, mực đen”.
“Hứa lèo” “tỷ lệ quy đổi 8%”
Nhiều người dân cho biết, năm 2009, khi nhận thông báo chủ trương thu hồi đất cho dự án, họ không phản ứng quyết liệt, vì UBND tỉnh, TP Bạc Liêu, chủ đầu tư cam kết chế độ chính sách bồi thường “khá ổn”.
Như trong Quyết định số 1411/QĐ-UBND ngày 25/6/2009 của UBND tỉnh Bạc Liêu, cam kết bố trí 579 nền tái định cư, trong đó “giao đất ở theo tỷ lệ quy đổi 8% cho các hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi”. Nói cách khác, cứ 1.000m2 đất ruộng bị thu hồi, tỉnh sẽ trả lại 80m2 đất ở cho hộ đó.
Tổng thể khu đất hơn 680 ngàn m2 UBND tỉnh Bạc Liêu giao cho Công ty Tràng An. |
Văn bản UBND tỉnh ban hành, ký tên, đóng dấu đàng hoàng, ai nghĩ tỉnh dám “lời hứa gió bay”. Thế nhưng khi triển khai thực tế, địa phương này đã phớt lờ cam kết.
Ông Thạch Hớn (SN 1950, người dân tộc Khmer, ngụ khóm 1) có 9 người con đã lớn, mấy đời sống tại khu vực, chủ yếu làm ruộng. Tổng diện tích gia đình ông Hớn bị thu hồi là 12.000 m2, gồm cả đất lúa, đất vườn, đất thổ cư có nhà cấp 4, được bồi thường gần 2 tỷ đồng. Nhưng cả đại gia đình với nhiều hộ chỉ được mua… hai nền tái định cư.
“Tui yêu cầu, khiếu nại 10 năm nay họ vẫn không giải quyết. Theo Quyết định 1411 thì tui phải được quy đổi 12.000 m2 này thành ít nhất 960 m2 đất ở, nhưng đâu thấy. Có lần Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu mời tui làm việc. Tui yêu cầu 9 đứa con phải cấp không thu tiền 9 cái nền như đã cam kết. Vị này nói “9 cái thì hơi nhiều nhưng 6 – 7 cái thì được”. Nhưng nói vậy thôi chứ không có văn bản gì, không thực hiện gì”, ông Hớn kể.
Dự án Tràng An Bạc Liêu hiện còn vướng nhiều khiếu kiện, khiếu nại. |
Cùng cảnh ngộ trên là gia đình bà Nguyễn Thị Lại, bị thu hồi, giải toả trắng hơn 5.000 m2. “Họ vận động chúng tôi “cứ nhận tiền rồi khiếu nại sau”. Nay tôi đi hỏi số đất 8% quy đổi thì họ phủi tay, trả lời không có”, ông Nguyễn Văn Tuấn, chồng bà Lại trình bày.
Lâm vào cảnh tương tự là ông Mai Văn Lý (SN 1961, ngụ khóm 1, phường 7), cũng bị thu hồi hết đất ruộng, đất vườn, thổ cư, nhưng không được mua nền tái định cư, không được quy đổi 8%. Ban đầu ông thấy giá đất bồi thường quá rẻ, lại không có chính sách tái định cư nên không đồng ý.
Nhưng ông kể: “Một lần họp dân tại hội trường phường 7, lãnh đạo tỉnh bảo “cứ nhận tiền đi, nếu sau này thấy không hợp lý thì làm đơn khiếu nại”. Sau này, tôi làm đơn khiếu nại, hỏi nền tái định cư, diện tích đất quy đổi 8% thì họ im lặng hoặc bác bỏ đơn. Đi tới đi lui hoài, cuối cùng họ trả lời thẳng là “với ông không có quy đổi đất, không có tái định cư””.
Tính toán bồi thường kiểu tùy tiện, bất minh
Trong quá trình thực hiện dự án này, ở trên cao tỉnh đã “hứa lèo” như vậy, ở cấp cơ sở thì cán bộ tùy tiện áp giá xác định vị trí đất, mập mờ, bất nhất trong tính toán bồi thường. Những bức xúc tích tụ trong lòng nông dân mất đất ngày càng lớn.
