Kiểm sát viên chỉ phát biểu phiên phúc thẩm trong án dân sự?

Nếu để đại diện Viện Kiểm sát (VKS) tham gia tất cả các phiên tòa xét xử án dân sự thì một vấn đề đặt ra khi sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) là kiểm sát viên (KSV) có được trình bày quan điểm giải quyết vụ án. Và nếu được thì trong giai đoạn nào?.

Nếu để đại diện Viện Kiểm sát (VKS) tham gia tất cả các phiên tòa xét xử án dân sự thì một vấn đề đặt ra khi sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) là kiểm sát viên (KSV) có được trình bày quan điểm giải quyết vụ án. Và nếu được thì trong giai đoạn nào?.

Phát biểu để tăng tính khách quan

Để tránh “quy trình khép kín” trong giải quyết án dân sự như nhiều ý kiến đề cập (VKS chỉ tham gia một số vụ việc theo quy định), Dự thảo sửa đổi BLTTDS theo hướng VKS được tham gia tất cả các phiên tòa dân sự.

Nhưng, cho tham gia tất cả thì VKS chỉ “ngồi đó” kiểm sát việc tuân theo pháp luật hay có được bày tỏ quan điểm trong giải quyết vụ việc?

Với quan điểm “việc dân sự cốt ở đôi bên”, nhiều ý kiến đồng tình VKS có quyền phát biểu quan điểm giải quyết vụ án nhưng chỉ là “đưa ra quan điểm về áp dụng pháp luật và không nghiêng về bên nào” như Dự thảo BLTTDS mới nhất.

Ảnh minh họa.

Trên cương vị Viện trưởng VKSND TP.Hà Nội, ông Đặng Văn Khanh cho rằng việc phát biểu của kiểm sát viên không phải là tranh luận với đương sự mà phát biểu đó giúp cho phiên tòa, giúp cho Hội đồng xét xử thấy được sự việc khách quan hơn, đầy đủ hơn để phán quyết tốt hơn

Ông Hồ Công Long, Phó Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội đồng tình: “VKS tham gia từ khi thụ lý vụ án đến phiên tòa sơ thẩm, đương nhiên là VKS phải có quan điểm và trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án thì VKS cần phát biểu quan điểm đó. Nếu họ chỉ phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng thì không đảm bảo được yêu cầu đảm bảo vụ án xét xử đúng pháp luật. Việc phát biểu của kiểm sát viên càng làm tăng thêm tính khách quan để Hội đồng xét xử nghiên cứu, cân nhắc, xem xét, quyết định”.

Phát biểu chỉ làm đương sự “có thêm đồng minh”.

Trái lại với luồng ý kiến trao VKS được quyền phát biểu đường lối giải quyết trong tất cả phiên tòa, phiên họp vụ án dân sự, nhiều ý kiến cho rằng, việc này “vô hình chung một bên đương sự đã có thêm đồng minh mà đồng minh đó là cơ quan Nhà nước, làm mất đi sự bình đẳng giữa các bên đương sự”.

Bà Võ Thị Thúy Loan, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Bản chất của việc dân sự là cốt ở đôi bên và Tòa án chỉ như trung gian hòa giải, nay xuất hiện thêm VKS với việc xét hỏi, nhận định cả vào nội dung vụ án thì chắc chắn sẽ có bên thiệt thòi, bên hưởng lợi từ ý kiến của kiểm sát viên và điều này sẽ ảnh hưởng đến phán quyết của Tòa án và đặt ra vấn đề phải chăng quy định này là một bước “thụt lùi”.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình:

VKS chỉ nên phát biểu trong phiên tòa phúc thẩm, còn sơ thẩm thì không nên, (mà nếu có cũng thì chỉ phát biểu về việc thực hiện các hoạt động tố tụng có đúng pháp luật hay không) vì lúc bấy giờ chưa có bản án. Sau khi có bản án sơ thẩm rồi tức là đã có phán quyết của tòa án rồi thì VKS có thẩm quyền xem xét phán quyết đó có đúng theo pháp luật về nội dung hay không.

VKS còn có nhiệm vụ, trách nhiệm nếu không đúng thì kháng nghị, đã kháng nghị thì VKS phải phát biểu tại phiên tòa phúc thẩm.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh nêu quan điểm: cần phân biệt rõ vị trí của VKS trong phiên tòa hình sự và dân sự vì nó hoàn toàn khác nhau. Một bên bảo vệ quyền lợi của nhà nước, một bên là cá nhân. “Không thể VKS là vừa lo cho quyền lợi của công dân vừa bảo vệ quyền lợi Nhà nước”, LS Trừng nói và cho rằng  VKS chỉ nên tham gia phiên tòa với nhiệm vụ kiểm sát việc tuân thủ pháp luật và “tới đó là chấm dứt”.

Khẳng định để kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ việc dân sự trong phiên tòa, phiên họp sơ thẩm là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VKS, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba phân tích: Theo quy định của pháp luật, kiểm sát viên tham gia các phiên tòa, phiên họp để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân. Do đó, tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm kiểm sát viên chỉ có thể phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng.

Còn đối với các phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, kiểm sát viên tham dự phiên tòa, phiên họp ngoài việc phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật thì còn có quyền phát biểu quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ việc dân sự để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, bảo vệ kháng nghị trong trường hợp Viện trưởng VKS có kháng nghị là phù hợp.

Bình An

Đọc thêm