Nghệ thuật săn kiến
Theo những người đi săn kiến vàng ở xã Chư Drăng (huyện Krông Pa), kiến vàng có thể lấy quanh năm, nhưng ngon nhất là thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Lúc này, con kiến có trứng rất nhiều nên các gia đình thường rủ nhau đi rừng lấy về ăn hoặc bán.
Tuy nhiên, chỉ khi nào trời nắng, họ mới đi lấy, vì hạ tổ kiến xuống dễ nhóm bếp lửa để tách tổ và an toàn khi leo trèo. Còn nếu mưa đi rừng rất khó quan sát tổ kiến và dễ gặp hiểm nguy. Loài kiến vàng rất thích làm tổ trên những loài cây lá lớn ở rừng. Người săn kiến thạo chỉ cần nhìn tổ là biết có trứng mẩy hay tổ không có trứng. Tổ có trứng mẩy là tổ có màu đen bạc, thớ gồ to, nơi tổ đậu cành cây trĩu xuống, hoặc nếu kiến làm tổ bằng lá thì xem có màng trắng liên kết với các lá bọc bên ngoài, lớp màng ấy phủ đều khắp tổ thì tổ ấy sẽ nhiều trứng.
Còn nếu tổ đen, xốp, nhẹ thì vẫn có trứng, nhưng ít vì trứng đã nở thành kiến rồi. Phải mất cả tháng tổ kiến vàng mới hồi sinh và tạo ra lứa trứng mới. Do đó, phải nắm quy luật thì người đi săn mới thu hoạch mẻ kiến và trứng ngon nhất. Một tổ kiến vàng lớn có thể thu về gần 1kg cả kiến lẫn trứng của nó. Anh Mlô Can (ngụ xã Chư Drăng) bảo, săn kiến cũng là một nghệ thuật và người săn cũng phải là người rành về tập tính, cuộc sống của kiến.
Dân săn kiến "trúng quả" một tán lá kiến vàng đậu kín |
Theo anh, nơi nào ít hơi người lui tới, không mùi thuốc trừ sâu, đốt phá là nơi đó kiến vàng tụ tập về làm tổ, đẻ trứng to hơn những nơi khác. Công việc săn kiến nhìn thì thấy dễ nhưng không dễ tí nào. Kiến vàng thường làm tổ trên cao nên việc lấy tổ kiến đòi hỏi có sức khỏe để leo trèo.
Trèo lên cây không sợ kiến cắn mà sợ ong chích, rắn cắn, cành cây mục. Khi leo phải cẩn thận, nếu không khéo rất dễ bị té ngã. “Kiến này cắn đau nhưng không độc, không sưng tấy. Khoảng một phút sau chỗ bị cắn không còn cảm giác đau nữa. Nhưng điều gian truân là chúng len lỏi bám vào cổ, bò khắp người, chui cả lên mặt rất khó chịu. Nếu không chịu được “trận đòn” này thì rất dễ té. Ấy là chưa kể đụng trúng ong rừng rồi bị chích, rắn độc cắn”, anh Mlô Can cho biết.
Một cái tổ kiến vàng nặng trĩu trứng bên trong |
Sau khi lấy tổ kiến từ trên cây thì đem xuống đất tách kiến ra khỏi tổ. Có nhiều cách tách, trong đó cách được nhiều người sử dụng là cho tổ vào chiếc nồi đang hơ lửa. Hơi nóng của lửa sẽ khiến đàn kiến bò ra khỏi tổ trước khi lăn ra nồi chết. Khi đó, người săn chỉ làm công việc đơn giản là gom kiến lại thành từng túi. Đồng bào dân tộc ở huyện Krông Pa cũng đưa ra nguyên tắc khi lên rừng săn kiến vàng. Đó là chỉ lấy tổ kiến chứ không được hạ cây, chặt cành to để lấy tổ kiến. Bởi họ quan niệm, nếu tàn phá rừng thì ngoài ảnh hưởng môi trường sống, kiến sẽ bỏ đi không làm tổ nữa, khi đó họ sẽ không có kiến để bắt.
“Phải biết bảo vệ sự sống cho kiến vàng thì mới có nguồn để bắt lâu dài. Ở đây không người dân nào sử dụng thuốc xịt kiến hay chặt cây phá cây để bắt kiến theo kiểu tận diệt. Người dân chúng tôi đi bắt kiến bằng tay và kinh nghiệm của mình”, anh Mlô Can cho biết.
Nét độc đáo trong ẩm thực Tây Nguyên
Kiến vàng là một con vật bé xíu nhưng lại có thành phần dinh dưỡng cao như: đạm từ 42 - 67%, có 28 loại acid amin và rất nhiều khoáng chất. Và từ bao đời nay, đồng bào dân tộc ở huyện Krông Pa thích đi vào rừng bắt kiến trên cây mang về làm thực phẩm cho gia đình hoặc bán kiếm tiền. Hiện kiến vàng được bán với giá 200.000 đồng/kg.
