Kiều bào cô đơn trên dòng sông Tông-Lê-Sáp

Hàng chục ngàn Kiều bào đang sống phiêu bạt ở 6 tỉnh Tây Bắc đất nước Chùa Tháp, sinh kế chủ yếu từ nguồn lợi của dòng hạ nguồn Mekong. Họ đến đây từ khá lâu, nói tiếng Capuchia rành rọt như dân bản địa. Qua nhiều thế hệ, có người chỉ còn nhớ mình quê ở Việt Nam. Phần lớn trong số họ sống đời lam lũ, thiếu thốn, định hướng tương lai mờ mịt…

Hàng chục ngàn Kiều bào đang sống phiêu bạt ở 6 tỉnh Tây Bắc đất nước Chùa Tháp, sinh kế chủ yếu từ nguồn lợi của dòng hạ nguồn Mekong. Họ đến đây từ khá lâu, nói tiếng Capuchia rành rọt như dân bản địa. Qua nhiều thế hệ, có người chỉ còn nhớ mình quê ở Việt Nam. Phần lớn trong số họ sống đời lam lũ, thiếu thốn, định hướng tương lai mờ mịt…

Phiêu bạt xứ người

Cách ngoại ô Phnôm Pênh khoảng 40km, một xóm chài khoảng 500 hộ cất nhà nổi theo triền sông Tông-Lê-Sáp. Dân địa phương cho hay, xóm ấy quần tụ người Campuchia gốc Việt, thuộc tỉnh Kandal. Bà con ở đây dùng điện từ bình ac-quy, nước của dòng sông này thỏa mãn mọi thứ trong sinh hoạt, từ tắm, giặt, rửa chén đến nấu chín để uống.

Tranh thủ trời vừa hửng nắng, cô Năm Huệ - hộ dân trong xóm rửa nhanh mớ cá lóc vừa mua được ở chợ để ướp muối, kịp phơi khô. Từ năm 22 tuổi, cô đã khăn gói theo cha mẹ ruột từ Đa Phước (Châu Đốc, An Giang) qua vùng đất này lập nghiệp, tới nay đã 52 tuổi, có tới 8 người con nhưng chỉ 4 người có gia đình riêng.

Cô Huệ đang tranh thủ làm khô cá lóc.
Cô Huệ đang tranh thủ làm khô cá lóc.

Cô cho hay, 5 năm gần đây cô phải làm thêm nghề cá khô, giăng cá dưới sông không đảm bảo cuộc sống vì lượng cá ngày càng ít. Mấy đứa con (chưa có gia đình) của cô Huệ không nối nghề chài lưới nữa, bỏ lên thủ

 đô Phnom-Penh làm phụ hồ, phụ rửa chén…mong có thêm tiền phụ giúp gia đình. Làm quần quật quanh năm nhưng cuộc sống chỉ tạm đắp đỗi theo ngày. Hôm nào không làm coi như không có tiền ăn gạo. “Con cái thất học, làm công rẻ mạt nên sống khốn khó, tương lai mờ mịt. ” – cô Huệ tâm sự.

Cạnh nhà cô Huệ, anh Nguyễn Văn Hóa (29 tuổi) không nhớ rõ quê mình ở tỉnh nào, chỉ biết cha mẹ hồi trước ở Việt Nam. Từ lúc biết chuyện, anh đã rong ruổi theo cha lênh lênh trên dòng Tông-Lê-Sáp này để đánh bắt cá. Anh cho hay, nếu lượng cá dưới sông hồi trước 10 phần, giờ giảm còn khoảng 3 phần. Kéo theo sự suy giảm ấy là sinh kế và đời sống của gia đình anh và cả những người trong xóm teo tóp theo thời gian.

Cách đó vài căn nhà, anh Út Lời (Phan Văn Lời, 34 tuổi) tranh thủ giờ nghỉ trưa vá vội tay lưới bị rách. Gần Út Lời là anh trai Phan Văn Hào (Sáu Hào, 46 tuổi) nhâm nhi vài giọt đế cuối cùng. Anh Hào cho hay, nhậu cho bớt buồn chuyện bạc bẻo. Qua đây gần 20 năm trời mà không có một giấy tờ lận lưng, gần như mất hết quyền tự do công dân. Anh Hào chua chát: “Chính quyền cho ở nhưng chỉ cấp giấy tạm vắng tạm trú, 2 năm đổi một lần, không cho làm hộ khẩu, chứng minh nhân dân”.     

Chút tự trào mua hy vọng

Sáu Hào quê ở Đa Phước, thất học, nối nghiệp cha mẹ qua Tông-Lê-Sáp sống nghề chài lưới khi tuổi đời còn sung mãn. Gặp chị Nguyễn Thị Nông (quê Tây Ninh) cũng theo cha giăng cá bên này, cảm thông, nhen nhóm tình cảm rồi thành vợ thành chồng. Đến nay, anh chị có 2 con nhưng phải gởi con về Tây Ninh, nhờ bên vợ cưu mang vỉì vợ chồng anh không lo nổi.

Hối hận nhất với Sáu Hào là đã trót “rủ rê” em ruột của mình (Út Lời) qua đây lập nghiệp. Hơn chục năm trời cắm chà, giở cá dưới dòng sông này, Út Lời chưa dành dụm đủ tiền để cưới được vợ… Đề cập đến chuyện trăm năm, Út buông lơi:

“Tiền sửa lại ghe chưa có thì lấy đâu mà cưới vợ. Mình ở ghe, cưới vợ phải thuê nhà trên bờ dựng rạp, đãi tiệc, tốn kém lắm. Giờ cứ lo làm, tới đâu hay tới đó, ai biết vài bữa hên gặp “chổ” cho “thú phạt” (gái lỡ thì trót dại có bầu-cần đàn ông hợp thức hóa cái thai), còn không thì “chịu trận” vầy luôn cho tụi con gái  thèm chơi…”- Út Lời buông giọng sang sảng theo phong cách A.Q.

Trong tiếng cười vang vọng mặt sông Tông-lê-sáp ấy, tôi nhận ra một tâm sự buồn trong sâu thẳm tâm thức của Út Lời, cũng như thế hệ thanh niên làng chài này.    

Nhà ven sông của kiều bào
Nhà ven sông của kiều bào

Không bi đát vậy, gần 20 năm qua, chị Nguyễn Thị Xem, 40 tuổi, nhà gần đó tuy có chồng nhưng sống cảnh “lính phòng không”. Chị và người em ruột (Nguyễn Thị Gương, 40 tuổi) theo cha mẹ từ Hồng Ngự (Đồng Tháp) qua Tông-Lê-sáp lập nghiệp từ lúc cả hai còn tấm bé.

Cả hai cùng có chồng là người Campuchia. Nhưng lấy nhau chưa đầy một tháng, chồng theo người phụ nữ khác, thiếu nữ đương thời như chị phải chịu cảnh như “quá bụa” cho đến nay. Giờ thì chị đã thôi hẳn ý định tái giá, sống hủ hỷ cùng mấy đứa con của chị Gương, dạy cho chúng nghề uốn tóc, làm móng để không còn sống phụ thuộc vào dòng Tông-Lê Sáp.

Chị Xem tâm sự: “Chài lưới bây giờ không kiếm ăn đủ vì cá dưới sông không còn nhiều. Thu nhập teo dần, đến nỗi nhiều trai tráng trong xóm không có tiền cưới vợ. Còn đặt niềm tin ở người bản xứ, sợ cảnh cũ tái diễn, buồn lắm”.

(Còn nữa)

Ngọc Long

Đọc thêm