Kiều bào cô đơn bên dòng Tông – Lê – Sáp (phần 3)

Ông Lý xa xăm nhìn xóm chài lưa thưa vùng đầm phá rộng lớn mùa nước nổi. Nước thượng nguồn Mê Kong đổ về mùa này đỏ ngầu phù sa… Nơi ấy, hàng trăm con em kiều bào khát chữ vừa được học chữ đối mặt với nguy cơ tiếp tục thất học vì tài chính khó khăn. Gần đó là những cặp mắt mỏi mòn của những bà vợ, ngóng đức ông chồng

[links()]Để hiểu rõ hơn tình kiều bào trên đất liền bên dòng Tông - Lê - Sáp,  chúng tôi đi qua nhiều con đường ngoằn nghèo, hẹp, lộ đất đỏ ẩm thấp, nhếch nhác. Xe dừng lại đầu đường hẻm, chúng tôi lội bộ qua vài vũng nước tù đọng mới đến được xóm Sacacrus, thuộc xã Savaybonkun, cách TP. Siem Reap chừng 4km. Xóm nằm ven ngoại thành, lẩn khuất sau những dãy nhà đồ sộ. Nhà trong xóm là nhà thuê (mỗi tháng 10 đô la Mỹ), có trên 20 hộ, chủ yếu làm thuê, lợm bọc, ve chai…, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Xóm Sacacrut ngoại ô thành phố Siemreap.

Trên bờ, dưới sông tương lai mờ mịt

Chúng tôi đến thăm chị Nguyễn Thị Lài  (quê An Giang), qua Xiêm Reap 8 năm. Chị có 1 đứa con, đang mang bầu đứa thứ 2, sắp ngày sanh nở, chồng làm phụ xưởng gỗ, vừa bị tai nạn lao động bàn tay gần đứt lìa không được bồi thường. Hỏi ra mới biết, chồng chị không có chứng minh nhân dân, không hộ khẩu, làm kiểu thỏa thuận miệng ăn theo ngày công nên khi gặp rủi ro trong lao động phải tự chịu.

Chị Lài than: “Hồi ổng bị tai nạn, chú Tư (Hiệu trưởng trường học ngoài Biển Hồ - PV) hay tin nên tức tốc thuê đò chạy vô bờ, cho tiền đưa chồng tôi về tận TP. Cần Thơ chạy chữa. Chú còn nhờ Hội từ thiện bên Việt Nam hỗ trợ viện phí. Nhờ đó ổng mới toàn mạng tới giờ, nếu không mẹ con tôi chẳng biết bấu víu vào đâu nữa”.

Sau khi vết thương lành lặn trở lại, chủ cũ không cho chồng chị Lài-Lâm Văn Hến làm công vì cho rằng anh bị tật ở tay, năng suất lao động thấp. Song, anh Hến không thể nhìn vợ con thiếu ăn, xin làm phụ hồ, khuân vác cực nhọc cả ngày nhưng chỉ kiếm khoảng vài trăm ngàn tiền Việt, ngày có ngày không.

Cùng cảnh ấy nhưng có phần may mắn hơn là trường hợp anh Nguyễn Văn Thành (39 tuổi) và vợ là Lê Thị The (29 tuổi), nhà cặp vách. Chị The là con gái lớn của ông Bảy Kiên-cùng ấp ông Trần Văn Tư.

Nhà chị The tới 10 anh chị em. Không chịu thấu cảnh dầm mưa giải nắng quanh năm, da nám tay sờn… chị The quyết tâm lên bờ, tìm việc làm thêm, tình cờ gặp anh Thành rồi kết duyên. Cả Hai thuê nhà, tạo lập cuộc sống mới, cùng làm mướn nuôi miệng.

Cả chục năm trời tích cóp, vợ chồng chị có dư ít đỉnh, mua được chiếc xe gắn máy, định để dành thêm vài năm đủ tiền mua đất cất nhà. Ai dè sự cố ập đến, chồng chị The bất ngờ té lầu lúc đang làm phụ hồ. Sau hai lần qua tận TP. Cần Thơ điều trị, anh Thành mới khỏi bệnh. Song, anh Thành đi phụ hồ, khuân vác không được những vật nặng như trước, đầu óc khi nhớ khi quên, bị trả công ít hơn trước.

Đề cập đến sự cố đau lòng, anh Thành buồn buồn, tủi tủi: “Cả chục năm xa quê (Nam Giang, An Giang), tôi không dám về vì tiếc tiền. Nhờ lần điều trị bệnh mới có dịp về thăm bà con. Song, tiền dành dụm cả chục năm trời coi như hết sạch sau lần bệnh, chỉ còn lại chiếc xe máy. Hiện, 2 đứa nhỏ còn đi học trường Campuchia, việc mưu sinh sắp tới sẽ vất vả lắm”.  