Có thể nói kiến vàng là nguồn thực phẩm, kinh tế dồi dào mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Từ kiến vàng, đồng bào nơi đây có thể chế biến ra nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó món đặc sản là muối kiến vàng. Kiến sau khi bắt về đem ngâm vào nước sôi, vớt kiến ra để ráo rồi rang lên với muối hạt và ớt rừng. Khi muối đã khô nổ, kiến đã chín thơm thì đổ vào cối giã. Vị chua chua, nồng nồng, ngây ngấy của kiến cùng vị cay xè của ớt, vị mặn của muối biển được hòa quyện lại, tạo nên một mùi vị rất lạ và hấp dẫn.
Sản phẩm từ kiến vàng chế biến được nhiều món ngon, trong ảnh là kiến chiên |
Tùy vào sở thích của mỗi người mà có thể cho thêm sả, chanh, mì chính vào giã cùng cho đậm vị. Muối kiến vàng có thể dùng để ăn với cơm trắng, rau luộc, hoặc dùng để chấm với xoài xanh, cóc non…
Nhưng đậm đà nhất là muối kiến vàng dùng để chấm với bò một nắng. Đây cũng được xem là một món ăn không thể không thưởng thức khi đến Tây Nguyên. Những miếng thịt bò đã được phơi một nắng đem nướng qua trên than hồng đến hơi tái.
Sau đó, xé một miếng chấm quyện vào đĩa muối kiến. Những bọng kiến còn nguyên bị cắn vỡ, tê tê, cay cay, chua chua được vị ngọt của thịt bò làm dịu đi, nọc kiến và ớt cay làm cho miếng thịt bò chín thêm ở trong miệng, mang lại cảm giác khoan khoái lạ thường cho người thưởng thức. Một món rất dân dã mà nhiều người ưu thích đó là món gỏi kiến vàng đu đủ. Đu đủ gọt bỏ vỏ, bằm nhỏ, rửa hết mủ, rồi cho vào cối giã chung với muối ớt, bột ngọt sau cùng cho kiến vào.
Đặc sản muối kiến |
Vị chua chua của kiến quyện với cay của ớt, giòn giòn của đu đủ, khiến người thưởng thức nhớ mãi bởi vị của nó không lẫn vào đâu. Và một món gỏi khác là gỏi kiến vàng cá suối. Theo đó, cá suối đem lọc xương, băm nhuyễn vắt sạch nước. Sau đó, trộn muối hột, ớt xanh, tiêu rừng cùng với thịt cá suối đã băm nhuyễn và trứng kiến giã dập đã se lại. Khi ăn cuốn với lá sung, lá mơ lông.
Thưởng thức món này sẽ cảm nhận vị cay xé lưỡi của ớt xanh, tiêu rừng, có vị ngọt của cá suối, vị béo của trứng kiến, thêm vị chan chát của lá gói tạo thành món ăn rất thú vị. Ngoài những món trên, người dân còn có món canh chua kiến vàng cũng hấp dẫn không kém. Đây là một món ăn được biết đến có tác dụng giải nhiệt rất tốt vào mùa hè. Cách nấu canh chua kiến vàng cũng khá đơn giản. Đầu tiên nấu một nồi canh cá, khi nước đang sôi ùng ục thì cho kiến vừa bắt được vào, chất axít trong bụng kiến sẽ hòa với nước canh tạo nên một vị chua tuyệt vời cho nồi canh. Ngoài ra, người ta còn nấu kiến vàng cùng lá giang.
Theo đó, họ cho kiến vào nồi nước lã, đun sôi nấu chín, vò một ít lá giang vào, nêm gia vị vừa ăn. Sau đó, nhắc nồi xuống rồi cứ thế mà chan húp. Bên cạnh kiến vàng, trứng của loài kiến này cũng có thể chế biến được rất nhiều món ăn như: nộm trứng kiến, trứng kiến nấu lá giang, trứng kiến nấu măng… Vị béo ngậy của trứng kiến khiến món ăn trở nên lạ miệng mà cũng không kém phần hấp dẫn. Đồng bào dân tộc ở huyện Krông Pa xem kiến vàng và trứng của nó như lộc rừng, như thuốc quý.
Do đó, khi có khách quý đến nhà, họ thường đem ra đãi. Họ cũng khuyên, những món ăn được chế biến từ kiến vàng không thể ăn vội, mà phải ăn thong thả, ăn từ từ để thấm được vị lạ, ngon, bùi, béo của nó. Với họ, so với những món côn trùng độc, lạ được chế biến thành món ăn như: bọ xít, mối, châu chấu… thì kiến vàng cũng như trứng của loài kiến này dễ ăn và bổ dưỡng hơn cả. Những món ăn chế biến từ kiến vàng tuy dân giã, nhưng hương vị của nó lại mang đến cảm giác đặc biệt cho người thưởng thức, khiến ai đã nếm qua một lần sẽ nhớ mãi không thể nào quên.