Vàng tặc… quét mãi không hết
Liên quan đến vấn nạn “vàng tặc” hoành hành trên địa bàn xã Đắk Kan suốt nhiều năm qua, chúng tôi tìm đến UBND xã Đăk Kan để tìm hiểu sâu thêm về vấn nạn này.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Huân – chủ tịch UBND xã thẳng thắn cho biết: “Vấn nạn vàng tặc thực tế đã tồn tại trên địa bàn trong một thời gian dài khiến cho tình hình an ninh trở nên phức tạp, người dân địa phương tỏ ra hoang mang lo lắng, chính quyền đau đầu trong khâu xử lí, ngăn chặn”.
Cũng theo ông Huân, trước đây địa phương đã rất nhiều lần thực hiện các biện pháp mạnh tay, ra quân truy quét nhằm xử lí triệt để vàng tặc nhưng xem ra cũng chẳng ăn thua gì.
Nguyên do là bởi phần đa những đối tượng hoạt động tại bãi vàng hầu hết là những thành phần “bất cần đời”, lại lịch không rõ ràng quy tụ từ miền Bắc vào. Đội quân “vàng tặc” rất đông. Chúng hoạt theo nhóm công khai có tổ chức lại hung hăng, liều lĩnh sẵn sàng “tay đôi” khi đụng chạm với lực lượng bảo vệ.”
Ông Huân cũng cho biết thêm, về phía lãnh đạo xã sau một thời gian “án binh bất động” nhằm mục đích nghiên cứu nắm được quy luật hoạt động của đám “vàng tặc” đồng thời lên phương án trấn áp, giải quyết dứt điểm tệ nạn.
“Chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng lên kế hoạch một cách chi li, đưa ra các tình huống xấu nhất để tìm cách đối phó. Sau đó, UBND xã đã huy động tối đa lực lượng cùng với sự giúp đỡ của lực lượng Công an huyện Ngọc Hồi đồng loạt ra quân tiến hành đợt truy quét tổng thể phá bỏ nhiều lán trại “vàng tặc” tại khu vực đồi Sạc Ly thuộc tiểu khu 180, 181”, ông Huân kể.
Thế nhưng đám “vàng tặc” tỏ ra rất mưu mô, hình như chúng đã “dự cảm” trước có điều không lành nên đã nhanh chóng gói ghém, thu dọn đồ đạc rút quân không để lại chút tung tích nào. “Hiện tại, UBND xã Đăk Kan đã chỉ đạo cho 10 đồng chí dân quân tổ chức canh gác, túc trực 24/24 đồng thời san lấp, phá hủy toàn bộ hệ thống hầm vàng đã phát hiện”, tiếp lời ông chủ tịch xã.
Vũng đất “vàng tặc” chứa nước đãi vàng ngay tại chỗ |
Giang hồ đất Bắc xưng bá bãi vàng
Để “mục sở thị” lãnh địa “vàng tặc”, nhóm phóng viên theo chân một cán bộ xã đến hiện trường ghi nhận. Rời khỏi trụ sở xã Đắk Kan chạy dọc theo con đường đất trơn trượt, vòng qua nhiều quả đồi dốc đứng chúng tôi dừng nghỉ chân tại trạm quản lý rừng (thuộc Công ty TNHH MTV nguyên liệu giấy miền Nam).
Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh tấm bảng hiệu ghi dòng chữ “trạm quản lý rừng” móp méo, xộc xệch, nhà cửa xơ xác, cửa kính vỡ vụn nham nhở khắp mọi nơi. Phía bên trong tan hoang cỏ dại xâm lấn nhìn quanh không một bóng người.
Khi chúng tôi chuẩn bị rời đi thì rất may mắn được gặp được anh Trần Văn M (nhân viên trạm quản lý). Qua trao đổi với anh M, chúng tôi được biết, dù trạm quản lý được thành lập, cắt cử nhân viên trực tại đây trông coi bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trạm quản lý không khác gì cái gai trong mắt của bọn “vàng tặc” nên chúng tìm đủ mọi cách sinh sự, đập phá.
“Các anh nhìn xem trạm bị bọn “vàng tặc” đập phá tan hoang, có người cũng như không bởi chúng đâu có sợ sệt, coi chúng tôi ra gì. Bọn khai thác vàng ở đây phần lớn không phải là người địa phương mà phần đa là những đối tượng cộm cán có thâm niên khai thác vàng từ miền Bắc kéo vào”, anh M cho biết thêm.
Theo thời gian, đội quân “vàng tặc” kéo đến ngày một đông. Chúng ngang nhiên lập lán trại ăn ở, đào đãi ngay tại chỗ. Vào thời cao điểm, tại tiểu khu 180, 181, mỗi ngày có đến cả trăm tên mang, đeo thiết bị đào bới cả ngày lẫn đêm. Sau khi lấy được quặng, đa số “vàng tặc” cho vào bao tải chở đi nơi khác nhưng cũng có nhóm ngang nhiên tổ chức nghiền sàng, tuyển quặng tại chỗ.
