Kì thị - căn bệnh bùng phát cùng Covid

(PLVN) - Ngay khi có thông tin phát hiện người nhiễm Covid - 19 ở Đà Nẵng, bên cạnh những lời chia sẻ, động viên hướng đến người dân Đà Nẵng và cả nước, một lần nữa, những lời lẽ kì thị những trò đùa ác ý lại bùng lên.
Một số clip trên mạng xã hội với nội dung kì thị người dân Đà Nẵng và du khách trở về từ Đà Nẵng
Một số clip trên mạng xã hội với nội dung kì thị người dân Đà Nẵng và du khách trở về từ Đà Nẵng

Những trò đùa ác ý

Ngay những ngày đầu tiên có thông tin về người bệnh Covid ở Đà Nẵng, trên hàng loạt trang Fanpage nổi tiếng, tài khoản mạng xã hội đông người xem đã xuất hiện những clip giễu nhại người dân Đà Nẵng. 

Một tài khoản Tik tok tên Thúy Kami đã đăng video “Chủ tịch kì thị đuổi nhân viên Đà Nẵng ra khỏi cửa”. Trong video, một cô gái đóng vai chủ tịch tập đoàn đến bắt tay với hàng loạt nhân viên từ nhiều nơi trên cả nước về trụ sở công ty họp. Mỗi người tự giới thiệu mình đến từ vùng nào trong cả nước, và đều được “chủ tịch” hoan nghênh nhiệt liệt. 

Nhưng khi nghe một nữ nhân viên báo từ Đà Nẵng đến, “nữ chủ tịch” đang đưa tay ra định bắt đã vội rụt tay lại ngay. Sau đó “chủ tịch” sai người đuổi nữ nhân viên ra khỏi cửa, dán băng dính cánh cửa lại để  không thể đột nhập vào. Dù là một clip “vui là chính”, nhưng nội dung cùng cách diễn quá lố đã khiến người xem phản cảm. Đồng thời, nhiều bạn trẻ người Đà Nẵng cũng cho biết “bị xúc phạm” khi xem video nói trên.

Đáng phê phán hơn, một đoạn chat vừa hé lộ mới đây cho thấy, việc làm nói trên không phải chỉ là hành động “bắt trend” vô ý, mà là cố ý xây dựng clip với nội dung kì thị, bất chấp sự phản ứng của dư luận và hậu quả không hay để mong có lượt xem cao, được nổi tiếng.

Cùng thời điểm, một tài khoản Tik tok tên HuynhDangThong lại đăng tải một clip khác cũng với nội dung kì thị, chế giễu Đà Nẵng. Clip xây dựng câu chuyện một khách du lịch đang hào hứng chuẩn bị hành lý để đi du lịch. Nhưng khi được biết điểm đến là Đà Nẵng, người này nhanh chóng vứt bỏ hành lý và bày tỏ thái độ bực mình với câu nói thô tục.

Đó chỉ là 2 clip khá nổi bật trong hàng loạt clip dùng từ khóa “Đà Nẵng có dịch” để câu view thời điểm này. Nhằm “đu trend”, thu hút người xem, không ít tài khoản Tik tok, Facebook, Youtube đã xây dựng nên những nội dung mang tính kì thị, hằn học, xa lánh với người dân Đà Nẵng hoặc người từ Đà Nẵng trở về. 

Thậm chí, một tài khoản Facebook khi livestream bán hàng còn lấy chuyện dịch bùng phát từ Đà Nẵng ra “câu view” bằng cách bông đùa: “Yên tâm, hàng của chị không có xuất xứ từ Đà Nẵng, cả người Đà Nẵng mà mua chị cũng không bán nhá, vì sợ virut nó lây lan qua đường chuyển tiền ấy mà”. Đoạn livestream này sau đó phải xóa bỏ vì sự phẫn nộ của cư dân mạng.

Hành xử sai lệch

Mới đây, cộng đồng dậy sóng vì lan truyền ảnh chụp phát ngôn trên Facebook của một cô gái cho rằng “phải thiêu cả Đà Nẵng để tránh hậu họa. Thà hy sinh một thành phố mà cứu cả nước”. Những phát ngôn mang tính phân biệt, chửi bới người dân Đà Nẵng vì Covid-19 cũng nhan nhản trên mạng xã hội. 

Không ít du khách từ Đà Nẵng trở về các địa phương cũng chịu cảnh tương tự. Có tài khoản Facebook còn chê bai du khách Đà Nẵng trở về Hà Nội, bị nhiễm Covid - 19 là “ăn no rửng mỡ”, không chịu ở nhà lại đi du lịch, còn di chuyển khắp nơi lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Lịch trình của những bệnh nhân nhiễm Covid - 19 thời gian này cũng được một số người chia sẻ với những bình luận ác ý. 

Những phát ngôn trên mạng ấy có thể xuất phát từ suy nghĩ sai lầm, lệch lạc, cũng có thể từ mong muốn câu view, câu like của một bộ phận cư dân mạng. Nhưng nó đã gây không ít tổn thương cho người dân Đà Nẵng đang trong thời điểm gian nan này. Không chỉ xuất hiện trên mạng, những lời nói, hành xử kì thị cũng xuất hiện trong đời sống hàng ngày. 

Chị Hoàng Thị Thu T. quê gốc Đà Nẵng, đã sinh sống tại TP HCM nhiều năm nay. Vừa qua, chị đưa các con vừa nghỉ hè về Đà Nẵng thăm cha mẹ và trở lại TP HCM vào ngày 19/7 vừa qua. Sau khi có thông tin về dịch bệnh, chị đã liên hệ trung tâm y tế quận, tiến hành xét nghiệm cho cả nhà và đã có kết quả âm tính.

Tuy nhiên, chị T. buồn bã cho biết, chị vẫn bị hàng xóm “không nhìn mặt”. Hai con nhỏ cũng bị “cấm cửa” không cho chơi với con nhà hàng xóm. Thậm chí, chị đi làm về, từ xa chào hỏi người hàng xóm nhưng người này ngoảnh mặt không trả lời. 

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, một hot Facebooker cũng chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng anh “không hiểu một bộ phận cộng đồng mạng muốn gì”. Dịch bùng phát là chuyện không ai muốn. Trước đó, Chính phủ kích cầu du lịch, những người tích cực đi du lịch, đóng góp doanh thu cho ngành, cho địa phương là đáng khen. Nhưng khi chuyện xảy ra, cũng chính với lịch trình “ăn chơi” và “tiêu tiền” tích cực ấy, họ lại bị một bộ phận cộng đồng mạng rủa xả không tiếc lời.

Kì thị là một hành xử cực kì xấu xí, nó phản ánh sự thiếu hiểu biết, kém cỏi trong nhận thức của một bộ phận người dân. Trong thời điểm bùng phát dịch đầu năm, khi một số địa phương có người nhiễm Covid-19, đã có không ít hành vi kì thị như khách sạn cấm cửa người dân từ vùng dịch, du khách nước ngoài bị từ chối cung cấp dịch vụ… 

Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát không chỉ ở Đà Nẵng như hiện nay, Nhà nước, các cơ quan y tế đang gồng mình chống đỡ, người dân đang góp sức để phòng chống dịch, hỗ trợ người khó khăn. Mỗi một lời nói, việc làm tốt là sự động viên chân thành, góp phần vào công tác phòng chống dịch của cả nước. Còn sự xa lánh, kì thị hay thái độ xấu chính là “con sâu làm rầu nồi canh”, phá hoại khối đại đoàn kết của nhân dân cả nước.

Đọc thêm