Những nỗ lực tâm huyết

Rời xóm kiều bào nghèo ở Sacacrus, chúng tôi tiếp tục tháp tùng cùng Hội người Campuchia gốc Việt TP. Siem Reap thăm cộng đồng kiều bào đang sinh sống tại ấp Tachoronieng - cách trung tâm TP. Siem Reap khoảng 40km.

Chi The, một cư dân của xóm Sacacrut

Xe phải dừng lại đoạn nhánh của con sông cuối nguồn ăn thông ra Biển Hồ, tiếp tục hành trình đi xuồng máy. Từ bờ dòm ra biển, xóm Tachoronieng cũng dạng nhà phao  nhưng một số nhà có vách quấn quanh bằng cao su, lâu ngày bị nắng-gió làm rách. Nổi bật nhất là ngay trung tâm của hai dãy nhà, có một trường học, 2 phòng khá khang trang.

Theo lời ông Trần Văn Lý - trưởng ấp này, ngôi trường nhờ các Đài truyền hình Cụm miền đông Nam Bộ hỗ trợ tiền xây cất, bàn giao và chính thức đưa vào sử dụng đầu năm 2013. Từ ngày có trường, 196/246 con em kiều bào trong ấp được đi học, còn lại phải theo cha mẹ giăng lưới, bắt cá mưu sinh dù các em rất muốn được đi học.

Trò chuyện với thầy đứng lớp nơi đây mới biết, trường chỉ có 1 thầy và một cô, đều cùng quê An Giang, được đích thân ông Lý mời về giảng dạy. Thương con em kiều bào khát chữ, thầy Trần Văn Đúng (thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên) và cô Nguyễn Thị Kim Ngân (Châu Đốc) không ngại đường xa xôi, xứ lạ quê người sang tận nơi đây gieo chữ.

Song, cũng từ ngày có trường, ông Lý thêm phần trách nhiệm, cuộc sống của ông khó khăn nhiều hơn. Ông Lý hành nghề mộc, sửa tàu, bè, máy… Nghề khai thác gặp khó, máy, xuồng ít hư, thu nhập của ông Lý khi thăng khi giáng. Trong khi đó, nguồn tiền hỗ trợ ban đầu chỉ đủ trả công cho giáo viên đứng lớp 2 tháng đầu.

Từ ngày ấy đến nay, ông Lý bỏ tiền túi để trả nhằm duy trì việc học cho con em kiều bào trong ấp. Đề cập đến chuyện trả lương, thầy Đúng chua xót: “Cũng vì chuyện tài chính trả cho chúng tôi mà vợ chồng anh Lý lụt đụt, chị Thân giận chồng lo chuyện bao đồng, bỏ về nhà cha mẹ ở luôn tới nay chưa quay lại. Tội nghiệp ảnh giờ thui thủi một mình, cáng đáng việc học đám nhỏ, chưa biết cầm cự việc gieo chữ tới khi nào”.  

Qua tiếp xúc với bà con Kiều bào nơi đây mới biết, ấp Tachoronieng có 218 hộ nhưng có 138 hộ gốc Việt, đa phần mưu sinh bằng nghề khai thác cá ở Biển Hồ. Bà con không được cấp sổ hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân nên không mua được đất trên bờ, phải làm nhà phao khu vực ven biển, lênh đênh theo con nước lớn ròng mùa lũ.

Chú Nguyễn Văn Lợi - Phó ấp Tachronieng, thú thiệt: “Cuộc sống ở đây gần như tách biệt với đất liền, không có điện lưới quốc gia, không có nước sinh hoạt cộng với nguồn lợi cá nước ngọt ngày càng suy giảm khiến đời sống nhân dân trong vùng vô cùng khó khăn. Do vậy, ấp hiện còn tới 70% hộ nghèo, còn lại diện chỉ đủ ăn”.

Đưa chúng tôi trở lại đất liền, ông Lý xa xăm nhìn xóm chài lưa thưa vùng đầm phá rộng lớn mùa nước nổi. Nước thượng nguồn Mê Kong đổ về mùa này đỏ ngầu phù sa… Nơi ấy, hàng trăm con em kiều bào khát chữ vừa được học chữ đối mặt với nguy cơ tiếp tục thất học vì tài chính khó khăn. Gần đó là những cặp mắt mỏi mòn của những bà vợ, ngóng đức ông chồng đang bị tù sớm ngày đoàn tụ, để cả nhà tiếp tục quây quần bên chiếc nhà phao bấp bênh cùng gió biển, chưa biết bị lật lúc nào trước bão tố mưu sinh của cuộc đời phiêu bạt, tha hương…

Ngọc Long

(Còn nữa)

Đọc thêm