Khuôn mặt 'chàng' tư vấn

(PLO) -Thời gian gần đây, trong một số vụ việc trọng điểm xuất hiện “khuôn mặt” của anh chàng “tư vấn”. Xin nêu luôn vài trường hợp.
Việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn có nhiều sai phạm (Ảnh minh họa)
Việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn có nhiều sai phạm (Ảnh minh họa)

Kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ ưu điểm, tồn tại, khuyết điểm, vi phạm phát hiện qua thanh tra. Trong đó, có các công ty tư vấn. Những cái tên “tư vấn” làm nhiệm vụ “thổi giá” được nhắc đến với “tình cảm kính trọng”. 

Đầu tiên, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đã thuê Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (AASC) xác định giá trị AVG nhưng kết quả thẩm định giá của AASC không có cơ sở tin cậy, vi phạm nghiêm trọng các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

VCBS đã cung cấp kết quả thẩm định giá của AASC cho Mobifone không có sự thỏa thuận với AASC, vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn thẩm định giá. Kết quả thẩm định giá trị AVG do AASC thực hiện là 33.299,48 tỷ đồng; do VCBS thực hiện là 24.548,19 tỷ đồng không đảm bảo cơ sở pháp lý, không có cơ sở tin cậy. 

Tiếp theo, với Công ty TNHH Định giá Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (Hanoi Valu). Cuối cùng là Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX), đơn vị được Mobifone thuê thẩm định giá trị AVG tại thời điểm 31/3/2015. Như mọi người đã biết, với “công nghệ thổi” chuyên nghiệp, các “nhà tư vấn” của chúng ta đã làm thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng.

Mới đây nhất là thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước khi cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn. Kết luận thanh tra nêu rõ trách nhiệm của các công ty tư vấn (ATC và CPA), các thẩm định viên về những khuyết điểm, vi phạm trong việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, việc thẩm định giá cổ phần để thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn. Trong vụ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cũng “không thiếu vắng” trách nhiệm của tư vấn.

Vậy thẩm định giá là gì? Thẩm định giá là việc đánh giá hoặc đánh giá lại giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc thông lệ quốc tế (Điều 4 Pháp lệnh Giá).

Do tính chất đặc biệt của nghề, thẩm định viên phải đáp ứng yêu cầu đặc thù của nghề nghiệp: Thứ nhất: Tính kỷ luật tuân thủ tiêu chuẩn thẩm định giá, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp và kết quả thẩm định giá bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ và bảo mật các thông tin của đơn vị được thẩm định giá; Thứ hai: Tính trung thực, thẩm định viên không được nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc các lợi ích nào khác từ tổ chức, cá nhân có nhu cầu thẩm định giá ngoài mức giá dịch vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng thẩm định không đúng các điều khoản của hợp đồng thẩm định giá.

Đáng tiếc, đây lại là “điểm yếu” hiện nay. Người ta dễ dàng “bắt tay” với các công ty tư vấn thẩm định giá tạo ra vòng khép kín của “lợi ích nhóm” thâu tóm tài sản nhà nước trong các thương vụ mua bán.