Kì diệu hoa “nở” từ bàn tay người

(PLO) - Cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 10 km về hướng Đông Nam, làng nghề hoa lụa thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, được biết đến là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng. Làng có 10 xóm, thì hầu hết các hộ gia đình đều tham gia làm nghề này.
Chị Phạm Thị Lê đang ghép lá cho cành hoa lụa.
Chị Phạm Thị Lê đang ghép lá cho cành hoa lụa.

Người dân Báo Đáp sống chủ yếu bằng nghề làm hoa lụa. Họ tiếp nối, giữ gìn và phát triển nghề làm hoa lụa hàng trăm năm nay của cha ông. Hiện, làng có hơn nghìn hộ sản xuất và kinh doanh hoa vải lụa lớn nhỏ, trong đó phần lớn là các hộ có truyền thống lâu đời.

Trước, thế hệ ông bà làm hoa từ lông gà, lông vịt, từ giấy; còn bây giờ phát triển thành hoa lụa. Và những người phụ nữ ở nơi đây được xem là đối tượng chính để truyền nghề đã có từ trăm năm này. Sản phẩm hoa lụa của làng vô cùng đa dạng từ mẫu mã, màu sắc đến kích cỡ. Có hàng trăm loại hoa lụa được sản xuất ra mỗi năm từ hoa ly, hoa cúc, hoa phong lan, hoa hồng,.. đủ sắc màu. Thậm chí, làng còn sản xuất ra  những loại hoa khác lạ chưa hề có ở hoa tươi. 

Tuy nhiên, với đa phần các hộ trong làng hoa, trùng mẫu mã là việc khó tránh.  Vì vậy, mỗi gia đình lại phải tìm mọi cách để có những mẫu mới. Ngay đến những ngày cận Tết, kiểu dáng vẫn không ngừng được cập nhật. Chị Trần Thị Xuân chủ cơ sở sản xuất hoa lụa Xuân Tuấn cho biết: “ Mấy năm gần đây, thị trường tiêu thụ hoa lụa kén chọn hơn trước, bởi vậy chúng tôi phải sáng tạo ra nhiều loại hoa lụa mới để duy trì  truyền thống của gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ưu tiên sản xuất các mẫu hoa truyền thống như mai, cúc, sen, đào”.

Để làm ra một chậu hoa lụa những người nghệ nhân ở Báo Đáp phải trải qua từ hơn bốn chục công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn được phân chia rõ ràng và sản xuất theo một dây chuyền khép kín từ chọn vải, nhuộm màu đến đóng gói sản phẩm.  Người làm hoa lụa cũng phải thật cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết, từng khâu dù là nhỏ nhất. Nếu lệch một chút trong hàng chục công đoạn thôi thì bông hoa cũng xem như bỏ.

Gia đình chị Phạm Thị Lê ở xóm 4 đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề làm hoa lụa, lúc nào gia đình chị cũng có khoảng 20 công nhân. Chị chia sẻ: “Làm hoa lụa không khó, đây lại là nghề gắn với chúng tôi từ nhỏ; nhưng mỗi một bông hoa lụa làm ra là sản phẩm của một chuỗi dài quá trình tỉ mỉ, chỉn chu. Để hoa lụa trông giống như hoa thật thì bàn tay của người làm phải nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng cũng thật phải điệu nghệ”.

Đọc thêm