Một trong những vô lý là cách xác định vị trí đất thu hồi để bồi thường hỗ trợ và tái định cư. Phần đất nhà ông Lý bị giải toả 954 m2, trên đất có hai căn nhà cấp 4, có mặt tiền đường quy hoạch số 12. Đối chiếu trích lục phương án bồi thường của ông Lý và bảng giá trong thuyết trình dự án thì Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bạc Liêu (BTGPMBCDAĐTXD) đã áp dụng vừa sai vừa tùy tiện.
Cụ thể, mục 6, phần thuyết trình ghi rõ: “Đất thổ cư đường quy hoạch số 12 bồi thường 1,2 triệu đồng/m2, nhưng do chưa hoàn chỉnh nên BTGPMBCDAĐTXD thống nhất giảm 50% còn 600.000 đồng/m2 đất thổ cư. Từ đó tính giá đất nông nghiệp là 360.000 đồng/ m2 (gồm cả 60.000 đồng/m2 hỗ trợ)”. Thế nhưng, thực tế ông Lý chỉ được tính 170.000 đồng/m2, bỗng dưng bị mất 190.000 đồng/m2.
Cơ quan chức năng thực hiện dự án rất cẩu thả, nên mới có chuyện 1 khu đất mà nhiều phương án bồi thường. |
Chưa hết vô lý, trên đất có hai căn nhà nhưng ông Lý không được công nhận một mét vuông đất thổ cư nào. Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 197/2004/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi bị thu hồi đất, dù ông Lý chưa có sổ đỏ nhưng đất đã sử dụng ổn định hợp pháp trước ngày 15/10/1993 thì vẫn được coi như là có sổ đỏ.
Vì vậy, việc không công nhận 300 m2 thổ cư cho ông Lý, áp dụng giá đất nông nghiệp bồi thường toàn bộ với nhà ông Lý là sai luật. Cách tính toán bất hợp lý này cũng bị áp đặt đến nhiều hộ dân sống lâu năm, thậm chí nhiều thế hệ ở đây.
Trong dự án này, còn có việc bồi thường không công bằng, bất minh giữa các hộ. Ông Nguyễn Văn Tuấn trưng ra các bảng tính toán bồi thường, cho hay: “Đất ruộng của tui với hộ bà Trần Ánh Tuyết giáp ranh nhau, sát bên, nhưng giá cả bồi thường thì một trời một vực. Đất nông nghiệp trong hạn mức nhà tui có giá 170.000 đồng/m2, còn bà Tuyết thì 810.000 đồng/m2, gấp đến gần năm lần”.
Ngoài ra, chiếu theo bảng giá trong thuyết minh dự án thì không hề có vị trí đất nông nghiệp nào có giá 810.000 đồng/m2. Vậy việc áp dụng này dựa vào đâu, tại sao có sự chênh lệch đến gần 5 lần như vậy?
Số tiền, phương án bồi thường cũng rối rắm khiến người dân không biết đâu mà lần. Điển hình như ông Trần Hùng Hải có nhiều bảng tính chi tiết giá trị bồi thường, hỗ trợ và hai phương án bồi thường khác nhau. Có bảng chiết tính được bồi thường 1,3 tỷ đồng.
Nhưng lại có thêm phương án 1 “hỗ trợ của chủ đầu tư 103 triệu đồng, đề nghị bồi thường bổ sung 50 triệu đồng, chênh lệch nhà chính 137 triệu và bồi thường cho 3 người con, 1 người cháu”, được tính cộng lại là gần 1,8 tỷ đồng. Rồi còn có phương án 2, quy đổi 8% đất nông nghiệp cùng một số loại tiền, được bồi thường 1 tỷ, cùng 400m2 đất quy đổi và hai nền tái định cư.
Còn phải kể đến sai sót khi áp dụng hạn mức đất nông nghiệp cũng lộn xộn, không theo quy định, thể thức nào. Ví dụ hộ ông Lý, bà Lại được tính đất nông nghiệp trong hạn mức là 1.500 m2, hộ bà Tuyến là 1.485 m2, nhưng hộ ông Hớn lên đến 2.250 m2.
Về giá đất thổ cư, nhiều hộ chỉ được bồi thường 200.000 đồng đến 257.000 đồng/m2. Trong nhiều bảng tính toán, đều không thấy thể hiện chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp với những nông dân mất ruộng.
Thu hồi giá “tận đáy”, bán lại giá “trên trời”
Một bất hợp lý khác trong dự án Tràng An Bạc Liêu bị dân khiếu nại là việc bồi thường giá thấp nhưng bán lại đất tái định cư cho dân giá “trên trời”.
