Hỏi: Đất đai thuộc sở hữu của hộ gia đình bị người con cả là ông A tự ý đăng ký kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông A. Sau đó ông A chuyển nhượng cho ông B; ông B được cấp sổ đỏ và tiếp tục chuyển nhượng cho ông C. Ông C đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khi gia đình phát hiện hiện ra việc ông A kê khai gian dối để cấp sổ đỏ nên quyết định khởi kiện vụ việc ra Tòa án. Xin hỏi trường hợp này các đồng nguyên đơn khởi kiện ai, ông A hay ông C, hay kiện hủy sổ đỏ của cả ông A, ông B, ông C? Và Tòa án sẽ hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông C hay hủy cả giấy chứng nhận đứng tên ông A, ông B? (KIm Oanh, 22 tuổi)
Luật sư Đỗ Thúy Phượng (Đoàn Luật sư Hà Nội) tư vấn:
Trường hợp này, Tòa án phải xem xét đánh giá về tính hợp pháp của các quyết định hành chính là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông A, ông B, ông C. Nếu việc chuyển nhượng đất giữa ông B với ông C là ngay tình và đúng theo quy định của pháp luật về chuyển nhượng đất thì Tòa án bác yêu cầu khởi kiện hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông C theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai và khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự.
Như vậy, gia đình chỉ cần khởi kiện yêu cầu hủy sổ đỏ của ông C, quá trình tố tụng của vụ án, Tòa án sẽ phải xem xét đánh giá về tính hợp pháp của các quyết định hành chính là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông A, ông B. Khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông C bị hủy, không còn giá trị pháp lý đương nhiên kéo theo sổ đỏ mang tên ông A, ông B cũng không có giá trị pháp lý.