Cha mẹ gián tiếp đẩy con vào nguy hiểm
“Ngay từ khi em 14 tuổi, một buổi cả nhà đi vắng, em đang ngồi học bài, cha đã vào phòng và yêu cầu em cởi hết quần áo ra để ông nhìn. Em sợ quá khóc, cha dọa sẽ đánh em chết nếu mách với người khác”.
Sau lần phải “phục vụ” cha mình như vậy, cứ thế, Nguyễn Hải V. chịu đựng người cha mất nhân tính trong một thời gian khá dài và khi 18 tuổi, cô thấy rằng mình không thể chịu đựng được hơn nữa. Cô quyết định bỏ nhà ra đi, nhưng trước khi đi, cô thấy phải nói ra sự thật để các em (V. là chị thứ hai trong gia đình 9 người con) không bị rơi khỏi cảnh khổ như mình.
Nào ngờ, mẹ cô không những không tin cô mà còn rủa xả rằng cô dựng chuyện nói xấu cha mẹ để có cớ bỏ nhà đi bụi theo trai, còn cha cô thì trước mặt cả nhà thản nhiên tuyên bố: “V. không phải là con đẻ của tao, nên tao có quyền làm gì tao thích!”. Rời khỏi nhà, V. lang thang không biết đi đâu về đâu, cô tìm về nhà người cậu của mình những mong được thấu hiểu, che chở, nhưng cậu cô cũng không tin chuyện cháu gái nói và còn khuyên hãy về xin lỗi cha mẹ vì đã dựng chuyện nói xấu họ.
Câu chuyện của Nguyễn Hải V. đang phản ánh một thực tế xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam hiện nay. Thống kê của Bộ LĐ-TB& XH cho thấy trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục (trong đó số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%); năm 2013 số trẻ em bị xâm hại tình dục là hơn 1.300 em; năm 2014 là hơn 1.500 em.
90% người xâm hại tình dục trẻ em là hàng xóm, họ hàng, thầy giáo, bố đẻ, bố dượng. Con số này thực sự là đáng sợ. Nhưng điều còn đáng sợ hơn nữa là sự im lặng - cách ứng xử phổ biến của các bậc cha mẹ khi con cái bị xâm hại tình dục.
Nếu như cách đây 18 năm, mẹ của hoa hậu Linor Abargil người Israel cũng im lặng thì ngày nay thế giới đã không có người phụ nữ được bình chọn là một trong 200 người Israel vĩ đại nhất mọi thời đại, mang tiếng nói nữ quyền để đứng lên đòi quyền lợi cho phụ nữ đã từng bị xâm hại tình dục.
Linor Abargil đăng quang hoa hậu thế giới năm 1998 khi cô vừa tròn 18 tuổi, nhưng 7 tuần trước khi Linor Abargil lên ngôi Hoa hậu thế giới, cô đã bị một kẻ thủ ác cưỡng hiếp vô cùng dã man. Sau khi dành được danh hiệu cao quý, Abargil đã công khai sự việc bị cưỡng hiếp và chính quyền Israel đã vào cuộc truy bắt kẻ thủ ác là Uri Shlomo Nur và tuyên án 16 năm tù.
Người mẹ của Linor Abargil thay vì che giấu nỗi nhục nhã con gái bị xâm hại tình dục để bảo toàn danh dự gia đình như rất nhiều người mẹ khác có thể làm, bà đã chìa tay, lắng nghe và sát cánh cùng con gái trong suốt cuộc hành trình đi đòi công lý và truyền sức mạnh cho những người phụ nữ khác.
“Câu nói của người mẹ: “Con không có lỗi, lỗi do kẻ kia gây ra” đã thực sự là chỗ dựa, là chiếc phao để Linor Abargil đứng lên từ đáy tuyệt vọng đấu tranh cho mình và cho những người phụ nữ khác”.
Không chỉ im lặng nhiều bậc cha mẹ còn gián tiếp “dâng con vào miệng cọp” bằng những cách ứng xử sai cách của mình. Có 9 năm công tác trong lĩnh vực phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, chuyên gia Nguyễn Lam Anh đã nhấn mạnh việc cha mẹ có tháu độ cười cợt khi nói đến các bộ phận kín của con là điều hết sức sai lầm.
“Cha mẹ cần gọi tên đúng các bộ phận kín và nói với thái độ nghiêm túc để trẻ hiểu những bộ phận này quan trọng. Ví dụ, khi người lớn nói cái tay, chân, mắt, miệng thì không cười nhưng khi nói đến chim, cu lại cười. Điều này làm cho trẻ hiểu sai rằng những bộ phận này hổ thẹn và xấu hổ, cho nên trẻ sẽ cũng sẽ ngại nói ra khi có ai đụng chạm vào. Và quan trọng là trẻ nghĩ những bộ phận đó là hạ đẳng và không cần tôn trọng” – chuyên gia nhấn mạnh.
Giơ tay lên để cứu con khỏi miệng cọp
Trên trang web của NSPCC - một tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em tại Anh kể lại câu chuyện của Rachel, một bà mẹ người Anh, khi dạy con gái 3 tuổi về “quy tắc quần lót” mới tình cờ phát hiện ra cô bé đã bị một người bạn thân tín của gia đình lạm dụng. Rachel nói với con gái Hannah: “Khi con đã mặc đồ lót vào, chỗ đó là dành riêng cho con.
Không ai có thể chạm vào đó”. Đáp lại mẹ cô bé đã nói “Nhưng bác Ron đã cho tay vào chỗ đấy của con”. Kết cục Ron ngồi tù 8 năm vì tội lạm dụng tình dục. Còn bé Hannah phải mất một thời gian dài sau đó mới có thể hồi phục tâm lý sau một chuỗi dài buổi kiện cáo và ra tòa làm chứng để luật pháp trừng trị kẻ lạm dụng mình.
Vậy “quy tắc quần lót” (PANTS rules) mà tổ chức NSPCC kêu gọi các phụ huynh nên dạy cho con của mình để chống lạm dụng tình dục là gì? Đó là: P – Private (Riêng tư): Nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ.
Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.A – Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con): Hãy cho trẻ biết rằng cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”.
N – No means no (Không là không): Giúp trẻ nhận thức được rằng trẻ có quyền nói “không” với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình. T – Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn): Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật "tốt" và "xấu".
Những câu như “Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình" thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật "tốt" có thể là món qùa hay bữa tiệc. Những bí mật "xấu" là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi.
Con cần nói ra. S – Speak up (Lên tiếng): Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...
Bên cạnh “quy tắc đồ lót”, theo bà Trương Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ quận Hoàn Kiếm, HN còn có “quy tắc bàn tay” trong giao tiếp mà cha mẹ cần dạy trẻ để giúp trẻ tự bảo vệ mình.
Theo đó, bàn tay của bé có 5 ngón và cũng được chia thành 5 vòng tròn giao tiếp. Ngón thứ nhất: Ôm hôn - dùng với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột. Ngón thứ hai: Nắm tay - với bạn bè, thầy cô, họ hàng. Ngón thứ ba: bắt tay - khi gặp người quen. Ngón thứ tư: vẫy tay - nếu đó là người lạ. Ngón thứ năm: xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.
“Quy tắc bàn tay” này không chỉ phù hợp với trẻ mầm non mà với trẻ tiểu học, vị thành niên. Rõ ràng với những con số đau lòng về nạn xâm hại tình dục trẻ em như đã nói trên thì việc dạy con hai quy tắc vàng trên là vô cùng cần thiết.