Trước đó, có thông tin chính quyền thành phố Mungyeong, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc công bố chiến dịch khuyến khích nông dân kết hôn với du học sinh Việt Nam nhằm tăng dân số.
Thông tin này ngay lập tức nhận nhiều chỉ trích gay gắt từ các nhóm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và dân nhập cư. Họ cho rằng chiến dịch đó là phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử với phụ nữ nhập cư và du học sinh sống tại Hàn Quốc nói chung.
Trung tâm Nhân quyền cho Phụ nữ nhập cư Hàn Quốc (WMHRCK) ngày 28/5/2021 cho biết đã tìm thấy bài quảng cáo trực tuyến cho chiến dịch của thành phố Mungyeong vào giữa tháng 4.
Theo đó, chính quyền mong muốn giúp những người nông dân đã “quá tuổi kết hôn” cưới vợ là những du học sinh Việt Nam. Chiến dịch này được cho là góp phần ngăn chặn sự suy giảm dân số và sự già hóa của xã hội Hàn Quốc. Bên cạnh đó, chính quyền cũng yêu cầu các công ty môi giới hôn nhân quốc tế hợp tác.
WMHRCK tuyên bố rằng chính quyền thành phố đã khuyến khích việc thương mại hóa các cuộc hôn nhân quốc tế, dù cho nhiệm vụ của họ là ngăn chặn chúng. Vào cuối ngày 28/5, WMHRCK đã cùng 63 nhóm dân sự và 144 cá nhân khác đệ đơn lên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc để tố cáo chính quyền thành phố Mungyeong.
Một người đại diện trung tâm cho biết: “Chúng tôi cho rằng chiến dịch của họ đã vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ nhập cư cũng như quyền mưu cầu hạnh phúc của họ ở Hàn Quốc”.
Trước các thông tin trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã yêu cầu phía Hàn Quốc xác minh làm rõ.
Mới đây, trong thư phúc đáp Hội LHPN Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định, Chính phủ Hàn Quốc luôn đốc thúc chính quyền địa phương về các chính sách hỗ trợ kinh phí liên quan đến kết hôn quốc tế đang được triển khai tại từng địa phương. Qua đó nhằm làm chuyển biến, đẩy mạnh các dự án và chính sách giúp đỡ gia đình đa văn hóa và ngăn chặn những dự án mang tính nhất thời, phô trương hình thức.
Đồng thời, chính phủ cũng đang hợp sức với chính quyền địa phương để có thể đẩy nhanh các dự án hỗ trợ việc an cư, ổn định cho các gia đình đa văn hóa trong tầm nhìn dài hạn tại từng địa phương.
Theo Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, dự án đề cập đến trong bài không phải là dự án công được chỉ đạo bởi chính quyền thành phố Munyeong mà là dự án của một tổ chức cá nhân đang trong quá trình xét duyệt tháng 3/2021. Thành phố Munyeong đã ngay lập tức đình chỉ xét duyệt dự án ngày 22/4/2021.
Về vụ việc này, ngày 2/6/2021, thành phố Munyeong đã có cuộc gặp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để trao đổi cụ thể và bày tỏ nỗ lực cao nhất trong việc giúp đỡ các gia đình đa văn hóa ổn định cuộc sống và thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 quốc gia.
Nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực hợp tác với các đối tác của Hàn Quốc trong lĩnh vực hỗ trợ hôn nhân quốc tế. Năm 2010, Hội LHPN Việt Nam và Bộ Phụ nữ và Gia đình Hàn Quốc (MOGEF) đã ký Văn bản ghi nhớ (MOU) về “Hợp tác xây dựng các hoạt động hôn nhân quốc tế lành mạnh và nâng cao quyền năng của phụ nữ” với mục tiêu bảo đảm sự hòa nhập ổn định của các gia đình Việt - Hàn.
Từ năm 2011 đến nay, MOGEF luôn cử đặc phái viên về hôn nhân quốc tế thường trú tại Đại sứ quán Hàn quốc tại Việt Nam. Hội và đặc phái viên thời gian qua đã họp định kỳ, thường xuyên phối hợp chặt chẽ về vấn đề cô dâu Việt và hỗ trợ gia đình Việt - Hàn.
Đặc biệt, Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc do Hội và Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc đầu mối tổ chức luân phiên tại hai nước hàng năm từ năm 2013 là kênh quan trọng để trao đổi những vấn đề liên quan đến phụ nữ hai nước trong đó có hôn nhân quốc tế Việt-Hàn, các chính sách bình đẳng giới…
Từ năm 2019, Hội LHPN Việt Nam cũng là đầu mối xây dựng Dự án “Tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ”. Dự án do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ thông qua Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Cần Thơ, Hậu Giang (2019 - 2021) với tổng kinh phí 1 triệu USD nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư trở về và con cái họ được tiếp cận các dịch vụ xã hội, đảm bảo cuộc sống khi trở về thông qua năng lực của các cơ quan và Văn phòng dịch vụ một điểm dừng (OSSO). Dự án cũng hướng tới nhóm phụ nữ chuẩn bị di cư nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng, góp phần đảm bảo di cư an toàn.