Ông Trần Hùng Hải (Bảy Liêm), đại diện người dân khóm 1 trong Hội đồng bồi thường cơ sở cho biết: “Ban đầu giá đất thu hồi thì có, còn giá bán nền tái định cư thì không. Sau đó Phó chủ tịch UBND tỉnh mới ban hành một quyết định phê duyệt giá bán dự án, công khai cho dân. Nhưng đến khi triển khai thì không thực hiện theo phương án đó luôn”.
Trong một bảng kê số tiền người dân phải nộp để nhận nền tái định cư có diện tích từ 80 - 112m2, số tiền thấp nhất phải nộp là 16 triệu, cao nhất là 429 triệu. Ngay cả với những lô đất liền kề, trên cùng một tuyến đường cũng chênh lệch rất lớn, không rõ căn cứ “luật chơi” nào.
Ví dụ đường số 17, cùng diện tích 84m2 nhưng lô C5.13 có giá 133 triệu, lô C5.14 giá 35 triệu, lô C5.15 giá 80 triệu, lô C5.16 giá 62 triệu… Hoặc đường số 10, cùng diện tích 107m2 nhưng lô C2.06 giá 90 triệu, lô C2.07 giá 212 triệu…
Một góc dự án Tràng An Bạc Liêu sau 10 năm thực hiện. Mục tiêu góp phần biến Bạc Liêu thành “xanh, sạch” vẫn còn xa vời. |
Trở lại với ông Thạch Hớn, lão nông cho biết: “Họ bồi thường cho tôi hai mức giá, lấy 2.250m2 đất từ đời ông tôi trở xuống với giá 170.000 đồng/m2; hơn 9.000m2 còn lại bồi thường 120.000 đồng/m2; 300m2 đất thổ cư chỉ 60 triệu. Tôi phản đối vì bồi thường quá “bèo””.
Trong quá khứ, ông Hớn từng là nông dân giỏi ở địa phương, mỗi mùa thu hoạch gần 20 tấn lúa, giá gần 100 triệu. Nay đất ruộng đã bị thu hồi, kế sinh nhai đã mất. Lại còn nỗi lo 9 đứa con và các cháu sẽ đi đâu, về đâu, nương náu nơi nào.
Cũng giống như ông Niên, ông Hớn tuyên bố: “Tui không thưa kiện gì hết. Nhưng đất căn nhà tui quyết không giao. Tui không đồng ý là không đồng ý. Đất ruộng họ lấy rồi, còn lại đất có căn nhà, tui và đàn con quyết giữ lại để ở.
Làm gì có chuyện vô lý đất của mình ở 3 – 4 thế hệ, họ vào đòi đưa ra giá bao nhiêu thì mình phải chịu bấy nhiêu, rồi để họ xẻ đất của mình ra mang bán giá “trên trời”. Mình mất tất cả nhà cửa, ruộng vườn, tư liệu sản xuất mà số tiền được bồi thường không mua nổi lại mấy cái nền tái định cư, còn gì vô lý hơn?”.
Nông dân không giao đất thì Công ty Tràng An bị cho là “tự cưỡng chế” bằng… “xã hội đen”. Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.
Từng là người đầu tiên gương mẫu chấp hành khi nghe địa phương vận động giao đất cho Tràng An Bạc Liêu, gia đình vị lão thành cách mạng, cụ Trần Nam Đoàn (SN 1937, nguyên Tỉnh uỷ viên, Trưởng ban Tuyên huấn, Tổng Biên tập Báo Minh Hải (nay là Bạc Liêu và Cà Mau - NV)) rơi vào cảnh nghịch lý bậc nhất tại dự án.
Sau khi nghỉ hưu, năm 2007, cụ chia cho con trai là ông Trần Trung Kiên (SN 1965, ngụ khóm 1, phường 7) phần đất 220 m2, số thửa 293, tờ bản đồ số 10, đất nông nghiệp.
Ngày 17/9/2010, ông Kiên nhận được Quyết định 345/QĐ-UBND của UBND TP Bạc Liêu về việc thu hồi đất. Quyết định này nhiều sai sót. Đất là thửa 293, tờ bản đồ số 10 nhưng Quyết định lại ghi “một phần thửa 144, tờ bản đồ số 1”.