Tại khu vực này cũng đã từng xảy ra những cuộc thanh toán tranh giành lãnh địa giữa các nhóm làm vàng và trả thù lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Đây cũng là lý do khiến Ban trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi, thuộc Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy miền Nam bó tay trước vàng tặc.
Vào thời điểm mấy năm trước, lúc “vàng tặc” mới tới khai thác, Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy miền Nam đã nhiều lần cho người tìm đến tận nơi ngăn cấm, báo cáo với chính quyền sở tại. Thế nhưng, chúng vờ như “điếc không sợ súng” thậm chí đứng lên cầm hung khí tay đôi đáp trả.
Chỉ tay vào trạm quản lí, anh M nói: “ Nhìn hiện trạng là thấy, cách đây không lâu, có trên chục tên “vàng tặc” hung hăng kéo đến trạm, đồ đạc bên trong, bên ngoài chúng đập tan nát hết. Thậm chí chúng cầm dao truy đuổi, may mắn anh em chúng tôi nhanh chân chạy vào rừng tẩu thoát. Đuổi không được chúng buông lời đe dọa sau này gặp đâu là giết đó, khiến mọi người rất hoang mang”.
Cũng theo anh M, sau lần đó, các anh tìm hiểu nắm được thông tin bãi vàng tại tiểu khu 180, 181 do đối tượng cộm cán tên Hải (40 tuổi, quê Bắc Cạn) từng có tiền án về tội gây thương tích cầm đầu. “Do đó, chúng tôi đành “lực bất tòng tâm” vì ngại va chạm, chẳng phải đầu cũng phải tai”, tiếp lời anh M.
Men theo con đường mòn đất đỏ, từ vị trí trạm quản lí đi thêm khoảng 30 phút, nhóm phóng viên có mặt tại “lãnh địa” vàng tặc tiểu khu 181. Tại đây có hơn mười dân quân đang làm nhiệm vụ phá hủy, san lấp toàn bộ “cơ ngơi” vàng tặc dày công gây dựng.
Đi một vòng quanh tiểu khu 181, theo quan sát của phóng viên mặt đất bị xới tung, cây cối bị đốn hạ nằm ngổn ngang ước tính có đến hàng chục hầm vàng sâu hoắm đủ các loại kích cỡ chi chít nhau. Có hầm đào xuyên qua đồi nhưng cũng có hầm đào sâu như những chiếc giếng. Luồn lách vào một cửa hang sâu hoắm chiều dài hơn 10m, bên trong tối om như mực càng vào sâu đường càng khó đi, ở trong đó chằng chịt các ngóc ngách thông suốt với nhau không khác gì một địa đạo.
Bật đèn pin quan sát kĩ từ ngoài miệng hang cho đến tận cuối đường hầm không hề có bất kì cọc cây… hay vật gì để che chắn, nguy cơ sạt lở rất cao. Mặc dù, chỉ mới “mục sở thị” trong đường hầm chốc lát nhưng chúng tôi có cảm giác ngột ngạt đến khó thở nhưng với “phu vàng” lại khác, họ có thể chịu đựng được cả ngày lẫn đêm chạy theo giấc mộng “vàng”.
Rời khỏi lãnh địa “vàng tặc” trên đường về chúng tôi thầm nghĩ nếu chẳng may một phần đường hầm dài ngoằng kia đổ ập xuống thì số phận những “vàng tặc” sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi trong lòng đất lạnh lẽo.
Cũng trao đổi với phóng viên, ông Tống Hữu Chân (Giám đốc Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam) cho biết: “ Trước đó, qua kiểm tra anh em báo cáo phát hiện nhiều điểm đào vàng và khai thác khoáng sản trong khu vực đất rừng nguyên liệu giấy. Đơn vị đã phối hợp với UBND xã Đắc Kan xử lý nhưng hết đợt kiểm tra thì tệ nạn đào vàng vẫn tiếp tục hoành hành.
Nếu không có biện pháp truy quét mạnh, tài sản rừng trồng của Cty sẽ bị thiệt hại rất lớn. Bởi Công ty có 9.000 ha rừng thông và keo lai, trong đó Ban trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi quản lý 1.500ha. Các tiểu khu bị đào bới rất nhiều lần, cứ tiếp diễn nguy cơ sạt lở làm cây thông dễ bị gãy đổ, đó là chưa kể tính mạng phu vàng đe dọa.
Kiên quyết xử lí triệt để vấn nạn “vàng tặc”
Liên quan đến sự việc nói trên trao đổi với PV ông Nguyễn Đức Xuân (Trưởng phòng TNMT, huyện Ngọc Hồi) xác nhận, phải nói vẫn nạn vàng tặc tồn động trên địa bàn kéo dài nhiều năm nay.
“Trước đây, phía UBND xã Đăk Kan đã nhiều lần phối hợp với công an huyện Ngọc Hồi truy quét, nhưng được một thời gian “vàng tặc” tái xuất hiện. Lần này chúng tôi cương quyết làm mạnh tay, mới đây chúng tôi đã tiến hành đợt truy quét trên diện rộng, nếu bắt quả tang đối tượng nào xử lí triệt để quyết không để tình trạng này tái hiện”, ông Xuân nói.