Kiến nghị làm đường tránh dự án Cầu đập tràn Quan Sơn: UBND huyện Mỹ Đức đã báo cáo thành phố

(PLVN) - Việc cấm đường để thực hiện Dự án Cầu đập tràn Quan Sơn (xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) khiến nhiều người dân, doanh nghiệp chưa đồng tình do bị ảnh hướng lớn tới sinh kế. Ông Đặng Văn Triều, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, vấn đề người dân, doanh nghiệp phản ánh tới báo chíđã được báo cáo lên TP Hà Nội.
Dự án Cầu đập tràn Quan Sơn vẫn đang được triển khai.

Nhiều doanh nghiệp kêu cứu

Như đã thông tin, nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mỹ Đức, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), huyện Lương Sơn (Hòa Bình) phản ánh, từ trước tới nay, việc sinh sống, làm ăn kinh doanh phụ thuộc vào tuyến giao thông huyết mạch nối đường Hồ Chí Minh, qua tỉnh lộ 424, qua quốc lộ 21B vào trung tâm TP Hà Nội.

Dự án Cầu đập tràn Quan Sơn có tổng mức đầu tư hơn 288 tỷ đồngđang được thi công là niềm phấn khởi của người dân, doanh nghiệp.Ngày16/3/2021, UBND huyện Mỹ Đức đã tổ chức khởi công xây dựng.Tuy nhiên, ngay khi dự án đi vào thi công, nhiều người dân, doanh nghiệptỏ ra lo lắng, chưa đồng tình bởi dự ánkhông làm đường tránh, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và kế sinh nhai của người dân, doanh nghiệp. 

Đơn kêu cứu viết: "Những doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh về giao thông trong khu vực sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn, ảnh hướng tới cả nghìn lượt xe mỗi ngày. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng chi phí và ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp”. 

Phương tiện tham giao giao thông giờ phải đi đường vòng rất xakhiến chi phí vận tải tăng cao, công việc bị đảo lộn.Người dân còn thắc mắc, trong quá trình lập dự án, họ không hề được họp bàn mà chỉ được thông báo qua loa phát thanh. “Các xe có tải trọng lớn hiện giờ phải đi vào đường làng, gây áp lực, quá tải cho đường làng, ô nhiễm không khí, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn”. 

Cần tạo thuận lợi cho người dân

Trước những bất cập từ dự án Cầu đập tràn Quan Sơn, người dân, doanh nghiệp cho rằng, đến nay, việc kêu cứu, kiến nghị chưa được giải quyết thỏa đáng, trong khi dự án kéo dài, sinh kế sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Câu hỏi đặt ra là, trước khi phê duyệt dự án, phương án phân luồng giao thông đã được tính toán như thế nào? Có tính đến sinh hoạt và cuộc sống của người hay không?

“Xin các cấp chính quyền đừng làm ngơ, thờ ơ với sinh kế của người dân và hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn. Năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn, nếu tiếp tục không được tạo điều kiện thuận lợi thì chắc chắn nhiều đơn vị sẽ phá sản”, đại diện một doanh nghiệp vận tải chia sẻ.

Văn bản của UBND huyện Mỹ Đức thông báo đến một số người dân, doanh nghiệp khiếu nại. Vậy mà, ông Chủ tịch huyện Mỹ Đức nói, dân tình ai cũng ủng hộ, không có ai khiếu nại. 

Việc không làm đường tránh được UBND huyện Mỹ Đức trả lời bằng văn bản số 625/UBND, người ký là ông Lê Văn Trang – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, với lý do: “Do đặc điểm về địa hình, địa chất theo số liệu khoan khảo sát địa chất tại khu vực trên rất phức tạp nhiều vị trí có hang caster có thể xảy ra về địa chất như sập, sụt, lún... nên khi xây dựng đường tránh trực tiếp qua khu vực đập tràn là không đảm bảo, tiềm ẩn nguy hiểm, mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân khi đi qua khu vực trên, nhất là trong mùa mưa bão”. 

Cách lý giải này của ông Trang không được người dân, doanh nghiệp đồng tình. “Trước đây, khi triển khai công trình nâng cấp đập Quan Sơn đã từng làm đường tránh để xe lưu thông, hiện trạng nền đường tránh vẫn còn. Nhưng giờ xây dựng Cầu đập tràn Quan Sơn, chính quyền lại chỉ cấm đường, thay vì làm đường tránh như trước.

Câu hỏi đặt ra ở đây, nếu đã có văn bản thể hiện kết luận của các cơ quan chuyên môn về đặc điểm về địa hình, địa chất dẫn đến không thể làm đường tránh, tại sao huyện Mỹ Đức không công khai văn bản này cho người dân và công luận nắm được để tránh tình trạng đơn thư phức tạp”, một người dân cho biết. 

Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ với ông Đặng Văn Triều – Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức. Ông Triều nói: “Liên quan đến nội dung mà báo chí quan tâm, huyện đã báo cáo lên thành phố, lên Sở Giao thông Hà Nội và đang chờ thành phố chỉ đạo.

Để làm một đường tránh cho dân đi lại không đơn giản như thế đâu, nó còn liên quan đến cả công trình thủy lợi. Phương án sắp tới sẽ báo cáo lên Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vì nó liên quan đến công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai. 

“Chẳng ai khiếu nại cả đâu, chẳng qua chỉ mấy doanh nghiệp liên quan, dân tình ai cũng ủng hộ cả mà”, ông Triều trao đổi.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này. 

Đọc thêm