Lộn xộn hơn nữa khi thửa đất có đến ba phương án bồi thường. Phương án 1 ngày 13/11/2009, được bồi thường 131 triệu. Phương án 2 ngày 8/2/2010, theo Quyết định số 275/QĐ-UBND, bồi thường 183 triệu. Ngày 8/11/2010, ông Kiên nhận thêm một bảng niêm yết phương án bồi thường thứ ba là… 38 triệu. Và ở cuối văn bản này lại chú thích ông Kiên “được bảo lưu số tiền phê duyệt ở lần hai là 183 triệu”.
Ông Kiên kể: “Khi nhận được giấy mời lên trụ sở Ban BTGPMBCDAĐTXD để nhận chi trả tiền bồi thường, tôi đến. Tuy nhiên tại đây, trong bảng kê các hộ được chi trả không có tên tôi. Tôi thắc mắc thì cán bộ trả lời miệng là đất của tôi “không nằm trong khuôn viên quy hoạch dự án””.
“Thực ra dân có biết trong hay ngoài quy hoạch thế nào. Họ chỉ bảo thu hồi 64ha, ranh giới chung chung. Không công bố bản đồ, sao dân biết đường ranh, ai ngoài, ai trong? Sau đó mình mới tự đi thu thập được quyết định của tỉnh, có thông báo triển khai quyết định của TP Bạc Liêu có nói từ mí lộ giới (đường Trần Phú) trừ ra 30m để dân tự chỉnh trang. Theo quyết định đó thì đất con trai tôi nằm chồng lên ranh, một phần bên trong, một phần bên ngoài dự án”, cụ Đoàn kể. Như vậy, quyết định thu hồi 220m2 đất trên tiếp tục có sai sót về diện tích. “Chắc ăn” chuyện đất mình không dính dự án, ông Kiên mang sổ đỏ về, tiếp tục sử dụng đất.
Thế nhưng gần 10 năm sau, tháng 3/2018, Tràng An cho người ra rào phần đất này và giao một doanh nghiệp khác. Té ra Tràng An đã bán đất đó trên giấy, chứ thực tế đất ông Kiên vẫn quản lý, sử dụng. Gia đình ra cản, mua cọc bê tông, dây kẽm về rào đất thì UBND phường 7 mời lên làm việc, bảo “rào trái phép trên phần đất của Tràng An”. “Tôi trưng sổ đỏ ra nói đất của tôi, chưa thu hồi bồi thường, tôi có quyền rào”, ông Kiên kể.
Trước phản ứng trên của ông Kiên, UBND TP Bạc Liêu ra Quyết định 58/QĐ-UBND ngày 18/5/2018 điều chỉnh một phần Quyết định thu hồi đất số 345 đã được ký… tám năm trước đó, sửa chữa diện tích bị thu hồi từ 220m2 xuống còn 147m2, sửa nội dung ghi sai từ “một phần thửa 144 tờ bản đồ số 1” thành “một phần thửa 293 tờ bản đồ số 10”.
Ông Kiên phản đối: “Bao nhiêu năm sao họ không điều chỉnh, nay phát hiện sai phạm thì lại tiếp tục ra quyết định sai luật? Lẽ ra họ phải thu hồi quyết định sai, rồi ra quyết định mới, tính giá bồi thường mới”. Ông Kiên làm đơn khiếu nại nhưng không được giải quyết.
Điều vô lý chưa chấm dứt. Ngày 19/12/2018, ông Kiên lại nhận được Quyết định số 620/QĐ-UBND của UBND TP Bạc Liêu về việc… thu hồi tiền bồi thường. Quyết định này do bà Lê Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu ký, cho rằng, theo Quyết định thu hồi đất mới, do diện tích đất thu hồi giảm nên số tiền bồi thường giảm và ông Kiên phải… nộp lại số tiền hơn 59 triệu. Văn bản “yêu cầu chủ đầu tư, UBND phường 7 triển khai và thực hiện”.
“Tiền bồi thường tôi không có tên trong danh sách, chưa nhận đồng nào, chưa ký chữ gì, nay họ lại buộc tôi nộp lại tiền. Đất của tôi thì bán trên giấy cho người khác. Lẽ nào tôi vừa mất đất mà lại bị mất thêm tiền”, ông Kiên bức xúc.
Những vô lý trên, theo cụ Đoàn, còn phản ánh những khuất tất, gian dối trong dự án. Cụ Đoàn nói: “Số tiền 183 triệu bồi thường phải chăng ai bỏ túi rồi, nay lại buộc con tôi trả lại. Nếu nói con tôi đã nhận tiền bồi thường thì đề nghị đưa ra chứng cứ, bảng kê, bảng ký nhận”.